Charles III: Ông vua phải chờ suốt 70 năm

NGUYỄN VIỆT LONG 17/09/2022 05:57 GMT+7

TTCT - Ngay khi vừa lên ngôi ngày 8-9, vị vua mới của Vương quốc Anh Charles III đã lập kỷ lục kép: cao tuổi nhất khi lên ngôi (73 tuổi 298 ngày) và chờ lên ngôi lâu nhất (70 năm 214 ngày), vì mẹ ông, Nữ hoàng Elizabeth II, là người trị vì lâu nhất và sống thọ nhất trong các quân vương nước Anh.


Charles III: Ông vua phải chờ suốt 70 năm - Ảnh 1.

Charles I, II và III. Ảnh: Wikimedia

Khi Charles ra đời ngày 14-11-1948, mẹ ông chưa lên ngôi nữ hoàng và ông suýt không có tên trong hàng thừa kế, không được hưởng danh vị Prince (vương tử) kèm kính ngữ His Royal Highness (Điện hạ vương gia, viết tắt là HRH), nếu ông ngoại ông ngay trước đó không kịp thời sửa đổi quy định. 

Số là cho đến lúc đó, danh vị HRH Prince chỉ ban cho dòng bên nội, dù Charles là con của công chúa Elizabeth và cháu ngoại vua George VI. Thế là George VI liền ban chứng dụ đặc quyền (letter patent) cho con cái Elizabeth cũng được hưởng danh vị HRH Prince/Princess ngay trước khi Charles ra đời. Charles là con cả trong bốn anh em.

Charles III: Ông vua phải chờ suốt 70 năm - Ảnh 2.

Vua Charles hồi nhỏ

Ông vua đầu tiên học với bình dân

Charles III là vị vua đầu tiên đi học với bình dân, ngành khảo cổ, nhân học và lịch sử, rồi tốt nghiệp cử nhân và thạc sĩ nhân văn ở Trinity College, Đại học Cambridge. Như thông lệ với nhiều thành viên hoàng gia, ông nhập ngũ, khoác áo không quân và hải quân, học lái cả máy bay phản lực lẫn trực thăng.

Thuở nhỏ quan hệ của ông với cha mẹ không được suôn sẻ, sau này mới cải thiện. Khi đã lớn, Charles than phiền về tuổi thơ không hạnh phúc vì bà mẹ quá xa cách, còn ông bố thì quyền uy và nghiêm khắc. 

Cha ông - Thân vương Philip - vào năm 1962 đã tống ông vào Trường nội trú Gordonstoun ở tận xó xỉnh bờ biển Scotland lạnh lẽo, để rèn luyện cậu con trai cho ra mặt con dòng cháu giống, bất chấp tính tình có phần nhạy cảm của Charles.

Ông được mẹ phong tước Thân vương xứ Wales, tước hiệu chỉ dành cho người sẽ kế vị ngai vàng, vào ngày 26-7-1958, khi gần 10 tuổi nhưng Nữ hoàng có lẽ thấy con trai bà sẽ còn phải chờ ngày đăng cơ rất lâu, nên mãi đến năm 1969, khi Charles đã hơn 20 tuổi, lễ tấn phong chính thức tước Thân vương xứ Wales mới được tổ chức tại lâu đài Caernarfon, xứ Wales.

Charles III: Ông vua phải chờ suốt 70 năm - Ảnh 3.

Lễ tấn phong Thân vương xứ Wales cho Charles (năm 1969)

"Đám cưới cổ tích" của Charles với Công nương Diana kém ông 13 tuổi năm 1981 được khoảng 750 triệu người theo dõi qua truyền hình trên khắp thế giới. Nhưng chỉ năm năm sau, cuộc hôn nhân đổ vỡ, họ ly thân năm 1992 rồi ly hôn năm 1996, làm tốn không biết bao nhiêu bút mực của báo chí thời bấy giờ. 

Từ năm 1986, Charles đã nối lại tình thương với "tri kỷ" cũ của ông Camilla Parker Bowles. Bà Diana thì qua đời trong một tai nạn ô tô năm 1997, điều càng làm uy tín của Charles giảm sút trong mắt công chúng.

Chỉ mới đầu năm ngoái, hai vợ chồng Vương từ Harry and Meghan, những người đã quyết định từ bỏ quyền lợi và nghĩa vụ Hoàng gia, đã thổ lộ với truyền thông về những lời nói có tính chất phân biệt chủng tộc của một cá nhân trong Hoàng gia qua việc băn khoăn về màu da của Archie, con trai sinh năm 2019 của họ, khi ra đời có đen quá không. Họ không tiết lộ danh tính người nói nhưng khẳng định đó không phải là Nữ hoàng và Thân vương Philip, chồng bà. Như vậy nhiều người đều đoán được ai là nhân vật chính nằm trong vòng nghi vấn.

Tham chính và bà vợ hai

Charles cũng chịu khó viết thư riêng cho thủ tướng, bộ trưởng và hàng trăm quan chức khác. Thư viết tay của ông được đánh máy rồi đưa ông duyệt, ghi chú thêm, đến nỗi ông bị gọi là "vương gia thích can thiệp". 

Đã có những lo ngại rồi kiện cáo do báo The Guardian khởi xướng về nguy cơ xâm phạm thể chế đại nghị nếu Charles can thiệp vào hoạt động của Chính phủ Anh. Sau những kiện tụng kéo dài cả thập niên, cuối cùng tòa án phán quyết công khai hóa thư từ gửi quan chức của ông.

Charles quan tâm đến tự nhiên, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ngay từ cuối thập niên 1960, rất lâu trước khi những chủ đề này trở nên thời thượng. 

Ông tuyên truyền trồng cây và điều hành một vườn thực phẩm hữu cơ từ năm 1990 mang thương hiệu Duchy Originals - sản phẩm có bán tại các cửa hàng. Ông say mê kiến trúc và nghệ thuật Trung Đông, không cổ xúy kiến trúc hiện đại và công năng.

Sau khi được Nữ hoàng miễn cưỡng chấp nhận, Charles và Camilla tổ chức lễ cưới dân sự vào năm 2005 (Giáo hội Anh không ủng hộ kết hôn lần thứ hai trở đi khi người phối ngẫu cũ còn sống, nên lễ cưới không tổ chức tại nhà thờ, vợ chồng Nữ hoàng cũng không dự). 

Camilla lẽ ra cũng là Nữ Thân vương xứ Wales như Diana, nhưng bà khéo léo chỉ dùng tước hiệu Nữ Công tước xứ Cornwall (thấp hơn của chồng) để tránh cảm giác bà chiếm chỗ của Diana, vốn đã thành huyền thoại trong lòng dân Anh.

Ban đầu hoàng gia còn tuyên bố khi Charles lên ngôi, bà Camilla sẽ chỉ được phong Vương phi (Princess Consort), chứ không phải Vương hậu (Queen hoặc Queen Consort). Nhưng đầu năm nay, trong thông điệp cho lễ bạch kim (70 năm) kỷ niệm ngày lên ngôi, Nữ hoàng bày tỏ "mong ước chân thành" rằng Camilla sẽ là Vương hậu (Queen Consort). 

Charles III: Ông vua phải chờ suốt 70 năm - Ảnh 4.

Ảnh chụp tại Lễ Bạch kim (70 năm) kỷ niệm ngày Nữ hoàng lên ngôi

Rốt cuộc, Điện Buckingham ngày 8-9-2022 thông báo: "Nữ hoàng đã bình an tạ thế tại Balmoral chiều nay. Nhà vua và Vương hậu sẽ ở lại Balmoral tối nay và trở lại London vào ngày mai".

Một thời đại, như báo chí Anh đã gọi, "thời đại Elizabeth mới" (gọi là "mới" để phân biệt với thời đại Elizabeth I), đã kết thúc để mở ra một thời đại khác, bắt đầu bằng việc thay đổi lại lời quốc ca: "Chúa phù hộ nhà Vua" (God Save the King) thay cho "Chúa phù hộ Nữ hoàng".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận