30/04/2019 13:42 GMT+7

Chất bảo quản tự nhiên cho nông sản

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Bảo quản nông sản tươi hoàn toàn bằng chất tổng hợp từ vật liệu có sẵn trong tự nhiên, không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật, làm được không? Trăn trở với câu hỏi đó, một cô gái trẻ đã đi tìm câu trả lời trong nhiều tháng nghiên cứu.

Chất bảo quản tự nhiên cho nông sản - Ảnh 1.

Bùi Thị Khánh Linh (giữa) nhận giải nhất cuộc thi “Công nghệ chế biến sau thu hoạch” - Ảnh: Q.NG.

Cô gái ấy chính là Bùi Thị Khánh Linh, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện đang làm việc tại một công ty nhựa. Nói về nghiên cứu của mình, Khánh Linh bày tỏ:

- Thông tin từ một số bài báo khoa học tôi được tiếp cận, cộng với thực tế Việt Nam là một nước nông nghiệp, xuất khẩu nông sản ngày càng được đẩy mạnh, nhu cầu bảo quản khá lớn... đã giúp tôi hình thành ý tưởng nghiên cứu.

Cũng là những vật liệu có nguồn gốc tự nhiên như một số nơi đang dùng song nghiên cứu của tôi và nhóm, dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Hà Thúc Chí Nhân (khoa khoa học và công nghệ vật liệu), chọn hướng đi khác. 

Và chúng tôi hài lòng với kết quả tạo ra từ phòng thí nghiệm sau khi thực nghiệm trên các mẫu thử.

Tìm cách thay thế thuốc bảo quản và bao bì

* Có phải xuất thân từ vùng nông sản lớn trong nước mà bạn đã có ý tưởng nghiên cứu đề tài này?

- Nhiều phương pháp bảo quản nông sản sau khi thu hoạch như: phun thuốc bảo quản hóa học, dùng chất khử trùng, bảo quản lạnh và phổ biến nhất là dùng bao bì bảo quản. 

Việc này gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, giá trị sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. 

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, chất lượng cao, an toàn sức khỏe và thân thiện môi trường ngày càng lớn.

Quê tôi ở An Giang cũng chỉ trồng trọt đáp ứng nhu cầu gia đình là chính. 

Tôi có ý tưởng về một loại chất bảo quản nào đó vẫn đảm bảo giữ được chất lượng của sản phẩm nhưng phải không độc hại, nếu thay thế được thuốc bảo quản và bao bì thì càng tốt. Đó là lý do thôi thúc tôi bắt tay vào nghiên cứu này.

* Nếu phải hình dung một cách đơn giản nhất về hành trình 9 tháng nghiên cứu của bạn, đó sẽ là gì?

- Tôi chọn chitosan được tổng hợp từ trong vỏ tôm, cua ở nước ta vốn rất nhiều mà thường ăn hết phần thịt người ta đổ vỏ đi. 

Còn polyphenols được chiết từ lá trà xanh cũng là loại vật liệu vô cùng phổ biến ở Việt Nam. Cả hai nguyên liệu này đều sẵn có trong tự nhiên, giá lại không quá cao.

Một số tài liệu tôi đọc, người ta trộn hai chất này với nhau. Tôi và nhóm nghiên cứu không làm vậy mà biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols. 

Tạm hiểu là thay vì trộn chúng lại, mình dùng một chất xúc tác trong quá trình biến tính giữa hai chất nói trên để tạo ra một dung dịch mới và phun trực tiếp lên một số loại nông sản như: chuối, xoài, thanh long..., đồng thời theo dõi, phân tích quá trình bảo quản. 

Tạm gọi thành quả nghiên cứu của tôi chính là tạo ra loại dung dịch giúp bảo quản nông sản.

Hướng nghiên cứu rất tiềm năng cho việc ứng dụng trong đời sống sản xuất và nuôi trồng của Việt Nam vốn dĩ là nước có truyền thống và thế mạnh về nông nghiệp.

PGS.TS HÀ THÚC CHÍ NHÂN (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Sản phẩm tự nhiên, thân thiện môi trường

* "Chất mới" này giúp bảo quản nông sản đúng như tính toán của bạn?

- Mình phun trực tiếp dung dịch lên bề mặt nông sản sau khi đã được làm sạch. Chitosan giúp tạo thành lớp màng mỏng, bảo vệ nông sản tránh các tác động bên ngoài và các tác nhân gây oxy hóa, vi khuẩn. 

Dung dịch được phun với tỉ lệ, dung lượng khác nhau và quan sát quá trình bảo quản.

So sánh giữa nông sản có phun dung dịch bảo quản và không phun ở nhiệt độ phòng bình thường cho kết quả khá rõ. Cụ thể, dung dịch đã giúp tăng khả năng kháng oxy hóa, kháng khuẩn.

Thử nghiệm trên chuối xanh, khi không phun dung dịch bảo quản thì sau ba ngày chuối chín, năm ngày xuất hiện những đốm thâm do bị oxy hóa, qua bảy ngày chuối bị thối và nấm mốc phát triển sau tám ngày. 

Đến ngày thứ 10, chuối bị mất nước nhiều, quả bị teo tóp, da nhăn và bám dính vào lớp thịt ở trong.

Trong khi đó với chuối được phun dung dịch bảo quản, sau 10 ngày vẫn chưa chín hẳn, thậm chí có mẫu vẫn còn xanh với tỉ lệ chitosan - polyphenols khác nhau. 

Tức là thời gian tươi của thực phẩm dài hơn, không bị nấm mốc, đốm nâu và khối lượng hao hụt không đáng kể.

* Bạn tự tin vào khả năng ứng dụng thực tế của kết quả nghiên cứu chứ?

- Nguyên liệu vốn sẵn có trong tự nhiên nhiều và nếu đưa vào thực hiện với quy mô lớn tôi tin giá thành sẽ còn giảm nữa. 

Chưa kể chitosan và polyphenols không ảnh hưởng sức khỏe con người nên dùng bảo quản nông sản cũng không gây hại gì. 

Khi thực nghiệm với những tỉ lệ khác nhau, chúng tôi thu được kết quả bảo quản cũng khác nhau. 

Điều đó sẽ giúp giải bài toán về nhu cầu của mỗi loại nông sản cần thời gian bảo quản dài hay ngắn mà chúng ta sẽ tạo ra các loại dung dịch bảo quản với tỉ lệ tương thích.

Dĩ nhiên nếu có điều kiện, tôi còn nghiên cứu sâu hơn. Với một nước đa dạng nông sản, thực phẩm như Việt Nam và nhu cầu bảo quản bằng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường đang rất được chú ý hiện nay, tôi tin khả năng ứng dụng của nghiên cứu này là không nhỏ.

Góp phần gia tăng chất lượng nông sản

Đề tài "Nghiên cứu biến tính chitosan với dịch chiết polyphenols từ lá trà xanh ứng dụng trong việc bảo quản nông sản" của Bùi Thị Khánh Linh đoạt giải nhất cuộc thi "Công nghệ chế biến sau thu hoạch" do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM) cùng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tổ chức mới đây. Cuộc thi thu hút 64 đề tài của nhiều đơn vị trong nước tham dự.

PGS.TS Hà Thúc Chí Nhân cho biết Khánh Linh rất chủ động đưa ra ý tưởng, phương pháp nghiên cứu và chịu khó tìm đọc tài liệu trong quá trình làm việc.

Nghiên cứu hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hay gây ức chế, can thiệp vào chu trình phát triển sinh học tự nhiên của nông sản, giúp tạo ra nguồn thực phẩm tươi sạch cho người tiêu dùng.

Nông sản Đà Lạt dự tính lên sàn Amazon

TTO - Bộ Công thương cho rằng nông sản Đà Lạt gồm rau và hoa phải được tổ chức để có thể tiếp cận thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử. Sàn Amazon là một ví dụ.

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên