04/08/2024 14:10 GMT+7

'Chàng trai vàng' Olympic hóa học quốc tế mơ thành bác sĩ

Cuối giờ học, học sinh lớp 10 chuyên hóa Trường THPT chuyên Bắc Ninh vẫn nán lại, chờ “khách mời đặc biệt” - Nguyễn Hữu Tiến Hưng - chủ nhân huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế năm 2024.

Nguyễn Hữu Tiến Hưng và cô chủ nhiệm Vũ Thị Len sau khi trở về từ Olympic hóa học quốc tế - Ảnh: HÀ QUÂN

Nguyễn Hữu Tiến Hưng và cô chủ nhiệm Vũ Thị Len sau khi trở về từ Olympic hóa học quốc tế - Ảnh: HÀ QUÂN

Bước vào lớp 10 chuyên hóa ở Trường THPT chuyên Bắc Ninh, vẫn áo đồng phục màu trắng quen thuộc, chỉ khác là có thêm huy chương vàng hóa học sáng chói trước ngực, Nguyễn Hữu Tiến Hưng nhận tràng vỗ tay lớn từ hơn 30 học sinh và cô giáo chủ nhiệm.

Gặp những gương mặt mới toanh, còn hớn hở sau khi đậu vào lớp chuyên, Hưng mở đầu cuộc trò chuyện “truyền lửa” đam mê hóa học bằng chính câu chuyện của mình.

Bí kíp giành huy chương vàng Olympic

Tiến Hưng kể mình yêu thích hóa học từ lớp 8, đam mê xuất phát từ phản ứng đơn giản như thổi hơi thở vào dung dịch để kết tủa, thổi nhiều hơn hòa tan kết tủa.

Đến lớp 9, chính chị gái và bạn của chị là cựu học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh “thổi bùng” say mê hóa học bằng các câu chuyện về hóa, ứng dụng trong cuộc sống…

Thấy bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, Hưng nói đây như “bảng cửu chương trong toán học”, kiến thức nền tảng tìm hiểu phản ứng đốt cháy, phấn tích hợp chất và kiến thức hóa nâng cao sau này.

Nói với các em lớp 10, Hưng mong các bạn hãy vạch rõ chiến thuật ôn tập hiệu quả song song với học kiến thức mới. “Muốn học tốt hóa, ngoài nắm chắc lý thuyết thì cần làm bài tập chuyên đề, mở rộng các dạng đề. Có thể xem video về phản ứng hóa học trên YouTube để giải trí, rèn luyện tư duy, hiểu kiến thức trong sách với thực tế khác nhau gì không”, Hưng cho hay.

Trước câu hỏi thi Olympic quốc tế khó không, Hưng nói khó, mới, lạ nên cần bình tĩnh, vạch sẵn hướng giải và triển khai mạch lạc, logic các bước. Với bài thực hành, Hưng bồi hồi nhớ ngày đầu học lấy dung dịch vào ống nghiệm, nhìn đơn giản song phải vài ba lần mới làm đúng, chính xác.

“Thí nghiệm hóa học rất thú vị nhưng cũng khá khó, đòi hỏi chính xác, tỉ mỉ. Ta cứ làm đúng quy trình, không vội vàng, tắt bước, làm sao hạn chế sự cố, đảm bảo an toàn cho mình và người khác”, nam sinh lưu ý.

Nguyễn Hữu Tiến Hưng trả lời nhiều câu hỏi khó về hóa học cho các em học sinh lớp 10 chuyên hóa tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Nguyễn Hữu Tiến Hưng trả lời nhiều câu hỏi khó về hóa học cho các em học sinh lớp 10 chuyên hóa tại Trường THPT chuyên Bắc Ninh - Ảnh: HÀ QUÂN

Ước mơ trở thành bác sĩ cứu người

Hưng nán lại chút nói thêm về lúc được chọn vào đội tuyển Việt Nam dự Olympic hóa học quốc tế, em rất hạnh phúc vì đại diện đất nước đi thi đấu nước ngoài nhưng cũng áp lực, lo lắng nên đặt mục tiêu, tâm thế ôn luyện từ sớm.

Trước ngày bay sang Saudi Arabia, em có hai tháng ôn luyện trên Hà Nội. Tranh thủ ngày nghỉ, em bắt xe buýt lên hồ Hoàn Kiếm khám phá ẩm thực, không khí thủ đô.

“Khi sang Saudi Arabia, em hơi tự ti vì các bạn từ Áo, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ai cũng cao hơn mình. Nhưng các bạn thân thiện, cởi mở lắm, có bạn còn chủ động bắt tay, ôm làm quen.

Đội Việt Nam chúng em mang tặng các bạn các móc khóa hình người phụ nữ mặc áo dài, nón lá, chuồn chuồn tre. Ai cũng thích và mong được đến Việt Nam khám phá. Em còn kết bạn mới trên Instagram”, Hưng hồ hởi nói.

Đồng hành cùng Hưng sang Saudi Arabia, cô Vũ Thị Len - chủ nhiệm đội tuyển 12 hóa, Trường THPT chuyên Bắc Ninh - cho hay hai cô trò chuyển từ hồi hộp, lo lắng sang vỡ òa, hạnh phúc.

“Lúc Hưng được xướng tên, hai cô trò vỡ òa. Tối đó tôi gần như không ngủ, chỉ trả lời tin nhắn từ Việt Nam”, cô Len cho hay.

Với cô Len, từ lớp 10, Hưng thể hiện sự quyết tâm trong học tập, chịu khó tìm hiểu kiến thức mới và thường đứng đầu các cuộc thi. 

Dù vậy, Hưng vẫn mất thời gian đầu để lấy tự tin, khắc phục điểm yếu ở phần hóa hữu cơ, cân bằng điểm mạnh, điểm yếu.

Theo Tiến Hưng, em học được nhiều từ cựu học sinh chuyên Bắc Ninh là Nguyễn Kim Giang - chủ nhân huy chương vàng Olympic hóa học 2023 tại Thụy Sĩ. Kim Giang chính là tiền bối truyền động lực, kinh nghiệm.

Nghe lời khuyên, Hưng học theo chuyên đề, không thức khuya, dậy sớm đọc bài trước khi lên lớp. Ngoài nghe giảng, em đọc thêm tài liệu, bài báo, nghiên cứu tiếng Anh. 

Lúc rảnh, Hưng coi video của Ted-ed trên mạng giải thích đơn giản về nguyên nhân gây bệnh, hay sự phát triển của các bệnh phổ biến.

“Em rất thích xem video ngắn về cách chữa bệnh, cơ chế hoạt động của cơ thể người. Cơ thể chúng ta rất thú vị vì con người là bộ máy phức tạp, kiệt tác của tự nhiên. 

Em mong trở thành sinh viên ngành y để trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người. Em biết phải mất nhiều năm học tập nữa, nhưng bố mẹ, thầy cô luôn ở bên động viên, ủng hộ”, Hưng bộc bạch.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, tỉnh luôn đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn. Các năm tới sở sẽ đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền đầu tư, hỗ trợ, đào tạo đội ngũ giáo viên; thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp các trường sư phạm về địa phương; có chính sách tốt hơn cho học sinh giỏi...

Ba nam sinh cùng trường Ba nam sinh cùng trường 'gặt' huy chương vàng Olympic quốc tế

Cùng học Trường THPT chuyên Bắc Giang, Thân Thế Công, Trương Phi Hùng và Giáp Vũ Sơn Hà cùng 'gặt' huy chương vàng Olympic quốc tế môn vật lý và hóa học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên