24/10/2022 10:30 GMT+7

Chàng trai 'chim cánh cụt' truyền nghị lực sống

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Với hai mỏm cụt còn lại, Phúc tự làm các công đoạn, lắp đặt sản phẩm, đóng gói, gửi hàng và quay clip truyền cảm hứng trên mạng xã hội.

Chàng trai chim cánh cụt truyền nghị lực sống - Ảnh 1.

Mất hai cánh tay sau vụ nổ bình oxy nhưng Dương Hữu Phúc đã vượt qua biến cố, nỗ lực làm việc để vui sống mỗi ngày - Ảnh: NVCC

Cảm ơn mọi người đã luôn ủng hộ để mẹ con mình có thêm thu nhập chi trả chi phí sinh hoạt hằng ngày và mình có tiền thang thuốc cho mẹ, chi trả học phí.

DƯƠNG HỮU PHÚC

Từ ngày sử dụng TikTok, chàng trai "chim cánh cụt" bán được hàng khá hơn, gặp được nhiều bạn mới từ khắp nơi.

Hơn tám năm trước, Dương Hữu Phúc (27 tuổi), quê Lạng Sơn, mất cả hai cánh tay trong một vụ nổ bình oxy. Lúc ấy, Phúc tự hỏi: "Cuộc sống sau này sẽ ra sao?". Nghĩ đến mẹ, anh gượng dậy vượt qua biến cố cuộc đời vì còn là trụ cột chính trong nhà.

"Chẳng qua bị mất hai tay thôi mà"

Ở phố đi bộ Hoàn Kiếm (Hà Nội), du khách ấn tượng với chàng trai "chim cánh cụt" đon đả mời khách: "Mời cô chú anh chị mua chú lợn con". Vẫn kiểu cười híp mắt, giọng nói ấm áp mà nhiều người đã gặp anh trên TikTok với những video truyền cảm hứng. 

Với đôi tay "chim cánh cụt", Phúc tự làm mọi thứ, quay video bán hàng, tự đóng gói sản phẩm, rồi gửi hàng cho khách.

"Từ khi kinh doanh online, làm kênh TikTok, tôi và mẹ không phải chịu mưa chịu nắng nữa. Đơn hàng đến, mình đóng gói, chuyển cho đơn vị vận chuyển gửi đi. Nhiều người ủng hộ, nhờ đó thu nhập cũng tốt hơn khi bán hàng ở ngoài đường" - Phúc chia sẻ.

Bạn chọn bán những chú heo con, cún con, giá khi bán online có thấp hơn chút nhưng được cái nhận được nhiều đơn hàng hơn. Vui nhất từ ngày bán hàng online có lẽ là gặp thêm nhiều bạn mới, nhiều khách hàng mới ở khắp mọi miền. 

Phúc cười: "Trên TikTok, nhiều bạn nói nếu gặp hoàn cảnh như tôi có lẽ sẽ không vượt qua được. Nhưng tôi lại động viên các bạn mạnh mẽ, cố gắng lên trong cuộc sống. Chẳng qua chỉ bị mất hai tay thôi mà".

Chia sẻ với người khác cũng là động lực để Phúc cố gắng mỗi ngày, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và làm ra những video truyền cảm hứng. 

"Có mất mát điều gì mình vẫn phải sống nên càng phải cố gắng để quen với nó hằng ngày. Mất đôi tay nhưng mình vẫn còn đôi chân, vẫn có thể làm ra tiền để hỗ trợ cho mẹ nên tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác rất nhiều" - Phúc giãi bày.

Trở thành trụ cột

Trong cuộc trò chuyện, chàng trai ấy hay lắc lư hai mỏm cụt còn lại với nụ cười tươi khiến người đối diện cũng thấy vui lây. Nhưng hành trình đằng đẵng hơn tám năm qua của Phúc và mẹ chẳng dễ dàng gì.

Sau tai nạn là chuỗi ngày ra vào viện. Mỏm tay phải phải cắt đến lần thứ tư, mỏm tay trái thì hai lần, Phúc mới làm quen với việc không còn đôi tay lành lặn. 

"Mới đầu, tôi nghĩ chắc mình đang mơ, còn đưa tay lên cắn thử xem có đau không, đau quá mới biết mình không còn tay nữa. Tôi từng tự hỏi: "Cắt tay rồi, cuộc sống sau này sẽ ra sao?". Tôi lo lắng cho tương lai, và nghĩ đến mẹ mà tôi vực dậy sống tiếp" - Phúc bộc bạch.

Từ bệnh viện trở về, Phúc nỗ lực tự học, tự làm việc với phần mỏm cụt còn lại, từ việc chủ động ăn uống, vệ sinh cá nhân cho đến tập làm quen lại với cầm bút. Niềm vui tìm lại trên gương mặt chàng trai trẻ khi nhận tin đỗ đại học, chuyên ngành thiết kế nội thất của Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.

Một tháng sau, hai mẹ con khăn gói rời Lạng Sơn xuống Hà Nội theo đuổi con đường học tập. Trên giảng đường đại học, với hai mỏm cụt còn lại, Phúc cũng chủ động trong việc học, tự vẽ và sử dụng thành thạo máy tính để thiết kế khiến không ít bạn bè thán phục.

Hạnh phúc mỉm cười khi sau năm năm, Phúc bảo vệ đồ án tốt nghiệp và được nhận vào làm tại một công ty thiết kế nội thất. Tuy nhiên, ngay đúng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, công việc gặp khó khiến cuộc sống hai mẹ con ở thủ đô rất vất vả. Phúc quyết định dừng việc thiết kế, tập trung vào công việc bán hàng để nuôi gia đình.

Lựa chọn mới, công việc không còn bay bổng và tự do nhưng đổi lại giúp hai mẹ con có thu nhập ổn định. Phúc tự nhận có nhiều thời gian ở bên chăm sóc cho mẹ đang bệnh tật. 

"Nói là ổn định vì bán hàng giúp mình đủ trả tiền nhà, ăn uống, thuốc thang cho mẹ, chứ không có dư. Ước mong lớn nhất là có được ngôi nhà để hai mẹ con không còn cảnh ở trọ nữa. Tôi đang cố gắng làm việc, tích cóp để có thể xây được cho mẹ căn nhà ở quê" - Phúc mong ước.

Ngoài đam mê bán hàng, sáng tạo nội dung trên TikTok, mạng xã hội, hiện Hữu Phúc còn thử sức mình với bộ môn nhiếp ảnh. Được một người bạn hướng dẫn, Phúc đã học hỏi, tìm hiểu về chụp ảnh, tự mua máy ảnh và chụp những bộ ảnh nghệ thuật cho bạn bè mình.

Nghị lực vào đời tuổi 18 Nghị lực vào đời tuổi 18

TTO - Cơn bão Chanchu năm 2006 đã cướp đi người cha yêu dấu khi Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - 18 tuổi, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam - mới chỉ 3 tuổi. Nhiều năm qua, người mẹ tảo tần làm đủ thứ nghề để kiếm tiền nuôi hai anh em ăn học.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên