29/03/2017 09:39 GMT+7

Chàng trai khiếm thính làm ông chủ tiệm cắt tóc

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Tiệm cắt tóc Á Đông của ông chủ 9X Văn Khắc Huấn nằm trên con phố Lê Lai sầm uất (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh).

Văn Khắc Huấn cắt tóc cho khách - Ảnh: Đức Hiếu
Văn Khắc Huấn cắt tóc cho khách - Ảnh: Đức Hiếu

Nằm trên con phố Lê Lai sầm uất, gần khu chợ Hạ Long II (P.Yết Kiêu, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) nhộn nhịp, tiệm cắt tóc Á Đông như một không gian khác lạ, tĩnh lặng và thanh bình. 

Một chiều mưa lạnh đầu tháng 3, đường phố Hạ Long rộn rã giờ tan tầm với còi xe ồn ã. Phía bên kia tấm kính của tiệm cắt tóc Á Đông, một chàng trai trẻ mặt hiền khô đang tỉ mỉ cắt tóc cho khách trong tiếng nhạc nhẹ.

Bén duyên nghề làm tóc

Vừa cắt, thỉnh thoảng anh vừa lấy tay làm dấu cho một bạn nam khác đang chăm chú đứng nhìn, học hỏi. Thợ cắt tóc đó là Văn Khắc Huấn. Sinh ra và lớn lên ở xã nghèo Quảng Thành (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), tuổi thơ Huấn cũng bình thường như bao đứa trẻ khác.

Nhưng sau một cơn bạo bệnh năm 2 tuổi, khả năng nghe nói của Huấn không còn; việc giao tiếp, học tập cũng không theo kịp được bạn bè cùng lứa. Gia đình đưa Huấn đi chạy chữa nhiều nơi mà không mang lại kết quả gì, đành gửi bạn vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh (tại TP Hạ Long) để theo học ngôn ngữ ký hiệu, học chữ.

“Huấn luôn thể hiện tư chất thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi khi ở tại trung tâm. Rồi một lần trường mời một số anh vào cắt tóc cho các con, tôi thấy Huấn đặc biệt chú ý, thích thú với công việc này.

Sau đó, Huấn cũng thử cắt tóc cho một số bạn ở trung tâm. Con cắt rất đẹp nên các mẹ cũng động viên con thử với nghề. Chúng tôi rất tự hào về con” - bà Mai Thị Lan, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, nhớ lại.

Nhận thấy khả năng của Huấn, ngay khi bạn vừa ra trường, “mẹ” Lan nhờ người kết nối, giới thiệu để con đến tiệm làm tóc Cọ cách đó mấy cây số học việc. Tuy việc giao tiếp, trao đổi rất khó khăn nhưng bằng sự chú tâm quan sát, bạn đã dần hiểu được “ngôn ngữ của tóc” từ người thầy.

“Anh Cọ thương mình lắm, cho ăn ngủ miễn phí. Anh bảo mình học nhanh, chăm chỉ nên mình càng cố gắng để làm theo sự chỉ bảo của anh” - Huấn nói. Hai năm sau, chàng trai trẻ tiếp tục xách balô vào Thanh Hóa học việc và cuối cùng là trở về Hà Nội theo học nhà tạo mẫu tóc Nguyễn Thái Thành - người cũng bị khiếm thính bẩm sinh như mình.

Ánh mắt tràn đầy niềm vui, Huấn gõ vội mấy dòng ra điện thoại đưa tôi xem: “Anh Thành cũng dạy mình nhiều, lại còn cấp học bổng để mình theo hết khóa học nữa. Mình hỏi gì anh cũng chia sẻ, từ đó nhen nhóm ước mơ tự mở cửa hàng cho mình”.

Gieo mầm ước mơ

Ước mơ của Huấn cứ lớn dần ngày qua ngày. Rồi bạn quyết định phải về quê hương lập nghiệp dù chặng đường sắp tới không ít chông gai. Ngày về, Huấn nâng niu mang theo hành trang là tấm giấy chứng nhận của salon tóc Thành Nguyễn.

Về quê, Huấn mở tiệm tóc Á Đông với hai bàn tay trắng và khoản vay 100 triệu đồng của bố. Nhà nghèo, bố chạy vạy mãi mới mượn được khoản tiền lớn như vậy nên trong lòng bạn lúc nào cũng canh cánh mối lo chưa biết có làm được việc không.

“Động viên mình, bố nói không sao đâu, con chịu khó là làm được. Ngày nào bố cũng nhắn hỏi tiệm có đông khách hay không. Được mọi người ủng hộ và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội nên khách đến ngày càng nhiều hơn trước. Mình đã gửi được cho bố một nửa số tiền vay rồi” - Huấn hào hứng cho biết.

Nói về quyết tâm mở hiệu chứ không đi làm thêm, Huấn quả quyết: “Có nhiều nơi muốn thuê mình làm nhưng mình muốn có cửa hàng riêng để giúp những bạn câm điếc học tập, có việc làm. Biết tin, các thầy cô trong trung tâm đến ủng hộ nhiều lắm”.

Biết đến Huấn, nhiều người bạn, người em đồng cảnh ngộ trong CLB người điếc Quảng Ninh đã liên lạc để theo học. Hiện nay, Huấn đang trực tiếp đứng lớp chỉ dạy cho bốn học viên câm điếc.

Học viên Phạm Trung Dũng chia sẻ: “Mình muốn học cắt tóc để sau này có thể có một việc làm ổn định, tự nuôi sống bản thân. Học ở đây mình thấy rất thoải mái, dễ hiểu. Anh Huấn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hết lòng chỉ bảo nên mình cảm nhận học nghề làm tóc rất thú vị”.

Ở cửa tiệm của Huấn có một người nghe nói bình thường, đó là Yến, bạn học cùng trung tâm và là người yêu của Huấn. Cảm thương ý chí và nghị lực của bạn trai, cô gái nhỏ đã đến làm cùng tại tiệm cắt tóc, đồng thời là phiên dịch viên cho những khách hàng đến đây.

“Tụi mình nói chuyện với nhau nhiều lắm. Dự định tương lai của cả hai trước mắt sẽ học thêm về trang điểm và cắt tóc để phát triển cửa hàng, giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn nữa” - Yến nói.

Dường như hiểu được lời nói của bạn gái, Huấn ngồi bên ra dấu đồng ý, cười hiền.

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên