Ngày 9-11, thảo luận dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi tại tổ.
Không nước nào giao tòa án thu thập chứng cứ
Nêu ý kiến giải trình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay dự thảo đề xuất tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự là phù hợp.
Ông phân tích với vụ án hình sự chia thành hai bên buộc tội gồm điều tra viên, kiểm sát viên và bên gỡ tội là bị cáo, luật sư của bị cáo. Với nguyên tắc tranh tụng, tòa án là trọng tài, phải công bằng, đứng giữa các bên và không nghiêng về bên nào.
Trong dân sự cũng vậy, ông nói nếu tòa án nghiêng về một bên, thu thập chứng cứ có lợi bên khác nghĩa là không còn đảm bảo tính vô tư, khách quan.
"Tòa thu thập chứng cứ rồi lại xét xử theo chứng cứ mình đã thu thập, như vậy là vi phạm nguyên tắc rất căn cốt về tính công tâm, khách quan", ông Bình nêu rõ.
Ông nhấn mạnh nhìn ra thế giới không nước nào giao tòa án thu thập chứng cứ. Với vụ án hình sự, cơ quan điều tra và viện kiểm sát thu thập chứng cứ. Luật sư, bị cáo cũng thu thập chứng cứ, ra tòa hai bên tranh luận với nhau, tòa án là trung tâm phán xử trên cơ sở tranh tụng.
"Nếu đứng về một bên sẽ thiếu khách quan, không lẽ tòa án lại đi thu thập chứng cứ có lợi cho cơ quan nhà nước, bất lợi cho người dân", ông nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh quy định tòa án hỗ trợ cho việc thu thập chứng cứ cho người yếu thế.
Bên cạnh đó dự luật dự kiến bỏ quy định tòa án khởi tố tại tòa, theo ông Bình là bảo đảm tính chất trung tâm xét xử của tòa án. Việc tòa án khởi tố tại tòa trên thực tế cũng không hiệu quả.
"Chúng ta lựa chọn mô hình tố tụng suy đoán vô tội, nếu chứng cứ không đủ chứng minh thì tòa trả điều tra bổ sung một lần, sau đó tuyên vô tội", ông Bình nói thêm.
Ông kể một số chánh án quốc tế gặp ông và nói "các ông lựa chọn không phải lựa chọn suy đoán vô tội, mà là truy tố đến cùng". Chánh án cho rằng khởi tố tại tòa không phù hợp với mô hình tố tụng "suy đoán vô tội".
Theo quy định hiện hành, thẩm phán hiện đang chia thành nhiều cấp, ông Bình nói điều này đang gây ra "những điều cực kỳ khó khăn" cho công việc của thẩm phán, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào tòa án.
"Nhiều thẩm phán sơ thẩm kiến thức, kinh nghiệm còn hơn cả thẩm phán cao cấp, nhưng mang mãi danh thẩm phán sơ cấp…" - chánh án nói và cho hay ông nói thay cho tâm tư nguyện vọng của gần 6.000 thẩm phán sơ cấp.
Thực tế, luật hiện hành quy định thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ gồm 17 người do Quốc hội bầu, hợp lại thành Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Tham mưu cho hội đồng, theo ông Bình là những người có kinh nghiệm từ cấp tỉnh, huyện lên, nhưng nếu lên họ mất luôn chức danh thẩm phán, nên thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không chọn được "những cán bộ tham mưu đỉnh cao".
Lần này, dự luật theo chánh án quy định ở Tòa án nhân dân tối cao có thẩm phán tối cao và các thẩm phán để họ tham mưu, giúp việc cho thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
"Chúng tôi mong nâng tầm nền tư pháp nước nhà ngang tầm với trình độ quốc tế. Không có thì chúng ta cứ bó tay nhau, bên trong muốn đổi mới nhưng bên ngoài kiềm chế không cho đổi mới. Tôi cho rằng điều đó không nên", ông Bình nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến băn khoăn về đổi tên
Trong thảo luận, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn, không đồng tình về việc đổi tên tòa án tỉnh thành tòa án phúc thẩm, còn tòa án huyện thành tòa án sơ thẩm.
Các đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng việc "đổi tên gọi" này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi về nội dung.
Bởi thực tế các tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền. Vì vậy, chưa đáp ứng yêu cầu "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử"...
Cùng với đó, với số lượng vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước rất lớn như hiện nay, nhiều đại biểu cũng băn khoăn việc chuyển đổi chức năng xử lý vi phạm hành chính sang tòa án để xét xử liệu có khả thi?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận