26/03/2016 14:59 GMT+7

“Chào sông Hồng” từ cột cờ Lũng Pô

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TTO - Kinh phí xây công trình không nhỏ nhưng tất cả đều xã hội hóa từ sự vận động của Đoàn thanh niên tỉnh Lào Cai.

Phối cảnh dự án cột cờ Lũng Pô - Ảnh: T.Đ.
Phối cảnh dự án cột cờ Lũng Pô - Ảnh: T.Đ.

Trải ra bàn tập đồ án thiết kế cột cờ Lũng Pô (thuộc xã A Mú Sung, huyện Bát Xát), anh Giàng Quốc Hưng - bí thư Tỉnh đoàn Lào Cai - nói với chúng tôi: “Tuổi trẻ Lào Cai khởi công công trình này đúng vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn 26-3”.

“Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”

Lũng Pô là tên một dòng suối của huyện Bát Xát, đường phân thủy của suối Lũng Pô là biên giới hai nước Việt - Trung. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên sông Hồng.

Từ đây, sông chảy miệt mài qua miền Việt Bắc, qua trung du rừng cọ đồi chè rồi mang phù sa bồi đắp nên châu thổ sông Hồng phì nhiêu màu mỡ.

Không là điểm cực bắc như Lũng Cú (Hà Giang), không là điểm cực tây như A Pa Chải (Điện Biên), không là Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) - nơi đặt nét bút để vẽ nên hình chữ S của tấm bản đồ nước Việt; Lũng Pô, không chỉ là điểm đánh dấu nơi dòng sông mẹ (sông Cái - sông Hồng) chảy vào nước Việt mà còn gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên viễn mà nếu không lên tới đây sẽ khó hình dung được.

“Dự án này tên đầy đủ là “Công trình thanh niên cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Vì là công trình thanh niên nên huy động sức trẻ là chính. Tổng chiều cao cột cờ là 41m, trong đó phần thân 31,43m là con số rất đặc biệt liên quan đến Lào Cai: 3.143m là chiều cao của đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương. Lá cờ Tổ quốc của cột cờ Lũng Pô cũng có diện tích 25m2 là con số 25 dân tộc anh em sinh sống trên tỉnh Lào Cai. Cờ ở Lũng Cú có diện tích 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc” - anh Hưng nói.

12 tỉ đồng cho công trình là một con số không nhỏ với tập thể đoàn viên thanh niên của Lào Cai. Tuy vậy, nhận thức được ý nghĩa của công trình nên đề án này được sự ủng hộ của nhiều tổ chức đơn vị, đặc biệt là công đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank là nhà tài trợ chính.

Chắn cột cờ Lũng Pô không chỉ là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, chúng tôi hi vọng đây sẽ là điểm đến của nhiều người, vừa giáo dục truyền thống và lòng yêu nước, đặc biệt là thế hệ trẻ” - anh Hưng nói thêm.

Tâm nguyện của những người trẻ ở Lào Cai và công trình cột cờ Lũng Pô hôm nay gợi lên nhiều cảm khái về chủ quyền Tổ quốc, bởi “Tổ quốc là nơi khi nghĩ về nó phải nghĩ về những nơi thấm máu!” như nhà báo Hà Phạm đã viết.

Màu quốc kỳ soi bóng xuống dòng sông

Dọc con đường từ Lào Cai vào Bát Xát rồi ngược hữu ngạn sông Hồng lên với Lũng Pô, chúng tôi đã gặp rất nhiều nơi “thấm máu”. Và như thế, mai đây trong hành trình về với Lũng Pô, bàn chân của những người trẻ sẽ dừng lại và suy ngẫm. Trong những điểm dừng ấy, chắc chắn có nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ ở đồn biên phòng A Mú Sung.

Máu của những người lính đồn biên phòng A Mú Sung đã thấm xuống đất đai biên ải này vào sáng 17-2-1979. Cả 25 cán bộ chiến sĩ đồn A Mú Sung đều hi sinh cùng nhau vào buổi sáng mùa xuân năm 1979 để gìn giữ đường biên, gìn giữ suối Lũng Pô và sông Hồng - sông mẹ. Trên tấm bia ở đồn biên phòng A Mú Sung còn có bốn liệt sĩ khác cũng hi sinh vào đúng ngày 17-2, sau đó đúng năm năm, ngày 17-2-1984.

Và chưa dừng lại ở đó, năm năm trước vào đêm 16, rạng ngày 17-2-2011, một người lính nữa của A Mú Sung, đại úy Trần Văn Duẩn, cũng ngã xuống hi sinh ngay trên sông Hồng, ngay Lũng Pô. Chúng tôi gặp một tấm bia kỳ lạ như thế ở A Mú Sung, dù năm hi sinh có khác nhau nhưng ngày hi sinh đều trùng vào ngày 17-2.

Chúng tôi leo lên mái đồi sau bản Lũng Pô, từ nơi này có thể nhìn thấy rõ ràng dòng suối Lũng Pô với màu nước biếc xanh đổ ra sông Hồng ngầu đỏ, ngã ba ấy chính là đường phân thủy biên giới. Và bản Lũng Pô cũng hiện ra trong màu nắng xuân trong veo. Ở những bản biên giới địa đầu này, chủ quyền Tổ quốc cụ thể trong từng gốc cây ngọn cỏ, từng đời dân sương nắng.

Ngay những người lính biên phòng của đồn A Mú Sung cũng nhiều người chọn đất biên cương này làm nơi lập nghiệp. Có bóng áo lính biên phòng, người dân an tâm bám suối bám nương. Và chắc chắn sẽ an tâm hơn khi ngày ngày nhìn lên bóng cờ Tổ quốc trên cột cờ của mảnh địa đầu biên ải. Màu đỏ quốc kỳ soi bóng xuống sắc đỏ đầu nguồn sông Hồng, trong sắc cờ màu nước có màu của máu những đời dân, đời lính.

Trong câu chuyện của người lính biên phòng hi sinh ở Lũng Pô - đầu nguồn sông Hồng và nấm mộ ngay cuối dòng, nơi dòng sông gặp biển, dường như chất chứa những ẩn dụ mà chúng tôi rất khó nắm bắt.

Bởi thế, trong câu chuyện tuổi trẻ Lào Cai dựng công trình thanh niên “Cột cờ ở Lũng Pô” vào dịp này dường như còn mang vác những sứ mệnh khác, không chỉ là lá cờ khẳng định chủ quyền phấp phới bay giữa bầu trời biên ải, đó còn là sự tôn vinh dành cho những người đã để máu mình thấm xuống Lũng Pô, thấm xuống A Mú Sung, thấm xuống sông Hồng phía thượng nguồn.

LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên