Ngày 8-6, tại phiên thảo luận tổ về dự Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Nguyễn Thanh Phong bày tỏ tán thành với đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết riêng.
Các nước đều tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết độc lập
Theo ông Phong, phải tách vụ án mới thực hiện được quy định của dự thảo luật về việc rút ngắn thời hạn giải quyết vụ án của người chưa thành niên bằng 1/2 thời hạn vụ án của người lớn.
“Nếu để cùng trong một vụ án sẽ dẫn đến thời hạn tố tụng cho người chưa thành niên đã hết nhưng thời hạn tố tụng của người lớn vẫn còn", ông Phong nói và cho rằng điều này sẽ có thể dẫn tới việc không thể giải quyết được vụ án.
Mặt khác, ông nói phải tách vụ án mới thực hiện được yêu cầu đặt ra về tiêu chuẩn của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán khi giải quyết vụ án có người chưa thành niên.
Hơn nữa, theo kinh nghiệm thế giới, các nước đều tách vụ án có người chưa thành niên để giải quyết độc lập.
Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Dương Văn Thăng (TP.HCM) cũng nhất trí với quan điểm cần rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên phạm tội.
Ông nói điều này nhằm thống nhất với nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và bảo đảm giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vụ án liên quan tới người dưới 18 tuổi...
Thẩm phán, giáo sư quốc tế đánh giá một số quy định còn tiến bộ hơn châu Âu
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay quá trình thảo luận, tòa yêu cầu vụ án nếu có trẻ em phải tách ra giải quyết độc lập, người lớn xét xử sau. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp không đồng ý.
Ông cho rằng nếu không tách vụ án, thời hạn điều tra đối với các cháu phải theo người lớn, điều này đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài.
Đó là chưa kể cán bộ điều tra, truy tố, xét xử theo yêu cầu của luật này phải là những cán bộ có hiểu biết người chưa thành niên (về tâm lý, sinh lý), phải tiến hành các hoạt động xét hỏi trong môi trường thân thiện.
Nếu gộp chung với người lớn, việc này không thực hiện được.
Chưa kể toàn bộ thông tin liên quan đến quá trình phạm tội của các cháu phải công khai trong bản án cùng với người lớn, trong khi trong đạo luật này quy định không được công khai.
“Thế giới cấm việc công khai hành vi phạm tội của các cháu vì nghĩ đến phần đời còn lại rất dài. Nếu bị công khai trên truyền thông, mạng, các cháu sẽ mặc cảm khi bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại sẽ không tốt, rất mong manh.
Vì vậy, thông tin về hành vi phạm tội của các cháu phải được bảo mật”, ông Bình nêu.
Ông nói tới tác động tâm lý với các cháu trong các vụ án. Trong luật đang cấm tiếp xúc giữa người phạm tội, nạn nhân, người làm chứng.
“Tội phạm chuyên nghiệp ra tòa nhìn thấy các cháu, chỉ cần trừng mắt là tâm lý các cháu bị ảnh hưởng, lời khai có thể không chính xác. Có khi nhận tội thay vì sợ quá”, ông Bình nhìn nhận.
Ông Bình cho hay Ủy ban Tư pháp không đồng ý nội dung này, do quan ngại các cháu phải ra tòa hai lần. Lần 1 ra tòa với tư cách bị can trong vụ án, lần 2 ra tòa với tư cách người làm chứng.
Tuy nhiên, việc này hoàn toàn có thể khắc phục được. Theo đó, lời khai của các cháu ở phiên tòa độc lập được xem như lời khai đã được thẩm định công khai, được sử dụng trước phiên tòa với người lớn. Như vậy, các cháu không cần thiết phải ra tòa lần nữa.
Chưa kể, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể lấy lời khai trước của các cháu và công bố trước tòa. Công nghệ thông tin hiện nay cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến, các cháu không phải ra tòa, không phải đối mặt với ai cả.
Ủy ban Tư pháp ủng hộ nhưng báo cáo thẩm tra nêu nhiều về ý kiến không ủng hộ việc quy định trong đạo luật này cả hình phạt và tố tụng.
Chánh án đánh giá hệ thống hình phạt hiện nay với các cháu không hợp lý, rất bất cập, quá nặng với các cháu vị thành niên phạm tội. “Các cháu phạm tội, ngay lập tức bắt tạm giam đưa vào trại, đó là câu chuyện hiện nay.
Nhưng dự thảo cho phép bắt, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp tư pháp chuyển hướng, kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, không cho ra ngoài, ông Bình cho rằng việc đánh nhau, ăn cắp vặt ở siêu thị…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam.
Ông Bình chỉ rõ hệ thống hiện hành đang có rất nhiều bất cập, cần phải được khắc phục bằng một đạo luật riêng, với nhiều quy định nhân văn. Từ đó, mong đại biểu ủng hộ.
Ông thông tin thêm đi dự nhiều hội thảo quốc tế, đưa bản dự thảo này cho các thẩm phán, giáo sư đại học, công tố viên của một số nước châu Âu, châu Úc. Họ đánh giá cao, thậm chí cho rằng có một số quy định còn tiến bộ hơn châu Âu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận