Phóng to |
Cháo hành giải cảm - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Hành là gia vị thường xuất hiện trong bữa ăn của người Việt Nam, còn gọi là hành hoa, tên khoa học là Allium fistulosum thuộc họ hành (Alliaceae). Theo các nhà khoa học, trong hành lá chứa nhiều protein, chất béo, chất xơ, canxi, phospho, kali, sắt, tiền vitamin A, B1, B2, allyl sulfid, palmitic acid, stearic acid, arachidic acid, oleic acid, linoleic acid, giàu chất chống oxy hóa. Đặc biệt, trong tinh dầu hành có chất axilin là một kháng sinh rất mạnh (cũng được tìm thấy trong tinh dầu tỏi).
Theo một nghiên cứu mới đây được đăng trên trang web của Thư viện y khoa Hoa Kỳ (PubMed), các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện chất fructan (một polymer của fructose) được tìm thấy trong dịch chiết nước nóng của lá hành có khả năng ức chế sự sao chép của virút cúm A trên chuột. Hơn nữa, các polysaccharide trong hành lá còn giúp tăng cường sản xuất các kháng thể trung hòa chống lại virút cúm A. Vì vậy đây là gợi ý tuyệt vời cho việc phòng ngừa và hồi phục sức khỏe trong mùa cúm.
Theo quan điểm đông y, cảm lạnh là do phong hàn tà xâm nhập qua da lông, mũi họng mà gây bệnh. Phép điều trị nên sử dụng những vị thuốc có tính cay ấm làm khai mở mao khiếu (tức lỗ chân lông) giúp cơ thể đẩy tà khí ra ngoài được thì bệnh khỏi. Hành lá, đông y gọi là thông bạch, có vị cay, tính ôn, có tác dụng giải biểu (mở lỗ chân lông), hòa trung (điều hòa hoạt động vùng bụng, giúp ăn uống dễ tiêu hơn), thông dương khí (tức năng lượng hoạt động của cơ thể, làm mất cảm giác mệt mỏi), là vị thuốc rất thường dùng trong trị cảm lạnh.
Đông y cho rằng việc đuổi tà khí qua đường mồ hôi cũng sẽ làm tổn hao khí (tức dạng năng lượng để hoạt động) của cơ thể, do đó người bệnh cần ăn uống để lấy lại năng lượng. Thức ăn không nên quá giàu chất dinh dưỡng, khó tiêu vì cơ thể đang yếu, không hấp thu hết, thức ăn bị tích lại gây cảm giác ậm ạch, khó chịu. Cháo là dạng thức ăn phù hợp nhất cho giai đoạn này vì gạo tẻ (ngạnh mễ) là thực phẩm dễ tiêu hóa, lại chứa nhiều chất đạm, chất bột, giàu vitamin (vitamin B1, B2, B3, B6, tiền vitamin K...), acid pantoneic giúp tăng cường chức năng vỏ não, và inoziton giúp cho nhu động của dạ dày, ruột.
Cháo hành nên được ăn khi còn nóng để mượn sức ấm của cháo, tăng tác dụng giải biểu của hành. Nên ăn từng muỗng nhỏ, nhai thật kỹ để giúp dạ dày nhận và tiêu hóa thức ăn từ từ. Ăn xong người bệnh nên nghỉ ngơi nơi kín gió, ấm áp, tránh nhiễm lạnh trở lại, giữ cơ thể hơi rướm chút mồ hôi, lấy khăn ấm lau đi là được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận