19/06/2022 11:15 GMT+7

'Chặt chém' du khách là mảng tối đáng báo động của du lịch Việt Nam

TỪ ĐẠM TUYỀN
TỪ ĐẠM TUYỀN

TTO - Theo bạn đọc Từ Đạm Tuyền, nếu không kịp thời khắc phục việc "chặt chém" du khách, hành động này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm xấu đi bộ mặt văn minh của đất nước.

Chặt chém du khách là mảng tối đáng báo động của du lịch Việt Nam - Ảnh 1.

Du khách cho rằng chất lượng phần mì xào bò không tương xứng với giá tiền 200.000 đồng - Ảnh từ bài viết nhân vật

Dưới đây là bài viết của bạn đọc này gởi đến Tuổi Trẻ Online, hiến kế Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém" du khách có xu hướng ngày một lan rộng ra như hiện nay ở một số điểm du lịch?:

Cá nhân tôi rất bức xúc khi đọc được thông tin về một nhà hàng tại Nha Trang bị du khách tố "chặt chém" bán giá 600.000 đồng cho ba suất mì xào bò. Dù chủ nhà hàng đã lên tiếng giải thích do vật giá leo thang nên dẫn đến tình trạng tăng giá bán.

Tuy nhiên, lời giải thích vẫn khiến tôi và rất nhiều người từng chịu đựng cảnh bị "chặt chém" tại các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam khó lòng chấp nhận.

Hệ lụy lâu dài của vấn đề này sẽ dẫn đến việc một bộ phận du khách nước ngoài và cả trong nước "một đi không trở lại" với các điểm đến du lịch thường xuyên xảy ra vấn nạn "chặt chém".

Từ Đạm Tuyền

Có thể thấy vấn nạn "chặt chém" đi cùng chất lượng dịch vụ kém luôn là một "mảng tối" cần phê phán của ngành du lịch Việt Nam.

Cách đây hai năm, trong chuyến du lịch đến Lào Cai, Sa Pa, tôi và một nhóm bạn có dừng chân tại một quán ăn ven đường cạnh bản Cát Cát. Khi gọi một bát cơm và hai đĩa rau bắp cải luộc, chủ quán đưa ra cho chúng tôi và báo giá 300.000 đồng.

Bạn tôi gọi thêm một đĩa sườn xào nhưng chủ nhà hàng không mang sườn, mà thay vào đó là đĩa thịt bò và báo giá 500.000 đồng.

Khi chúng tôi bày tỏ sự thắc mắc và có phần không hài lòng với giá cả, chủ quán liền thể hiện thái độ sỗ sàng, bất lịch sự, cho rằng: "Giá ở trên này thế, nếu không ăn thì trả tiền rồi mời sang quán khác vì nhà hàng đã chế biến xong".

Khi kể câu chuyện này với bạn tôi, hiện đang là hướng dẫn viên của Công ty du lịch Vietravel, tôi bất ngờ biết rằng tình trạng này xuất hiện rất phổ biến tại khắp các tỉnh thành ở Việt Nam.

Thậm chí, bạn tôi còn chia sẻ thêm rằng với những nơi không ghi rõ giá, khách nên chủ động hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, để tránh tình trạng gọi ít, thanh toán nhiều.

Với những nơi kinh doanh tử tế sẽ để giá tiền tương ứng với món ăn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nơi cố tình "lập lờ" sẽ để ba số 0, che số tiền phía trước. Nếu khách có hỏi, họ sẽ báo giá, còn không thì im lặng và thản nhiên "chặt chém" khách hàng.

Thiết nghĩ, vấn nạn "chặt chém" du khách tuy chỉ là hiện tượng đơn lẻ, xuất phát từ một số cá nhân vì ham mê lợi nhuận và bất chấp làm sai, nhưng nếu không khắc phục kịp thời, hành động này về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch, làm xấu đi bộ mặt văn minh của đất nước.

Bởi lẽ, dù trải nghiệm rất nhiều ưu điểm nhưng chỉ cần một điểm xấu còn tồn tại thì hình ảnh của địa phương ấy đã không còn đẹp trong mắt du khách, thậm chí có thể khiến họ tẩy chay, không có ý định quay lại vùng đất ấy một lần nữa.

Cá nhân tôi đã có dịp được du lịch đến nhiều vùng đất khác nhau và nhận ra vấn nạn "chặt chém" du khách tại bất kỳ nơi nào đều có thể xuất hiện. Ngay cả những quốc gia có nền du lịch cực kỳ phát triển như Pháp, Tây Ban Nha…

Tuy nhiên, điểm khác nhau là sự quan tâm, tầm nhìn của chính quyền tại mỗi quốc gia, mỗi địa phương và quyết tâm giải quyết vấn đề ở mỗi nơi. Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để vấn đề này, ngoài các biện pháp xử lý mạnh, chúng ra cần quan tâm đến biện pháp dài lâu.

Muốn xóa bỏ tình trạng "chặt chém", Nhà nước cần có chính sách quản lý bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải đăng ký và công khai toàn bộ dữ liệu cá nhân, địa chỉ, giá cả và nguồn gốc hàng hóa… một cách cụ thể trên trang web du lịch của tỉnh, thành phố.

Đồng thời, chính quyền nên thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sai phạm phải cương quyết phạt thật nặng, tước bỏ giấy phép kinh doanh, thậm chí đóng cửa cơ sở và đăng công khai trên các trang web du lịch.

Xét cho cùng, vấn nạn "chặt chém", chèn ép du khách bắt nguồn từ thực tế đời sống nước ta còn khó khăn, nhiều chính sách chưa bao quát được hết các thành phần xã hội, khiến nhiều người còn khó khăn nên phải làm như vậy để kiếm kế sinh nhai.

Bên cạnh đó, một số hình thức kinh doanh du lịch ở nước ta chỉ xuất hiện một cách "tự phát", người cung cấp dịch vụ thường có tâm lý "ăn xổi ở thì", muốn kiếm lợi nhuận trước mắt chứ không quan tâm đến lợi ích dài lâu.

Hệ lụy lâu dài của vấn đề này sẽ dẫn đến việc một bộ phận du khách nước ngoài và cả trong nước "một đi không trở lại" với các điểm đến du lịch thường xuyên xảy ra vấn nạn "chặt chém".

Để giải quyết tận gốc vấn nạn này, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cần có sự quan tâm đề xuất đưa ra công việc làm ăn phù hợp hơn cho họ.

Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý phải đưa ra những chương trình xã hội, nhằm tạo ra việc làm mới cho cộng đồng cư dân yếu thế. Về phía cộng đồng, cần chung tay quan tâm chia sẻ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội cải thiện cuộc sống bằng việc làm lương thiện, kiếm thu nhập chính đáng.

Về phía khách du lịch dù ở thế bị động nhưng chúng ta cũng nên học cách tự bảo vệ bản thân, để tránh việc mình trở thành nạn nhân của hành vi "chặt chém".

Khi bước vào nhà hàng, quán ăn hoặc một địa điểm ăn uống nào đó, chúng ta cần phải hỏi giá cả rõ ràng, thậm chí nên buộc đại diện chủ quán báo giá bằng giấy tờ, để làm bằng chứng, tránh tình trạng sử dụng rồi mới khiếu nại.

Làm sao trị dứt điểm nạn "chặt chém" du khách có xu hướng ngày một lan rộng ra như hiện nay ở một số điểm du lịch?

Mọi phản ánh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: [email protected][email protected]. Cảm ơn bạn!

Kinh doanh thời @, Kinh doanh thời @, 'chặt chém' là... tự sát!

TTO - Hàng trăm bạn đọc đã lên tiếng xung quanh chuyện một dĩa mì xào bò với giá 200.000 đồng tại thành phố biển Nha Trang. Theo rất nhiều bạn đọc, chủ quán không thể lấy lý do giá cả leo thang hoặc đã niêm yết giá thuận mua vừa bán để bào chữa.


TỪ ĐẠM TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên