03/09/2007 04:11 GMT+7

Chàng trai khiếm thị sửa đồ điện tử

ĐẮC LAM
ĐẮC LAM

TT - Người sáng mắt học sửa chữa điện đã khó, vậy mà Phan Văn Thu (28 tuổi, ở xóm 2, Đồng Bàu, xã miền núi Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) bị mù cả hai mắt, hành nghề chữa điện, điện tử.

2Rf831MK.jpgPhóng to

Với đôi tay "sáng", Thu đang sửa chiếc quạt trần cho người dân trong làng - Ảnh: ĐẮC LAM

TT - Người sáng mắt học sửa chữa điện đã khó, vậy mà Phan Văn Thu (28 tuổi, ở xóm 2, Đồng Bàu, xã miền núi Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) bị mù cả hai mắt, hành nghề chữa điện, điện tử.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Giữa trưa, khi tôi đến ngõ nhà của vợ chồng Thu - Trâm cũng là lúc bốn người dân trong xã xách quạt và máy bơm nước bị hỏng đến nhờ Thu sửa. Trong căn nhà cấp bốn chật chội bày đủ loại phụ tùng đồ điện và những chiếc quạt, tivi, cassette, máy bơm nước cũ. Thu ngồi, lưng ướt đẫm mồ hôi, tay lần mò tháo ốc vít để "khám bệnh" từng chiếc quạt, máy bơm nước hỏng.

Thu là con thứ chín, con út trong gia đình ông Phan Văn Đối. Ông Đối kể: "Lúc Thu lên 8 tuổi chưa có điều kiện đến trường thì mắt bắt đầu mờ đục dần. Sau gần một năm chạy chữa khắp nơi không kết quả, mắt Thu mù hẳn từ đấy".

Những lần đi dự đám cưới trong làng, Thu bỗng mê tiếng đàn ghita. Vậy là Thu tìm đến học cách đánh đàn. Chỉ sau một thời gian ngắn gia đình dồn tiền mua đàn ghita điện để Thu tự tập. Sau vài tháng, Thu đã đánh thành thạo các bản nhạc và vác đàn đi đánh thuê cho các đám cưới trong huyện. Với tài gảy đàn điêu luyện, Thu rất đắt "sô” trong mùa cưới ở huyện. Mê tiếng đàn trong trẻo, giọng hát ấm nồng của Thu trong những lần sinh hoạt Đoàn xã, năm 2005 cô gái Nguyễn Thị Trâm đã đem lòng yêu thương rồi kết duyên cùng Thu.

Phục vụ đám cưới thu nhập bấp bênh, mà lại đi về vất vả. Thu trằn trọc phải nghĩ ra nghề gì để nuôi sống cả gia đình. Rồi ý tưởng học nghề điện tử ra đời. Ban đầu Thu tháo bung chiếc radio bị hỏng ra sửa chữa. Đến những chiếc quạt bị cháy, Thu tháo ra lần mò quấn lại môtơ. Những lúc rảnh rỗi lại tìm đến các tiệm sửa chữa điện tử trong xã hỏi và "học mót" cách chữa. Nhiều lần sửa không được vì đôi mắt không thấy những ốc vít, đường mạch nhỏ, Thu gục khóc, nhưng rồi lại quyết tâm học tiếp.

"Thú thật để sửa thành công, tôi đã làm hỏng nhiều chiếc đài, quạt, tivi và môtơ điện. Đôi tay lần mò bị điện giật nhiều rồi quen và có kinh nghiệm phòng tránh hơn. Người thợ mắt sáng thường dùng đồng hồ, ampe kế đo, còn tôi sửa theo phương pháp tháo ra "khám", chẩn đoán bệnh máy hỏng như... bác sĩ. Nhưng "khám" và sửa chuẩn xác đúng bệnh mới lấy được uy tín và mới có khách hàng. Tivi hỏng bộ nguồn, bóng đèn hình và một số cái đơn giản thì tự tay tôi sửa chữa thay thế được, chứ hỏng trong bộ mạch mắt tôi không thấy nên không dám sửa".

Ông Bùi Trọng Long - phó chủ tịch UBND xã Mã Thành - mang quạt điện bị cháy đến sửa nói: "Ban đầu chúng tôi không tin là Thu bị mù cả hai mắt lại sửa được đồ điện, nhưng sau những lần đem đồ bị hỏng đến sửa nay chúng tôi đã tin tưởng hoàn toàn. Thương hiệu "Thu mù chuyên điện tử" đã lan ra khắp huyện. Gia đình vợ chồng Thu sống đầm ấm hạnh phúc".

Trung bình mỗi ngày Thu sửa được ba chiếc quạt và quấn lại môtơ máy bơm nước. Mỗi chiếc quạt Thu lấy tiền công 5.000 đồng, quấn lại chiếc máy bơm nước bị cháy 10.000 đồng. Những người dân nghèo trong xóm không có tiền trả, được miễn phí tiền công, còn đồ phụ tùng thay thế cho nợ đến mùa trả bằng lúa.

ĐẮC LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên