22/12/2022 10:33 GMT+7

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Từ nay đến 2023 sẽ đưa ra xét xử các vụ án rất lớn

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong năm 2022, các tòa án đã tham gia giải quyết nhiều vụ án tham nhũng và có các bản án đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng nhân đạo, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Từ nay đến 2023 sẽ đưa ra xét xử các vụ án rất lớn - Ảnh 1.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình - Ảnh: GIA HÂN

Hơn 5.000 vụ xét xử trực tuyến

Sáng 22-12, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2023, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết về tổng thể, tất cả các chỉ tiêu của ngành tòa án trong năm 2022 đều đạt.

Trong đó, đã hoàn thành tất cả đề án quan trọng được trung ương giao như đề án cải cách tư pháp, xây dựng tòa án điện tử, xây dựng tư pháp người chưa thành niên...

"Những đề án này chúng ta đã làm tốt, được cấp có thẩm quyền thông qua, đánh giá với chất lượng cao. Riêng đề án cải cách tư pháp, nhiều nội dung đổi mới của tòa án đã được trung ương đưa vào nghị quyết", ông Bình nêu rõ.

Điểm sáng thứ hai, theo ông Bình, là xét xử các vụ án tham nhũng. Theo đó, tham gia vào tiến trình giải quyết các vụ án do Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, hệ thống tòa án đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình...

Các bản án đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng nhân đạo, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản. Điều này có sự đóng góp của tất cả các cơ quan trong khối nội chính, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo trung ương do Tổng bí thư đứng đầu.

"Từ nay đến năm 2023, chúng ta sẽ lần lượt chứng kiến đưa ra xét xử những vụ án rất lớn", ông Bình thông tin.

Điểm sáng thứ ba, theo ông Bình, là về xây dựng pháp luật. Trong đó, năm đầu nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được ba pháp lệnh đều do Tòa án nhân dân tối cao xây dựng.

Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh ngành tòa án có đóng góp rất lớn trong việc hoàn thiện thể chế của Nhà nước, Quốc hội. Ngoài ra, hội đồng thẩm phán cũng ban hành nhiều nghị quyết, phát triển án lệ.

"Rất mừng là việc vận dụng án lệ trong xét xử đã thành xu thế, thành thói quen của các thẩm phán. Tổng kết chúng ta đã có hơn 1.000 vụ án viện dẫn án lệ", ông Bình nói.

Điểm sáng thứ tư, ông Bình nói là việc thực hiện các nghị quyết lớn của Quốc hội, trong đó có hai nghị quyết quan trọng gồm nghị quyết về hòa giải và nghị quyết về xét xử trực tuyến.

Ông chỉ rõ mặc dù chưa được đầu tư nhưng bằng nỗ lực của tòa án các địa phương, thậm chí có địa phương còn lấy tivi ở nhà lên phục vụ xét xử trực tuyến.

“Chúng ta rất nỗ lực, rất đáng biểu dương”, ông Bình nhấn mạnh và nói thời điểm báo cáo Quốc hội có hơn 3.000 vụ nhưng hiện nay là hơn 5.000 vụ xét xử trực tuyến, hiệu ứng xã hội rất tốt.

Xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh, liêm chính 

Ông Bình cũng nhắc về hai 'điểm yếu' về chuyên môn của ngành tòa án hiện nay. Cụ thể, điểm yếu thứ nhất về xét xử án hành chính, nhiều địa phương không đạt. Cạnh đó, chất lượng cũng không cao, tỉ lệ hủy, sửa nhiều.

Điểm yếu thứ hai về giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm. Ông nói đơn phát sinh nhiều quá, cuối cùng kéo hết lên cấp tối cao và điều này có những bất hợp lý về quy định của luật, trong tương lai cần có sự điều chỉnh.

Năm 2023, ông Bình nêu rõ sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó phải đảm bảo các chỉ tiêu Quốc hội giao và khắc phục các điểm yếu, thiếu, đặc biệt về án hành chính.

Ông Bình lưu ý tòa án cấp tỉnh phấn đấu phải giới thiệu, được chấp nhận tối thiểu một án lệ. Theo ông, án lệ rất quan trọng, giúp cho các thẩm phán, đồng thời giúp trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo cũng thông minh lên.

Cùng với đó, ông Bình yêu cầu tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng ngành, chỉnh đốn lực lượng.

Ông nêu thời gian vừa qua có những vụ án, chỗ nọ, chỗ kia vi phạm, kỷ luật, thậm chí có vi phạm pháp luật hình sự, bị bắt truy tố và từng đơn vị phải rút ra bài học để phòng ngừa, không xảy ra. "Xây dựng tòa án trong sạch, vững mạnh, liêm chính là nhiệm vụ rất lớn", ông Bình nói thêm.

Thu hồi trên 4.000 tỉ đồng

Năm 2022, các tòa án đã thụ lý 567.521 vụ việc, đã giải quyết được 504.681 vụ việc, đạt tỉ lệ 88,9%. Tỉ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án là 0,9%, đáp ứng nghị quyết của Quốc hội và tòa án đề ra.

Đồng thời, đã xử lý nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn gây ra các thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội quan tâm.

Đã tuyên thu hồi tài sản đối với 840 vụ, 1.995 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền trên 4.000 tỉ đồng và nhiều tài sản khác.

Bộ Chính trị: Đến hết năm 2026, các tòa án có 15.237 biên chế Bộ Chính trị: Đến hết năm 2026, các tòa án có 15.237 biên chế

TTO - Theo quyết định của Bộ Chính trị, đến hết năm 2026, tổng biên chế của các tòa án nhân dân là 15.237 người, trong đó có 15.137 cán bộ, công chức và 100 viên chức.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên