Phóng to |
Phan Thanh Nhiên (phải) và huấn luyện viên tại SEA Games 26 |
Đây là môn thể thao mới ở nước ta nên điều kiện tập luyện rất ít, Nhiên đã cố gắng rất nhiều để đạt được những “thành quả vàng” như hôm nay.
Vượt qua nghèo khó
Sinh năm 1985, Nhiên là em út trong một gia đình sống bằng nghề nông tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ nhỏ, Nhiên đã rất đam mê thể thao nhưng do gia đình nghèo không có điều kiện tham gia các chương trình đào tạo chuyên nghiệp nên anh chỉ học võ ở trường làng. Nhiên kể: “Năm lớp 1, tôi mê phim Tây du ký. Thấy Tôn Ngộ Không bay nhảy hay quá, tôi cũng bắt chước leo lên cây nhảy xuống và... bị gãy tay.
Dù vẫn đam mê chinh phục độ cao nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ có ngày mình được tham dự những giải thể thao có tầm vóc quốc tế”. Nhà có tới năm anh chị em đang tuổi ăn, tuổi học nên một buổi đến trường, một buổi Nhiên phải phụ cha mẹ làm rẫy, mò cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn. Lớn một chút, Nhiên đi làm thuê, cạo mủ cao su... nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê thể thao. Năm 2005, Nhiên chính thức trở thành sinh viên Trường đại học Thể dục - thể thao TP.HCM. Sau đó, Nhiên làm đủ thứ nghề, từ chạy bàn đám cưới, phát tờ rơi đến dạy thể hình, thể dục thẩm mỹ để có tiền ở trọ, ăn học.
Năm 2007, khi Đài truyền hình TP.HCM phối hợp với Công ty Lasta tổ chức cuộc thi “Chinh phục đỉnh Everest”, Nhiên đã vượt qua hơn 3.000 thí sinh để có tên trong danh sách 12 VĐV đi tập huấn tại Phanxipăng (Sa Pa, Việt Nam). Sau đó là các đợt tập huấn dài ngày tại Kinabalu (Malaysia), Kilimanjaro (Tanzania - châu Phi). Nhiên lại tiếp tục có tên trong danh sách bốn VĐV cuối cùng tiếp tục chinh phục đỉnh Everest. đỉnh Everest là nơi từng chôn vùi hàng trăm VĐV leo núi chuyên nghiệp trong tuyết nhưng Nhiên và các đồng đội vẫn dũng cảm đặt những bước chân đầu tiên lên đất Nepal. Ngày 22-5-2008, Nhiên đã cùng các đồng đội cắm lá cờ Việt Nam trên đỉnh “Nóc nhà thế giới”.
Khi đó Nhiên là người khóc nhiều nhất vì nghĩ đến mẹ đang ở nhà ngày đêm lo lắng. Nhắc đến mẹ, Nhiên vui vẻ: “Lớp 8, tôi còn ngủ với mẹ cơ mà. Mẹ cưng tôi lắm nên khi về xin mẹ đi leo núi, mẹ khóc rất nhiều và không cho đi, nên những lần đi tập huấn ở Phanxipăng, Kilimanjaro, Island Peak... tôi đều lẳng lặng đi mà không dám báo cho mẹ biết. Khi báo đài đưa tin, mẹ biết và ngày nào cũng khóc ròng vì lo lắng. Giờ thì mẹ đã rất tự hào về tôi”. Trở về từ cuộc thi này, Nhiên không chỉ sống trong ánh hào quang mà luôn quan tâm đến các hoạt động xã hội. Anh tham gia nhiều chương trình từ thiện ở các trung tâm, giúp đỡ người già neo đơn, trẻ khuyết tật, chương trình “Áo ấm mùa đông” của trường... Năm 2010, Nhiên tham gia Cuộc thi lên đỉnh Phanxipăng cắm cờ Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi, đoạt giải nhì đồng đội.
Vừa làm du lịch, vừa... leo tường
Tốt nghiệp Trường đại học Thể dục - thể thao TP.HCM, Nhiên về đầu quân cho Công ty du lịch Vietravel. Tuy vậy, máu thể thao, đặc biệt là niềm đam mê với môn leo núi trong Nhiên không thể bỏ được. Vì thế khi nghe tin nước chủ nhà SEA Games 26 Indonesia đưa leo tường (có những đặc điểm giống với leo núi) vào môn thi, Nhiên đã quyết tâm tham dự. Ròng rã mấy tháng trời, cứ đến chiều sau khi xong hết công việc ở công ty, Nhiên lại đến tập luyện tại CLB leo núi X-rock Climbing ở Trung tâm Phan Đình Phùng (TP.HCM).
Do ở Việt Nam không có nội dung speed track nên trước khi thi đấu, Nhiên chỉ có hai buổi làm quen với bức tường mà anh sẽ tranh tài ở Indonesia. Nhiên giành chiếc huy chương bạc khi chỉ thua sát nút vận động viên nước chủ nhà Abudzar Yulianto trong trận chung kết. Ở Indonesia, ngay cả trường học cũng được trang bị những bức tường núi như vậy. Tại Việt Nam, đây chỉ là một môn thể thao tập luyện thể lực đơn thuần theo sở thích. Theo Nhiên: “Môn leo tường thì trăm hay không bằng tay quen, mà mình thì lại không có được điều kiện đó”.
Với hai bàn tay đầy sẹo và chai sần, Nhiên “bật mí”: “Chơi leo tường là phải chấp nhận điều này. Tường được làm bằng nhựa cứng và gờ luôn được làm rất nhám để bám vào. Khi mình dùng sức đưa thân người tiến lên rất dễ bị chảy máu. Nhưng tôi đã quen với điều này và sẵn sàng chịu đựng để thỏa niềm đam mê”. Một điều rất vui về VĐV này chính là biệt danh “A Quắn”, nghe rất giống người nước ngoài nhưng thật ra đó là cái tên rất thuần Việt, nói lái của việc “ăn quá”. Trong đội, Nhiên nổi tiếng ăn khỏe, còn nhớ chỉ trong một lần ăn điểm tâm, anh đã ăn hết năm ổ bánh mì, bốn trứng gà cùng một số phômai, sữa, trái cây... Nhờ thế, Nhiên là một trong những VĐV có thể lực rất tốt. Hiện tại với vai trò một nhân viên du lịch nhưng Nhiên vẫn theo đuổi niềm đam mê và luôn mong muốn trong tương lai sẽ có cơ hội khẳng định mình, đặc biệt là kiên trì tập luyện leo núi, leo tường để tìm kiếm chiếc huy chương vàng tại SEA games 27.
|
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận