TTCT - 1. Lúc đó khoảng năm giờ chiều. Nắng đã nhạt và trời đầy gió. Tôi đang ngồi ở cái quán đó đọc lại Câu chuyện dòng sông thì người đàn bà xuất hiện. Phóng to Minh họa: Trương Tiến Trà Trước đó mình tôi một cõi vì chủ quán, như mọi lần, đã bỏ đi được một lúc lâu. Thản nhiên, bà ta đi thẳng tới chỗ tôi ngồi, chống nạnh chăm chú nhìn lên mặt tiền nhà, cau mày vẻ không hài lòng. Rồi ánh nhìn hạ xuống, quét ngang mặt phố. Thêm vài cái lắc đầu, rồi bà ta vào, kéo ghế ngồi ngay giữa cửa. Tôi không tài nào tập trung được nữa. Rồi chủ quán về. Cuộc nói chuyện của họ ám tôi đến tận bây giờ. Nó như sau: - Chị! Chị ra lâu chưa? - Ừ. Cũng được một lúc. Nó đâu? - Tan học cho ăn nui xong em chở qua chỗ học thêm toán luôn rồi. Sáng Yến qua làm nui xào bò cho hai bố con. Phúc nó thích nui xào bò. - Sắp có mẹ mới xào nui cho ăn cũng có cái sướng, hả? - Vâng... Hai cô cháu thân nhau, em cũng mừng. Mà chị ra có chuyện gì ạ? - Không có gì... Trời mát tản bộ... Dạo này nhà cửa có vẻ sáng ra... - Vâng... Yến với em lăn lại tầng trệt, tay vịn cầu thang, thay mấy cái bóng đèn... thế thôi mà thấy nhà cao lên hẳn chị nhỉ. Nhất định tự làm không cho kêu thợ, sợ tốn tiền. - Thế hả? Cái tủ này... cũng giống quán sinh tố rồi đó. - Yến mua chất vô đấy. Bảo phải chưng trái cây cho giống quán nước. Chị thấy đẹp không? - Cũng có ý, biết đan xen màu sắc... nhìn ngon mắt... - Vâng. Chưa bán bao giờ mà biết bày hàng lắm... - Ừm... Cơ mà cậu cứ để nhà cửa thế này mà đi sao? - Vâng. Em vẫn đi... Gần ấy mà. Chị đi bộ sao không gọi em đón? - Sao phải đón? Đi bộ khỏe chân. Mỗi ngày tôi vẫn đi hai lượt sáng tối. Cậu cũng đi đi cho nó tan mỡ. - Yến cũng đang bảo em thế. Không thì phải chịu khó lên xuống bốn tầng lầu... - Phải. Bây giờ cái gì ăn vào cũng độc. Không vận động cho nó thải ra có ngày ung thư. - Vâng, biết thế mà một mình cũng lười, từ khi có Yến em mới hay lên trên ấy... - Chưa gì đã hay lên trên ấy? - Không phải... Yến lên dọn dẹp... Không ai ở bụi đầy mấy cái phòng... - Thì tôi nói chuyện dọn dẹp chứ sao... Còn chưa chính thức đã để người ta thân quá sau này lỡ có gì trục trặc, phiền... - Chắc cũng không có gì thay đổi nữa, em đang tính chở Yến vào thưa với chị. Đầu tháng sau tụi em làm mấy mâm... Yến bảo tuổi này rồi không nên phô trương quá... - Cũng phải. Thế nhưng hai người cùng lên mà không thấy gì sao? - Gì ạ? - Cái cành bàng sà vào bancông tầng bốn ấy... - À... Chị cũng thấy ạ? Có một cái tổ se sẻ. Bốn con chim non. Chim bố chim mẹ thay phiên mớm mồi, hay lắm. Yến nói tụi em sắp thành gia đình mà gia đình chim nó về là điềm lành. Yến để sâu quy với nước, nó gọi cả đàn về, Phúc nhà mình với Bo con Yến thích lắm, hai anh em rình xem mãi... - Hay nhỉ. Từ cái tổ chim mà suy ra ý nghĩa gia đình, đúng là cô giáo dạy văn. Thảo nào em tôi dạo này mặt mũi tươi tỉnh hẳn... Thấy cậu vui, tôi mừng cho cậu. - Vâng, Yến được cái... - Nhưng cậu chỉ thấy tới đó thôi sao? - Dạ? Ý chị là Yến có chỗ nào... - Không, ý tôi là cái cành cây ấy... - Cành cây sao ạ? - Thương lũ chim non cũng đúng, nhưng còn con mình? - Con mình... Thằng Phúc ấy ạ? Thì sao chị? - Còn sao nữa, trộm nó vào thì sao? Cả dãy thông thương, trên mái nhảy xuống, lan can bên cạnh trèo vào chưa đủ, cậu còn định bắc thêm cho nó cái cành ấy sao? Nghe đến đây tôi trộm liếc lên phía cành bàng, bởi vì người em cũng tranh thủ đứng dậy với lấy một chai nước suối. Nắng đã tắt nhưng ráng vàng phía bờ kênh đối diện vẫn đủ để thấy một đám sẻ xúm xít lanh chanh. Hóa ra có một cái tổ chim. Đứng trên bancông ngay chỗ cành bàng mà quan sát chúng hẳn phải rất vui thú. Người em mở nắp chai nước đưa cho bà chị, tiếp tục câu chuyện dở dang: - Muốn vào thì nó cũng phải điều nghiên, biết chủ nhà là đàn ông... - Đàn ông mà ngủ say như chết thì làm gì được nó? bảy, tám căn phòng trên ấy cậu tìm ra nó thì nó cũng kịp hại con cậu hoặc vơ vét hết rồi... Cậu sơ hở lắm. - Chị cứ lo xa thế chứ khu này trước giờ cũng yên... - Vấn đề lớn nhất của một người sơ hở đấy là không biết mình sơ hở. Mà cậu nhìn đi, xung quanh ai người ta cũng bế quan tỏa cảng, có mình cậu mở toang hết ra rồi bỏ đi mất hút. - Tuy mở ra thế chứ em ở trong nhà thấy hết, không sao... Còn đi đón Phúc thì trường nó ngay đây... - Vấn đề là cậu đâu cần bán quán? Một ngày cậu bán mấy ly nước cậu nói tôi nghe? - Chị biết em bán không phải vì thế mà. Tại... Thật ra... Phúc nó ở trường cả ngày, mình em loanh quanh cũng chán. Mở ra cho thoáng cái nhà. Nhìn bàn ghế thôi cũng như sắp có khách, cho nó có hơi người... - Thế nên cậu cho mấy ông bà lang thang vé số tăm bông tụ tập ngồi không uống nước? - Thấy người ta đi nắng đường xa cũng mệt, cho người ta nhờ cái bàn ăn cơm với ít nước lọc, mất gì... - Thế chuyện cứu con bé bị giựt giỏ cũng là thật phải không? - Con bé vừa chạy theo vừa kêu cứu ầm ĩ tội quá... Vừa may thằng ấy chạy qua đây, em ném cái ghế thôi mà sao nó té, lấy lại được cái giỏ... - Thế nếu nó đâm cho cậu một nhát thì sao? Hoặc nó báo đồng bọn đến trả thù, cậu làm thế nào? - Lúc ấy tình thế cấp bách, làm là làm cũng chẳng kịp nghĩ nữa... - Thế bây giờ cậu nghĩ đi. Cứu người rồi ai cứu mình? Tránh đi là tốt nhất. Mình cậu chả thay đổi được gì đâu. Muốn hơi người thì ra công viên, ra quán. Còn cái nhà mình, mình phải đóng. Cái nhà là cái lô cốt cuối cùng của mình, mình phải cố thủ. Phải giữ chặt lấy chứ sao hơ hỏng vậy? - Chị... Có vẻ như có chuyện gì... - Phải. Thật ra dạo này tôi thấy bất an. Càng ngày càng có nhiều chuyện không thể nào nắm bắt nổi... - Vâng. Nói thật với chị có lúc em cũng sợ lắm. Người ta thích mình đã sợ, mình thích người ta lại càng sợ hơn. Cứ nhớ ngày xưa mình cũng từng đặt hết tin tưởng, cuối cùng vẫn đổ vỡ tan tành, cái gì đảm bảo mình không sai lần nữa? Cứ thế thời gian dài nghĩ chắc mình chẳng đến được với ai... - Tôi biết. Thời gian ấy chính tôi làm mối cho cậu mấy đám... - Rồi qua cái đoạn ấy thì cũng ép mình quen lại... nhưng mà cầm chừng, vừa quen vừa soi xét người ta. Chỉ một cái gợn nhỏ đã vội vàng bỏ chạy... cứ như chơi trò kéo co mà lúc nào cũng phải thủ, mệt mỏi, chẳng hay ho gì... - Tôi hiểu. - Cho tới khi gặp Yến. Bao nhiêu sợ hãi, dè chừng tự dưng biến hết. Chỉ bằng một câu Yến nói với em... - ... - Tin người mà bị phản bội là bất hạnh. Nhưng bị phản bội rồi không tin ai được nữa còn bất hạnh gấp đôi. - Hay! - Yến còn nói đời người đan bằng khổ đau lẫn hạnh phúc, không ai chỉ có sướng, chẳng ai chỉ toàn buồn. Có hai người cạnh nhau thì hạnh phúc nhân đôi, bất hạnh san sẻ... - Biết nhiều thế chắc phải biết cả câu “trong họa có phúc, trong phúc có họa”, nhỉ? - Dạ? - Nếu cái họa ấy không phải đến từ bên ngoài mà từ một trong hai phía thì sao? Thấy cậu có ý tái hôn, không hiểu sao trong đầu tôi cứ lởn vởn câu ấy mãi... - ... - Người ta nói người ta yêu mình thì mình biết thế. Nhưng cái yêu ấy nó tròn méo dài rộng bao nhiêu, lấy gì đo đếm? Rồi giả sử người ta nói có mà thực chất là không, mình làm cách nào biết được? - Em nghĩ Yến không đến nỗi... - Vì cái sự mù mờ ấy, bao nhiêu người chết. Thử tính mà xem. Con số tự tử, bị giết, bị hại vì tình, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen ở cái đất nước này mỗi ngày không hơn thiên tai địch họa cộng lại, tôi thua. Những vết thương cần rất nhiều thời gian, nhưng không bao giờ lành hẳn... - Đúng là lo thì ai cũng lo. Nhưng cái rung động nó cũng là hi hữu... đâu phải ai mình cũng yêu được, cho nên sợ thì cũng sợ mà muốn thì vẫn muốn. Biết đâu đó là hạnh phúc thật sự của mình? - Vì cái mong ngóng mơ hồ ấy nên người ta mới chết. Chết một lần rồi hi vọng, lại chết lần hai, lần ba... Mà cái họa ấy chẳng thể trách ai. Nó hoàn toàn do mình tự chuốc lấy. Hôn nhân chính là sơ hở lớn nhất. Là cánh cửa rộng nhất con người tự mở ra cho bất trắc nó hủy hoại đời mình. 2. Một khoảng yên lặng dài. Tôi nhìn ra cửa. Bóng đêm từ những tán bàng đã âm thầm lan tỏa xuống phía con đường. Người đi ngoài phố chỉ còn là những bóng đen không nhìn rõ mặt. Người chị không thúc giục. Bà biết sức nặng những lời mình nói sẽ ngấm vào em trai, chậm rãi nhưng hiển nhiên, như bóng tối ngay lúc này sắp bao trùm tất cả... - Thì đúng là vậy, nhưng không thử làm sao biết... - chủ quán phản công. - Nói thử mà lại là thật. Chết là chỗ đó. Có ai dám tuyên bố làm chủ tình cảm của mình, cậu chỉ tôi xem? Bình thường sáng suốt tỉnh táo, chớ ai ăn được của mình một đồng, bỗng nhiên một ngày mê mụ mở toang cửa đón người lạ vào nhà. Cho người ta ăn ở trong nhà mình, biết rõ tâm can mình, phung phí đồng tiền mình khổ cực làm ra, rồi trong lúc mình sơ ý nó cướp sạch, đẩy mình ra cửa... - Có vẻ như chị lo xa quá... Yến là cô giáo chắc cũng không đến nỗi... - Cô giáo có bằng bác sĩ không? Cái cảnh con vợ bác sĩ đuổi cha con cậu khỏi nhà dù 100 năm nữa tôi vẫn không quên. Không bao giờ quên được... - Yến không giống mẹ Phúc... - Cách duy nhất để triệt họa là đừng rước mầm họa vào nhà. - Nói thế chẳng lẽ mình phải từ bỏ luôn cơ hội hạnh phúc... - Nếu cậu không nhà không cửa không xu dính túi, đã về hưu còn gà trống nuôi con, người ta vẫn tới dọn nhà, xào nui cho con cậu, trích dẫn với cậu những câu văn vẻ ý nghĩa cuộc đời, khi đó tôi tạm tin có phúc đến nhà. Tạm thôi nhé. Cậu dám đảm bảo không có căn lầu mặt phố bốn tầng lầu này với cuốn sổ tiết kiệm, cái người văn vẻ ấy vẫn trọng thị cậu y như bây giờ? - Chuyện đó thì không nói trước được... - Phải. Làm sao nói được. Người ta cũng có con. Người có con không chơi cờ liều để làm con khổ. - Thực ra thì em cũng có lo lắng, nhưng mà... - Có điều kiện đôi khi lại là bất lợi. Cậu chẳng có cách nào biết được người ta yêu cậu hay yêu cái điều kiện cậu mang lại cho người ta. Không cách nào biết cả. - ... - Để tôi kể cậu nghe. Tôi có chị bạn trước đi chùa lễ Phật chăm lắm. Con gái đòi lấy chồng bên đạo, nhất định thà ế không cho. Tự nhiên hôm rồi bảo: Chị, bây giờ em tin Chúa. Hỏi thế bỏ Phật à, bảo không, em thờ cả hai. Tôi đến thì quả trong nhà có hai bàn thờ to, một bên là Phật, bên kia là Chúa. - Thờ thế lỡ hai ngài cùng hiển linh một lúc thì thu xếp thế nào... - Đó là chuyện của bà ấy. Câu hỏi đáng ra phải là: Tại sao bà đó thờ hai đạo? - Vâng. Kể cũng lạ... - Không có gì lạ hết. Người ta đang bất an. Ai cũng bất an. Bà ấy nói với tôi những chuyện làm tôi nghĩ mãi... - Vâng... - Bà ấy bảo có lời sấm là cứ vài ngàn năm khi muôn loài trở nên thoái hóa thì Chúa trời xóa hết làm lại một lần. Thời ông No-ê là một, bây giờ là hai... - Đúng là bây giờ có vẻ thứ gì cũng hỏng. Từ làm ăn đến kỷ cương, đạo đức... - Thời No-ê là đại hồng thủy, còn lần này là thiên tai, chiến tranh cùng với ma quỷ. - Ma quỷ? - Phải. Cửa địa ngục sẽ mở cho ma quỷ thoát ra hoành hành, để phá hủy cho nhanh trước khi làm lại thế giới mới. Thiên tai thì rõ rồi. Toàn bão lớn nhất từ trước tới nay. Philippines đấy, người chết la liệt, người sống vật vờ cướp bóc lẫn nhau, khác gì tận thế? Đến Sài Gòn mà cũng dọa bão thì thật hết đường... - Cũng có thể đó chỉ là trùng hợp... - Ừ... Có thể là trùng hợp... Nhưng tôi hỏi cậu, những cột nước ba, bốn mét tự nhiên phun trào dưới sông, mặt đất nứt toác cả cây số, những loài thủy quái dài năm, bảy mét chỉ sống ở đáy sâu tự nhiên trồi hết lên bờ... Những cái ấy không phải dấu hiệu lòng đất đang mở ra thì là gì? Khoa học cũng đâu lý giải nổi... - Cũng có thể chỉ là hiện tượng tự nhiên... - Tôi cũng muốn nghĩ thế. Nhưng tôi hỏi cậu: bác sĩ lâu năm mặt mũi hiền lành con nhà tử tế, tự dưng làm chết người rồi ném xác xuống sông, chẳng phải ma làm thì là gì? Bệnh viện mà cũng photo kết quả xét nghiệm kiếm lời, thư sinh trắng trẻo tự dưng giết hết cả nhà người ta, vợ đốt chồng, con đâm cha mẹ, va quẹt có tí cũng giết nhau... Quản lý cầu đường mà mỗi năm nuốt trôi mấy tỉ, nói gì những ngành dễ ăn... Cán bộ lấy cuốc bổ vào đầu dân máu đổ chứa chan rồi lên báo nghênh ngang “không có gì hối hận”. Con người đâu có thế. Ma quỷ đấy. Ma quỷ đang hoành hành. - Vâng, nhưng chuyện đó đâu có ảnh hưởng... - người em gắng gượng sau một khoảng lặng dài. - Tôi cứ nghĩ mãi, thời thế này sao phải lấy vợ lấy chồng? - bà chị cắt ngang. - ... - Tại sao tự nguyện mở cửa cho nguy cơ vào nhà? Muốn thì tới. Thích, yêu, thì ngủ. Rồi ai về nhà nấy. Có khi còn vui lâu hơn, đẹp bền hơn mà chẳng ai phiền ai. - Em sợ như thế có vẻ không... - Không thế nào? Không gieo thì không gặt, chỉ có vậy thôi. - Em sợ Yến... - Trước khi sợ cho người khác, cậu nên sợ cho bản thân mình, cho con trai mình. Cậu thấy tôi không, tự do tự tại, mình chẳng nợ ai không ai nợ mình. Sau này chết tôi cho thằng Phúc một phần, phần còn lại cho hết từ thiện. Đời an nhàn, yên ổn. - Nhưng em đã bàn với Yến... - Tình hình be bét thế này... Tôi hỏi cậu nếu thế thật, giữa Yến, con Yến, con mình, cậu cứu ai? - Dạ... Em hả chị? Đương nhiên phải cứu thằng Phúc... - Cậu trả lời rồi đấy. - Dạ? - Hôm qua tôi mới đi đám tang anh bà Lan bạn tôi. Anh ấy cũng bỏ vợ rồi mua bán nhà nát, phất lên, rồi thì rước về cô vợ hai cũng có con riêng, rồi lăn ra chết. Bây giờ con ấy nó đẩy thằng con chồng đi nghĩa vụ, nó sang tên cả năm căn nhà cho con nó. Ngày trước người ta còn tự kiểm, tự trọng, tự ái, lương tâm... Bây giờ người đâu còn là người, ma quỷ nó làm cho mắt mù tai điếc hết rồi. - Thì nghĩ cũng sợ, nhưng mà... - Trong thâm tâm cậu đặt nặng làm cha hơn làm chồng, nếu không cậu đã chọn Yến. Với cậu thêm cũng được, không có không sao. Chỉ là cậu chưa hiểu rõ bản thân mình. Lần này mà có chuyện thì cậu với con cậu hết đường thật đấy, cậu tính tới đó chưa? - Em hiểu rồi. Để em nghĩ lại. - Thế thì tốt. Tôi về. - Vâng. - Tính gì cũng làm sớm đi. Chả biết nó đến lúc nào đâu... - Vâng. Em biết rồi. Chị đi cẩn thận. 3. Bà chị đứng dậy đi ra, tới trước mặt tôi, bà ta dừng lại, lấy trong giỏ một cái lược nhỏ rồi - trước vẻ ngạc nhiên không giấu được của tôi - một tay chải, một tay vuốt, cho tới khi nghĩ mình trông đã ổn, bà bỏ lược vào giỏ, thanh thản lướt qua tôi nhẹ nhàng biến vào bóng đêm khi ấy đã bao trùm trước sân. Vài hôm sau cái quán biến mất. Vì đó là khu liên kế với những căn nhà giống hệt, khi những khung cửa cuốn màu xám đồng loạt sập xuống, thậm chí không phân biệt nổi nó từng ở căn nào. Không phân biệt nổi, vì cũng không còn bancông tầng bốn nào có một cành bàng nghiêng tới... Không rõ gia đình chim ở đó ra sao... Tags: Truyện ngắnChạng vạngHoài Hương
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cám ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.