06/10/2012 04:12 GMT+7

Chập chững vào đời đã nghe nói dối

HUY QUANG
HUY QUANG

TT - Trong tuần qua, hàng trăm bạn đọc gửi thư tham gia diễn đàn “Nói không với giả dối”. Mỗi bức thư là một tâm tình, một khía cạnh cuộc đời được phản ánh.

1SNXdSYN.jpgPhóng to

Tại khuôn khổ bài viết này, Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến của bạn đọc liên quan tới câu hỏi: Vì sao bệnh nói dối ngày càng nghiêm trọng?

Đừng để nói dối thành dịch bệnh

* Ở nước ta, giả dối đúng là một thứ “bệnh di căn” khó chữa. Ngay từ khi chưa kịp lớn, hàng triệu trẻ em đã bị “nhiễm” bệnh này rồi.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển giáo dục VN năm 2010, tỉ lệ học sinh nói dối và có hành vi dối trá ở nước ta ngày càng tăng. Đây là thực trạng rất đáng báo động, ảnh hưởng rất xấu đến nền tảng đạo đức, đời sống tinh thần và sự phát triển của xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng năm điều, trong đó có “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Các trường học đều phát động phong trào “Làm theo năm điều Bác Hồ dạy” và thường xuyên nhắc học sinh thực hiện. Vậy vì sao tỉ lệ học sinh mắc bệnh dối trá tăng và càng lớn tuổi lại càng dối trá nhiều hơn?

Có thể khẳng định trẻ em nói dối thì lỗi chính là tại người lớn. Ai cũng biết trẻ thơ giống như tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì nên thế. Nhưng thực tế cho thấy nhiều thầy giáo, cô giáo cứ vô tư nói dối trước học sinh... Đặc biệt, vì bệnh thành tích mà không ít lớp học, nhà trường báo cáo láo, thậm chí bắt học sinh nói dối, tạo điều kiện cho học sinh quay cóp trong các kỳ thi.

Những “virút” dối trá hằng ngày xâm nhập tâm hồn trong trắng của trẻ. Càng lớn, các em càng được chứng kiến nhiều những lời nói, việc làm thiếu trung thực của người lớn. Vậy là bệnh dối trá của các em ngày càng nặng, càng nghiêm trọng. Ngay từ bé đã bị nhiễm bệnh này thì đến lúc trưởng thành việc dối trá đã trở thành “kỹ năng, kỹ xảo”, trở thành “bạo bệnh” rồi.

Trong những năm qua, ngành giáo dục đã có phong trào “Nói không với bệnh thành tích, chống tiêu cực trong thi cử” và chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhưng thực chất “bệnh dối trá” và “bệnh thành tích” trong xã hội và trong chính ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều. Cho nên hiệu quả của những phong trào này rất hạn chế. Nếu người lớn (trước hết là mỗi bậc phụ huynh, thầy cô giáo, lớn hơn là nhà trường, ngành giáo dục...) không quan tâm giải quyết bệnh nói dối thì một ngày nào đó, dối trá sẽ trở thành... dịch bệnh.

Cần một diễn đàn chống nói dối

Tôi đã từng nói dối, không hẳn là nhiều, đó là lúc nhỏ khi nỗi sợ hãi lớn hơn lòng dũng cảm. Nhưng bây giờ tôi đã đi làm, tham gia giảng dạy, đã lập gia đình và có con. Trong mỗi bài giảng, công việc và những bài học dạy con hằng ngày, tôi cố xây dựng chữ tín cho con mình.

Không phải sự trung thực của tôi luôn nhận được sự ủng hộ, có học viên không trung thực, trách móc tôi quá khắt khe, cứng rắn. Trong đó có khi đồng nghiệp của tôi lại cho phép học viên đạo văn hoặc im lặng trước sự đạo văn ấy. Tôi vẫn thường suy nghĩ làm thế nào chấm dứt sự giả dối ấy và để sự trung thực luôn ngự trị trong môi trường giáo dục. Nhưng thật khó. Căn bệnh giả dối cứ lan đi, người này truyền sang người kia, thế hệ này lan sang thế hệ kia, không ai quan tâm đến hệ lụy của nó, có người còn cười khẩy khi nói đến hai chữ trung thực...

Dù vậy tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Tôi cần sự giúp đỡ để củng cố niềm tin. Tôi cần diễn đàn chống nói dối như Tuổi Trẻ đang làm để yên tâm hơn với con đường mà tôi lựa chọn.

* Giả dối không còn là một căn bệnh, nó đang trở thành một vấn nạn của xã hội. Nó ngày càng ăn sâu và di căn vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta đã được học “luôn trung thực, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, nhưng những gì chúng ta thấy hiện nay thì không hoàn toàn như thế.

Để chạy theo thành tích, cả một kỳ thi mang tầm cỡ quốc gia cũng bị biến thành trò hề khi mà một bộ phận những người được gọi là thầy, cô lại chính là những người đánh mất đi những gì cao quý mà mình từng truyền đạt cho bao thế hệ học trò. Rồi những hiện tượng thầy, cô sử dụng bằng cấp giả để được thăng tiến trong sự nghiệp, làm ngơ cho học trò quay cóp trong các kỳ thi, nâng điểm, sửa điểm...

Nói vậy không phải tất cả các thầy cô đều như vậy, vẫn có những tấm gương thầy cô giáo tận tình, hết lòng chỉ bảo học trò những điều hay lẽ phải. Nhưng nói vậy để thấy sự giả dối xuất hiện từ lúc con em chúng ta mới chập chững vào đời. Để căn bệnh giả dối không còn tồn tại, chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị tận gốc. Làm được việc này phải có những người có tâm, có tầm, không chạy theo những thành tích trên giấy.

Khi cha mẹ tiếp tay cho dối trá...

* Khi suy nghĩ để tìm căn nguyên của thói dối trá trong giới trẻ hiện nay, tôi chợt nhớ đến bức thư của một phạm nhân kể về câu chuyện chia táo của bà mẹ mình. Bức thư viết: “Hồi tôi còn nhỏ, một hôm mẹ tôi mang một khay đựng những quả táo xanh chín khác nhau chia cho hai anh em chúng tôi. Tôi nhanh chóng nhìn thấy quả táo ngon nhất, định sẽ chọn ăn quả đó, cùng lúc em trai tôi cũng đòi ăn quả táo đó. Mẹ tôi nghe vậy trừng mắt nhìn em tôi nói: “Con ngoan phải biết nhường phần ngon cho người khác, không nên chỉ nghĩ đến mình”. Thấy mẹ nói vậy, tôi chuyển ý, nói dối: “Mẹ ơi con là anh, mẹ cứ chia quả táo ngon cho em, con ăn quả xanh cũng được”. Mẹ tôi nghe vậy rất vui, khen tôi là đứa con ngoan, người anh tốt, rồi đem quả táo ngon nhất thưởng cho tôi. Sau câu chuyện đó tôi học được cách nói dối, vì tôi thấy nói dối có lợi. Về sau tôi biết đánh nhau, ăn cắp cướp giật. Cho đến khi tôi bị bắt, bị tống vào nhà lao”.

Gia đình là cái nôi đầu tiên để trẻ tiếp nhận những chuẩn mực giá trị đạo đức, cha mẹ cũng là người thầy đầu tiên điều chỉnh, uốn nắn, giáo dục trẻ. Khi cha mẹ suy nghĩ không thấu đáo về cách giáo dục con, nêu gương xấu về thiếu trung thực thì trẻ sẽ bị “lây nhiễm” là điều không thể tránh khỏi.

* Tôi có đứa con gái nhỏ. Nó có tật hay xin mọi người cái này cái kia. Tôi rầy la và cấm. Một hôm tôi mang thang sắt về nhà. Nó hỏi ở đâu bố có vậy, tôi nói của chú cho. Nó vừa nói vừa chế giễu: “Dạy con đừng xin của ai, mà bố lại đi xin”. Tôi giật mình nên phải tìm cách giải thích cho nó hiểu. Lại một hôm dọn nhà, cái bằng “Gia đình văn hóa” bị rơi ra. Tôi bảo con nhặt lên. Con nói: “Vợ chồng cãi nhau hoài mà gia đình văn hóa gì”. Vợ tôi phải giải thích “Vì đang làm nhà nên bố mẹ tranh luận nhau thôi”. Con lại hỏi: “Tranh luận gì mà to tiếng?”. Vợ tôi đáp: “Tại giọng mẹ hơi lớn”. Đến lúc này thì tôi nhắc vợ không được nói dối, con trẻ sẽ dễ học theo.

HUY QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên