Phóng to |
Sinh ra tại Malaysia nhưng Leng có thời gian 10 năm học tập, sinh sống và làm việc ở Canada. Chính những người bạn Việt Nam gặp ở đây đã giúp Leng lần đầu tiên biết đến món ăn Việt. Từ đó, một quán ăn Việt nhỏ là nơi lui tới thường xuyên của chàng trai Malaysia, cho đến một ngày người chủ đóng cửa chuyển đi nơi khác sinh sống. “Lúc đó, tôi mơ có một nhà hàng chuyên bán thức ăn Việt do mình làm chủ”, Leng nhớ lại.
“Tôi có một giấc mơ”
"Cuộc sống này không chỉ có tiền mà phải có tình yêu. Với mình, tôi yêu món ăn Việt và chọn đường đi của cuộc đời mình gắn với tình yêu này” Goh Chye Leng |
Về lại Malaysia, Leng tiếp tục làm việc trong lĩnh vực tài chính tại các công ty lớn như KPMG... Cuộc sống của anh sẽ diễn ra bình thường như bao người trẻ khác cho đến một ngày đột nhiên anh nhớ về giấc mơ ngày trước của mình.
Anh tìm khắp thủ đô Kuala Lumpur và tìm được một cửa hàng bán món ăn Việt nhưng khẩu vị đã bị biến đổi. “Có lẽ mình phải làm”, Leng nghĩ. Nhưng ý định bỏ một công việc mang lại thu nhập cao để phiêu lưu cùng món ăn Việt của cậu con trai duy nhất trong gia đình có bảy chị gái đã vấp phải sự phản đối của cả nhà. Dù vậy Leng vẫn quyết tâm thực hiện dù biết con đường phía trước không trải hoa hồng...
Leng chia sẻ: “Khi mới bắt đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hoàn toàn không có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, càng không có nhiều kiến thức về ẩm thực Việt Nam”. Nhưng với nỗ lực và niềm đam mê, Leng đã quyết tâm theo đuổi giấc mơ của mình. Anh cất công sang Việt Nam tìm hiểu về ẩm thực Việt cũng như tìm kiếm đầu bếp người Việt đồng hành với mình. Bên cạnh đó, anh cũng thuyết phục người thân trong gia đình cùng anh góp vốn để cho ra nhà hàng đầu tiên mang tên Du Viet Restaurant vào năm 2002.
Góc Việt ở Malaysia
Bước vào những nhà hàng của Leng, người ta không chỉ thấy những cái tên món ăn bằng tiếng Việt quen thuộc trong thực đơn như banh hoi, cha gio, pho bo, banh xeo... mà còn có cả một không gian Việt. Mỗi năm Leng dành vài lần sang Việt Nam để đi Hà Nội, TP.HCM, Hội An... tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những món ăn của mỗi vùng miền Việt Nam với mục đích không ngừng cải thiện chất lượng chuỗi nhà hàng của mình.
Trong quán của Leng có những chiếc lồng đèn anh mang về từ Hội An, những bộ chén đĩa đặc biệt làm bằng tre nứa mang từ Hà Nội... Tôi tò mò hỏi anh về ý nghĩa những cái tên trong chuỗi nhà hàng của anh như Du Viet, La Lot, O’Viet và những giải thích của anh rất thú vị: “Du Viet có nghĩa là Let’s do Viet (Hãy ăn món ăn Việt Nam), La Lot chính là loại rau trong món bò lá lốt rất phổ biến tại Việt Nam...
Khi tiếp tôi, anh mang một loại nước uống đặc biệt ra mời. “Trà chanh sả đó. Tôi thích thú với loại cây này của đất nước bạn nên tự nghiên cứu và cho ra đời như một đặc sản của quán”, Leng tỏ ra thích thú. Trong số thức uống của quán, cà phê được chú trọng một cách đặc biệt vì anh cho rằng đây là thức uống đặc trưng của người Việt. Sản phẩm này có từ những buổi lê la cà phê bệt ở nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) hay ngồi quán Trung Nguyên để thưởng thức loại cà phê nổi tiếng này của Việt Nam.
Chính những trải nghiệm này đã giúp Leng giữ nguyên được hương vị cà phê và cách pha chế cà phê bằng phin của người Việt. Leng vẫn chưa thể nói tiếng Việt nhưng anh có thể phát âm chuẩn tên các món ăn Việt một cách trôi chảy.
Ở tuổi 35, anh vẫn không ngừng tìm hiểu về ẩm thực Việt để bổ sung cho thực đơn của nhà hàng. Giờ đây, tại những khu ẩm thực của nhiều trung tâm thương mại lớn ở Kuala Lumpur, bên cạnh những nhà hàng bán thức ăn Nhật, Trung, Ấn..., là những quán ăn Việt. Ẩm thực Việt đang được quảng bá tại Malaysia và người có công là Goh Chye Leng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận