07/01/2016 08:02 GMT+7

Charlie Hebdo vẫn ương ngạnh

B.MINH - N.QUâN
B.MINH - N.QUâN

TT - Thông báo cho biết Charlie Hebdo sẽ xuất bản đến 1 triệu bản và mong người đọc sẽ tiếp tục ủng hộ như từng ủng hộ số ra ngày 14-1-2015.

Các ấn phẩm Charlie Hebdo được đóng gói trước khi ra thị trường ngày 6-1 - Ảnh: Reuters
Các ấn phẩm Charlie Hebdo được đóng gói trước khi ra thị trường ngày 6-1 - Ảnh: Reuters

Tuần báo biếm họa của Pháp bắt đầu ra số kỷ niệm từ ngày 6-1. Thông báo cho biết họ sẽ xuất bản đến 1 triệu bản và mong người đọc sẽ tiếp tục ủng hộ như từng ủng hộ số ra ngày 14-1-2015.

“Số báo của những người sống sót” năm trước đã phát hành được đến 8 triệu bản tại Pháp và nhiều nước khác.

“Bạn không thể khiêu khích, xúc phạm niềm tin của người khác, càng không được nhạo báng nó

Giáo hoàng Francis

Có lẽ lần đó là do dư âm quá mạnh của vụ xả súng kinh hoàng ngay tại tòa soạn khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có cả tổng biên tập của tờ tạp chí có tính ngang ngạnh, ưa gây hấn này.

Số lượng phát hành lần này cùng lời kêu gọi của ban biên tập cho thấy họ không còn được dư luận chú ý nhiều nữa. Chưa kể lần này trang bìa ấn phẩm đặc biệt đã gây phẫn nộ từ nhiều lãnh đạo tôn giáo lẫn lãnh đạo chính trị.

Theo AFP, ấn bản đặc biệt gộp hai số dày 32 trang của tạp chí biếm Charlie Hebdo lần này in các tác phẩm biếm họa tuyển chọn của những nhà báo đã bị sát hại trong vụ tấn công một năm trước và các thành viên hiện nay.

Trang bìa đăng hình vẽ người đàn ông có râu được cho là Thượng đế đang đeo khẩu AK-47 trên lưng, mặc chiếc áo trắng vấy máu kèm đoạn chú thích: “Một năm sau: kẻ giết người vẫn đang nhởn nhơ”.

Bìa báo phản ánh sự việc mà một số thành viên của tòa báo cho rằng họ đang bị bỏ rơi: việc điều tra không được tiến hành đến nơi đến chốn, nhiều nghi can được cho là liên quan đến vụ tấn công khủng bố vẫn đang ngoài vòng pháp luật.

Nhưng ngay trước khi báo phát hành chính thức, tòa soạn đã tung ra ảnh bìa thăm dò và nó đã “gây bão” dư luận từ những người có trách nhiệm.

Nhật báo chính thức của Tòa thánh Vatican, tờ Osservatore Romano số ra ngày 5-1 nhận định cách nhìn đối với tôn giáo của Charlie Hebdo “không mới lạ gì: phía sau lá cờ phỉnh phờ về chủ nghĩa thế tục không khoan nhượng, tuần báo này quên rằng lãnh đạo của mọi tôn giáo đích thực luôn phản đối bạo lực nhân danh tôn giáo”.

Tờ này cũng dẫn lời Giáo hoàng Francis cho rằng việc dùng Thượng đế để thỏa mãn lòng thù hận là hành động báng bổ: “Ở góc nhìn của Charlie Hebdo, có một nghịch lý đáng buồn là thế giới ngày càng nhạy cảm quá mức với các quan điểm chính trị đúng đắn, cũng như không muốn nhận thức hoặc tôn trọng niềm tin vào Thượng đế và tôn giáo”.

Tờ báo của Vatican cũng dẫn lời giáo sĩ Anouar Kbibech, chủ tịch Hội đồng Hồi giáo của Pháp, cho biết bức biếm họa của Charlie Hebdo “làm tổn thương mọi tín đồ của các tôn giáo khác nhau và điều đó không giúp hàn gắn xã hội Pháp trong hoàn cảnh hiện nay”.

Trên Đài truyền hình BFMTV, ông Abdallah Zekri, thuộc Tổ chức Quan sát quốc gia chống nạn thù ghét Hồi giáo của Pháp, bình luận: “Kiểu đăng bìa như thế rất bạo lực và rất báng bổ đối với các tôn giáo”.

Chính trị gia Pháp Alain Juppé cũng lên tiếng phản bác.

Trên Đài Europe 1, cựu ngoại trưởng Pháp nay là thị trưởng Bordeaux nhấn mạnh: “Tôi cảm thấy mình là Charlie khi chúng sát hại các nhà báo. Tình đoàn kết của tôi là sâu sắc và chân thành. Nhưng khi xem tờ Charlie Hebdo thì tôi không còn là Charlie nữa”.

Năm trước, một tuần sau vụ tấn công, Giáo hoàng Francis trên đường từ Philippines trở về đã lên án việc giết người nhân danh Thượng đế, nhưng cũng cho rằng không nên báng bổ tôn giáo.

“Nhân danh Thượng đế để giết người là điều ngớ ngẩn” - ngài phát biểu. Tuy vẫn bảo vệ tự do ngôn luận nhưng Giáo hoàng vẫn lên tiếng cảnh báo rằng “mỗi tôn giáo đều có phẩm giá riêng” và “có những giới hạn”.

Tạp chí Charlie Hebdo trở nên nổi tiếng hồi tháng 2-2006 khi đăng hình biếm họa mang tính phỉ báng đấng tiên tri Mohammed. Tháng 11-2011, văn phòng Charlie Hebdo bị ném bom xăng sau khi tạp chí này tiếp tục đăng hình biếm họa nhà tiên tri Mohammed.

Tháng 9-2012, tạp chí này đăng hình Mohammed cởi trần. Tổng biên tập Stephane Charbonnier khi đó đã bị dọa giết và được cảnh sát bảo vệ.

B.MINH - N.QUâN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên