Trọng Phúc quê ở xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Bạn mồ côi cha năm lên 7 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi hai anh em Phúc đi học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, em gái Phúc học hết cấp hai thì đi làm công nhân, giờ đã có gia đình riêng.
Phúc kể hồi đó mẹ đi làm cỏ mướn chỉ kiếm được 50.000 đồng/ngày, bây giờ thì khá hơn, được khoảng 150.000 đồng/ngày.
Với số tiền ít ỏi đó, mẹ vừa trang trải trong nhà, vừa dành dụm gửi đến TP Cần Thơ gần 3 triệu đồng/tháng để bạn đi học.
"Mình không có cách nào khác, phải hạn chế chi tiêu ăn uống để tiết kiệm tiền. Bởi năm nhất mình có thời gian đi làm thêm một số buổi trong tuần, mỗi buổi phục vụ quán nước, quán hủ tiếu được trả 60.000 đồng. Nhờ đó mình có thể ăn uống gói ghém, mua tài liệu học tập.
Hiện tại, mình đang học năm thứ hai, lịch học nhiều, mình ở trường cả ngày, hạn chế di chuyển, dành tối đa thời gian cho việc học. Mỗi tháng, nếu tính luôn tiền nhà trọ 800.000 đồng thì mình chi tiêu khoảng 3 triệu đồng", Phúc nói.
Trước đây Phúc đã học xong 2 năm ngành y sĩ rồi mới học tiếp ngành dược sĩ, còn khoảng một năm rưỡi nữa là hoàn thành.
"Những lúc học bài áp lực hay có ý định buông xuôi thì mình nghĩ về mẹ. Mẹ đã vất quả quá nhiều, mình phải nỗ lực nhiều hơn để sau này có điều kiện chăm lo cho mẹ, giúp đỡ xã hội. Mình dự định sau khi ra trường vẫn sẽ ở lại TP Cần Thơ để làm việc, lấy chứng chỉ hành nghề, rồi mới tìm cơ hội về làm việc gần nhà", Phúc nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Bảy (mẹ Phúc, ngụ xã Tân Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho hay nghề làm cỏ mướn bây giờ cũng khó khăn, kiếm hơn trăm ngàn đồng mỗi ngày mà bữa được, bữa không.
"Phúc mồ côi cha, rất ham học, tiền gia đình chu cấp không nhiều, nhưng Phúc biết tằn tiện. Nhiều khi đi học hai buổi, nó chỉ ăn cơm một buổi, nhín tiền đi học. Tôi nhớ lúc con học hết lớp 12 đã xin nghỉ đi làm đỡ gánh nặng gia đình. Nhưng tôi biết con ham học nên khuyên con học tiếp, lây lất vài năm có nghề đàng hoàng thì không lo lắng nữa. Tôi mong con ra trường có việc làm để giúp ích cho xã hội", bà Bảy nói.
Cô Phạm Diệu Huệ Anh - giảng viên Trường cao đẳng Y tế Cần Thơ, giáo viên chủ nhiệm của Dư Trọng Phúc - cho biết Phúc tham gia rất tốt công tác Đoàn, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, học tập tốt.
"Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Phúc vẫn cố gắng sắp xếp để hoàn thành tốt việc học, đạt loại giỏi, được nhà trường đề xuất nhận học bổng. Do không có hộ khẩu ở TP Cần Thơ nên Phúc không được miễn giảm học phí theo diện gia đình khó khăn", cô Huệ Anh nói.
Chiều 8-1, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành Đoàn Cần Thơ tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 60 sinh viên ngành y có hoàn cảnh khó khăn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang học ngành y tại các trường CĐ, ĐH ở TP Cần Thơ.
Mỗi suất học bổng trị giá 5 triệu đồng tiền mặt và quà tặng. Tổng kinh phí 300 triệu đồng do ông, bà Tiêu Như Phương - Hội Tương trợ và Hợp tác Đức - Việt tài trợ.
Chương trình đã trao cho 40 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Học bổng Tiếp sức đến trường dành cho sinh viên ngành y năm 2023 của báo Tuổi Trẻ dành cho 100 sinh viên, tổng kinh phí 520 triệu đồng.
Hội Tương trợ và Hợp tác Đức - Việt tiền thân là Ủy ban Tương trợ người Việt Nam tại Đức, đã đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong 35 năm qua với nhiều hoạt động như: trao học bổng cho học sinh - sinh viên khó khăn, xây nhà lưu trú cho học sinh vùng sâu vùng xa, hỗ trợ vốn cho giáo viên, tặng phòng học…
Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Vì ngày mai phát triển" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ năm 1988 đến nay. Sau hơn 35 năm hoạt động liên tục, chương trình học bổng "Vì ngày mai phát triển" đã thực hiện 579 chương trình.
Tổng giá trị chương trình đã huy động hơn 407 tỉ đồng, đã tiếp sức khoảng 71.345 học sinh - sinh viên đến trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận