Phóng to |
Từ lâu Vũ (giữa) đã trở thành trụ cột của gia đình - Ảnh: M.Tâm |
Người thanh niên đó là Nguyễn Văn Vũ, 35 tuổi. Nhà cách lộ 4km nhưng khi hỏi về Vũ ai cũng biết bởi quá quen thuộc với hình ảnh người thanh niên đi đứng, chèo xuồng, giăng lưới, hái rau, bắt ốc... chỉ bằng đôi tay bởi đôi chân đã tật nguyền teo tóp. Bà Châu Thị Ngọc Hương, trưởng ấp Quy Lân 6, cho biết: “Thằng Vũ tuy tật nguyền nhưng chịu khó mần ăn, không thua gì người bình thường, lại rất hiếu thảo với mẹ cha...”.
Tập đi để lo cho cha mẹ
Khi tôi đến, cả nhà Vũ đang dùng cơm trưa. Bữa cơm hôm ấy là tô canh chua rau muống Vũ hái ven sông cùng với vài con cá sặt, cá linh mà Vũ giăng lưới được. Bà Qui tâm sự: bất hạnh ập đến với con mình ngay khi mới chào đời: đôi chân cậu bé teo tóp, rúm lại. Rồi cộng thêm tuổi thơ theo cha mẹ sống trên ghe lênh đênh sông nước khiến Vũ không một ngày được đến trường.
Trong khi cha mẹ đậu ghe lên bờ làm thuê đủ thứ việc như cắt lúa, nhổ cỏ... thì Vũ bò tới bò lui trong ghe. Cứ vậy, thế giới của cậu bé là chiếc ghe bề ngang 1,5m, bề dài 6,5m, rày đây mai đó theo chuyện mưu sinh lam lũ của người lớn. Năm Vũ 13 tuổi, chiếc ghe rệu rã nhưng không có tiền mua ghe mới nên khi tấp vào xã Thạnh Quới, cha mẹ Vũ xin chủ đất cho che tạm căn chòi ở mé kênh. Rồi lần đó, cha mẹ Vũ ngã bệnh cùng một lúc, lên cơn sốt hầm hập, không tiền mua thuốc nên đành nằm chịu trận. Vũ chỉ biết loay hoay lấy khăn chườm mát. Cũng may cha mẹ khỏi bệnh. Từ đấy trong đầu Vũ cứ xoay tròn ý nghĩ: sau này cha mẹ già yếu ai sẽ nuôi cha mẹ và cuộc sống của mình sẽ ra sao? Nghĩ vậy nên Vũ quyết tập đi bằng đôi tay.
Vũ dùng hai khúc tre làm điểm tựa nhấc cơ thể lên rồi hạ xuống. Lúc đầu mỗi bước đi đều mất thăng bằng khiến đầu đập xuống đất, chảy máu mũi, u trán... Nhưng Vũ vẫn kiên nhẫn tập đi từng bước một, đến khi đi vững vàng Vũ bỏ hai khúc tre đi bằng tay. Rồi Vũ nghĩ tôm cá có nhiều, sao mình không giăng lưới, nhưng sông nước mênh mông lỡ rủi có chuyện gì thì sao? Rồi khi giăng lưới mắc gốc còn phải lặn xuống gỡ. Nghĩ vậy nên Vũ quyết định tập bơi. Khi đã bơi thành thạo, Vũ bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh: giăng câu, thả lưới... Rất nhiều lần mưa bão xuồng bị chìm nhưng nhờ bơi giỏi nên Vũ thoát chết.
Vũ còn đi cắt lúa mướn. Một công người ta cắt một buổi, còn Vũ cắt bốn ngày mới xong. Chủ ruộng thấy Vũ chịu khó nên vẫn mướn. Ngoài ra, Vũ còn mua vịt con về nuôi với dự tính lấy công làm lời có tiền dự phòng sau này. Vũ tâm sự: “Tôi cố gắng làm kiếm thật nhiều tiền phòng lo cho cha mẹ sau này...”.
Cứ vậy, cuộc sống bấp bênh giữa đôi bờ thiếu đủ nhưng thật đầm ấm bởi ba người đùm bọc yêu thương nhau. Những tưởng phận nghèo sẽ bình yên trôi theo con nước lớn ròng, nào ngờ bệnh tật đã làm đảo lộn mọi thứ. Đầu tiên cha Vũ bị tai biến nằm liệt giường. Kế đó mẹ Vũ bị bệnh tim, thoái hóa cột sống. Nhà không tiền nên Vũ phải bán tống bán tháo bầy vịt lo thang thuốc cho cha mẹ nhưng số tiền mỏng vẫn không đủ nên Vũ phải hỏi mượn lối xóm. Những ngày cha mẹ nằm viện, Vũ túc trực suốt mua thuốc, giặt giũ quần áo và xin cơm nước ở chỗ từ thiện. Nửa tháng điều trị, bệnh tình cha mẹ giảm được một chút nhưng tiền mượn cũng cạn sạch, và không thể hỏi mượn thêm được nữa nên Vũ đành đưa cha mẹ về nhà. Rồi Vũ đến phòng thuốc nam từ thiện hốt thuốc cho cha mẹ uống. Sau đó được các lương y hướng dẫn tính năng của các loại cây, Vũ chịu khó chèo xuồng đi hái về sắc cho cha mẹ uống. Có những loại cây như cỏ chỉ, cỏ mầm trầu, cỏ thằn lằn... phải tìm những nơi thật xa mới có nên thời gian đi về cũng mất hơn 6 giờ.
Bấy giờ người cha nằm một chỗ, còn mẹ bị đau nhức đi đứng khó khăn nên chuyện ăn uống đến giặt giũ, vệ sinh cá nhân đều phải do Vũ hầu hạ. Cơm nước Vũ để trên chiếc xe lăn, rồi đẩy đến giường. Vũ ra sức đỡ cha ngồi dậy rồi cẩn thận đút từng muỗng cơm cho cha. Sợ cha nằm một chỗ dễ bị lở loét nên Vũ chịu khó mỗi ngày lau mình sạch sẽ, mátxa cho cha. Giấc ngủ của Vũ lúc nào cũng chập chờn bởi sợ cha mẹ có gì bất trắc nên nghe cha cần uống nước, vệ sinh hoặc nghe mẹ trở mình rên khẽ là Vũ có mặt đấm bóp cho mẹ. Rồi Vũ dìu cha dậy tập đi từng bước, một tay cha vịn thành giường, tay kia vịn vào vai Vũ lần hồi bước. Cứ vậy suốt bốn năm ròng, nhờ sự chăm sóc tận tình của người con hiếu thảo mà sức khỏe của cha mẹ đã dần bình phục: họ đã có thể đi đứng, tự vệ sinh cá nhân được dẫu khó khăn...
Phóng to |
Vũ cho cá lóc ăn mồi - Ảnh: M.Tâm |
Ráng nuôi cá để trả dứt nợ...
Trước đây, Vũ cùng cha mẹ cật lực lao động nên số tiền kiếm được cũng đủ xoay xở. Kể từ khi cha mẹ bệnh, một mình Vũ phải chạy lo từng bữa ăn. Vì muốn cha mẹ có chén cơm đầy, chàng thanh niên làm không ngơi nghỉ. Mùa nước cạn Vũ đi hái rau, mò cua bắt ốc, bắt cá lau kiếng... bán. Mùa nước nổi Vũ đi giăng lưới. Ban đêm có cá nhiều nên Vũ chịu khó thức khuya. Cứ 12g đêm, Vũ bơi xuồng nương theo con nước thả lưới đến 11g trưa hôm sau mới về. Để bắt được nhiều cá, Vũ chịu khó giăng lưới, bơi xuồng đến tận Cờ Đỏ hơn chục cây số. Cá bắt được Vũ chia ra: những con cá lớn dành cho cha mẹ, còn bao nhiêu đem bán cho các chủ vựa. Làm quần quật mỗi ngày Vũ cũng kiếm được khoảng 25.000 đồng. Có những đêm mưa gió, Vũ vẫn phải đi vì nghỉ ngày nào là cái đói xộc vào nhà ngày ấy. Xuồng nhỏ nên nhiều khi gặp sóng lớn khiến không ít lần bị chìm, những lúc như vậy Vũ ôm xuồng lội vào bờ, rồi hì hụp lắc xuồng lật trở lại trong đêm trường giá lạnh khiến hai hàm răng đánh lập cập... Vì vậy, mỗi khi trời sa mưa dông, Vũ không bơi xuồng ra giữa đồng mà men theo mé ruộng giăng câu. Những hôm như vậy cá bắt được rất ít, thu nhập bị giảm đi phân nửa...
Cuộc mưu sinh cơ cực, có phần nguy hiểm ấy với người trẻ tật nguyền cũng chỉ đủ cho bếp lò đỏ lửa. Còn số tiền vay mượn trên 10 triệu đồng chữa bệnh cho cha mẹ mặc dù cố gắng nhưng bốn năm qua Vũ không trả nổi được một đồng. Không muốn cha mẹ phải rầu lo nên Vũ nuôi vịt những mong kiếm lời trả dứt số nợ nhưng không may bị thất bại. Giờ Vũ xoay sang nuôi cá lóc. Vũ ra đồng xúc cá ròng ròng, rồi bao lưới ở sát bờ để nuôi chúng. Mỗi khi giăng câu, Vũ chừa lại một mớ cá, bằm nhuyễn làm mồi cho cá lóc ăn. Vũ tâm sự: “Nghe nói cá nuôi khoảng bốn tháng là bán được nên tôi ráng nuôi, lấy công làm lời. Với khoảng 700-800 con cá hiện nay, tôi hi vọng đến khi cá lớn bán có thể kiếm lời khoảng 2 triệu đồng. Cứ nuôi dứt đợt này đến đợt khác, tôi mong là sẽ trả dứt nợ...”.
____________
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận