TTO - Tờ mờ sáng, Đức trở mình, tiếng ống thở lại kêu roèn roẹt vì cơn ho chưa dứt. Chị Thuần, mẹ Đức, nhanh tay xoa ngực con, vệ sinh ống thở, thay khăn giấy, cho con uống nước, tháo vát như một y tá lành nghề. Những việc đó chị đã làm đi làm lại suốt hơn 300 ngày.

Ngày thứ 3 (tính từ 18-10), mẹ con Nguyễn Văn Đức, 18 tuổi, trở về nhà ở Thanh Miện, Hải Dương. Cả ngày chị Nguyễn Thị Thuần tất bật chăm con: cho Đức ăn, tập phục hồi chức năng, trò chuyện, tâm sự với chàng trai trẻ dù Đức vẫn đang đặt nội khí quản, chưa tự thở, chưa nói được.

Mẹ con Đức sẽ còn phải trở lại bệnh viện để tái khám, nhưng lúc này Đức và mẹ có nhà, có quê hương, có những lúc gia đình ở bên nhau. Điều này, trước đó, nhiều lúc chị Thuần không dám mơ tới.

Cho con ăn, cho con uống, xoa bóp chân tay cho con - những việc chị Thuần đã làm đi làm lại trong suốt hơn 10 tháng qua - Ảnh: MAI THƯƠNG

Trước khi phẫu thuật, Đức đã có 5 năm chống chọi với căn bệnh mô bào, sự sống chỉ tính bằng phút bằng giây. Trước ca mổ ghép phổi, Đức chỉ nặng 25kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) chỉ trên 18, thuộc dạng suy kiệt. 

Còn trong hơn 300 ngày nằm trong khu vực hồi sức tích cực của Bệnh viện Việt Đức, có lần hai mẹ con phải cách ly gần 2 tháng.

Chàng trai 18 tuổi nặng 25kg và hơn 300 ngày giành sự sống - Ảnh 2.

Đức trải qua ca đại phẫu ghép phổi từ người hiến chết não vào ngày 12-12-2018. Tình thế lúc đó của Đức rất nguy kịch: phổi hỏng gần như toàn bộ, thanh niên 17 tuổi chỉ nặng 25kg, không còn giải pháp nào khác ngoài ghép phổi.

Đã có những người bệnh cần ghép phổi như Đức, nhưng phải chờ cả năm không có người hiến, và bệnh nhân đã qua đời. Có trường hợp khi có người hiến phổi thì người cần ghép lại được đưa vào viện trong tình trạng suy hô hấp, không thực hiện được ca ghép.

"Ca bệnh của Đức cũng là một thử thách đối với bệnh nhân và êkíp gần 500 người - thử thách chạy đua với thời gian, với tử thần để giành lại sự sống", PGS-TS Nguyễn Hữu Ước - giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, người chủ trì ca ghép cho Nguyễn Văn Đức, chia sẻ.

Chàng trai 18 tuổi nặng 25kg và hơn 300 ngày giành sự sống - Ảnh 3.

Để có ca ghép này, xin kể về một người đặc biệt nữa, người đã hiến tặng cho Đức hai lá phổi, và cho những người bệnh khác đang chờ trái tim, lá gan, quả thận. Anh ấy là Dương Hồng Quý, khi qua đời, anh ấy 43 tuổi.

Đang rất khoẻ mạnh, tháng 11-2018, anh Quý đột nhiên thấy mệt, đi khám và được chẩn đoán dị dạng mạch máu não, mạch cứ vỡ ra không nút lại được, nút chỗ này lại phình chỗ khác. Anh biết mình không sống được nhưng vẫn động viên mọi người. Anh bảo bệnh của mình là do lỗi của... nhà sản xuất và quay ra "bắt đền" mẹ.

"Anh gọi mọi người trong gia đình đến trao đổi về nguyện vọng hiến tạng. Ban đầu vợ anh át đi, không đồng ý. Nhưng khi anh hôn mê sâu và rơi vào trạng thái chết não, gia đình đã quyết định hiến tạng của anh để cứu những người bệnh đang chờ", ông Nguyễn Hoàng Phúc - phó giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia - bùi ngùi kể.

Và khi ghép nối các chỉ số chờ ghép với người hiến, phổi của anh Quý phù hợp để ghép cho cậu bé Đức đang vật vã bởi căn bệnh hiểm nghèo.

Các bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức cũng đã rất tuyệt vời khi quyết định thực hiện ca ghép phổi thứ 3 tại Việt Nam, nhưng là ca đầu tiên được tiến hành với êkíp hoàn toàn là các bác sĩ Việt Nam.

Ngày 12-12-2018, ngày anh Quý tạm biệt cõi đời, cũng là ngày Đức được hồi sinh, sau ca ghép kéo dài khoảng 17 giờ đồng hồ.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm và động viên Đức, trò chuyện với chị Thuần (áo trắng) sau ca ghép - Ảnh: Bệnh viện Việt Đức cung cấp

Nhưng trước khi có ngày hội ngộ thật sự trong tháng 10 này ở quê nhà, là 10 tháng - hơn 300 ngày - đằng đẵng trong khu vực hồi sức tích cực. Đức là bệnh nhân nằm ở khu vực này lâu nhất. Khoảng thời gian dài nhất chị Thuần không được gặp mặt con trai lên tới gần 2 tháng vì Đức phải cách ly.

"Có những lần con mệt, gia đình nghĩ hết hy vọng, con đòi về, bác sĩ động viên, mẹ con lại cố gắng. Lúc cách ly, Đức nhắn tin cho mẹ: ‘Mẹ ơi con nhớ mẹ lắm, đã bao nhiêu ngày con không được gặp mẹ, mẹ cố gắng có sức để hai mẹ con mình cùng cố gắng’", chị Thuần kể.

Chàng trai 18 tuổi nặng 25kg và hơn 300 ngày giành sự sống - Ảnh 5.

Vài ngày sau ca ghép phổi, có một sự kiện đặc biệt - cuộc gặp với vợ anh Dương Hồng Quý và con trai thứ 2 của anh, cùng những anh chị em ruột thịt của anh Quý ở Ninh Bình.

Vợ anh Quý chưa hết vẻ bàng hoàng, chị vừa trải qua một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Nhưng chị không quên có một người đang ở Bệnh viện Việt Đức, nơi anh Quý ra đi, cũng đang ở một bước ngoặt. Chị và gia đình quyết định lên Hà Nội thăm Đức.

Quy định hiện hành không cho kết nối giữa người cho và người nhận tạng. Nhưng ca ghép này quá đặc biệt khiến 2 gia đình biết nhau qua báo chí. Đến thăm Đức ở bệnh viện, gia đình anh Quý "quà" cho Đức một khoản tiền mong em mau lành bệnh.

Chị Thuần bối rối lắm, không biết "đáp lễ" thế nào cho gia đình người đại ân nhân đã tặng Đức sự sống. Chị nghèo, nhưng có tấm lòng. Cuối cùng chị quyết định tặng gia đình anh Quý 2 cân giò lụa đặc sản quê nhà Hải Dương.

Đức luôn có mẹ Thuần bên cạnh trong cuộc chiến lớn của đời mình - Ảnh: MAI THƯƠNG

Ít người biết đằng sau ca ghép thành công này còn là kỳ công của ca mổ, từ lúc phẫu thuật cho đến từng ngày chăm sóc hậu phẫu. Vì lá phổi của anh Quý, một người đang tuổi tráng niên vốn rất khỏe mạnh, quá lớn so với lồng ngực của cậu bé gày gò khi ấy mới 17 tuổi.

Phải 2 ngày sau ghép, các bác sĩ mới có thể đóng kín lồng ngực lại cho Đức. Sau đó là những tháng ngày rất nỗ lực: Cứ uống thuốc chống thải ghép thì Đức bị suy gan, vừa uống thuốc vừa lọc gan, sau này thêm lọc máu, rồi đến giai đoạn Đức bị suy đa tạng… Cứ 2-3 tháng lại cấp cứu 1 lần, cách đây 1 tháng cũng vừa phải cấp cứu.

Nhưng rồi nỗ lực của các bác sĩ và khát vọng sống của bản thân Đức đã được đền đáp. Ngày 18-10, Đức được ra viện.

Chàng trai 18 tuổi nặng 25kg và hơn 300 ngày giành sự sống - Ảnh 7.

Thứ 4 vừa rồi, mẹ con Đức lại trở lại Bệnh viện Việt Đức. Đang tuổi "bẻ gãy sừng trâu" nhưng Đức hầu như chỉ nằm được vì cậu vẫn đang phải nhờ thiết bị hỗ trợ thở. Những ngày nằm viện dài đằng đẵng trước đó, có lúc Đức bị lở loét.

"Lúc đang điều trị, Đức đau quá chỉ muốn về nhà, kêu mẹ là con không chịu nổi nữa, lúc đó vừa khóc vừa thương con nhưng không biết làm gì. Phải mạnh mẽ động viên con tiếp tục điều trị, về nhà với tình trạng khỏe mạnh nhất chứ còn ốm yếu thì chưa về được.

Còn một chút hy vọng thôi cũng phải cố gắng, không được bỏ cuộc. Những lúc như thế, mình phải mạnh mẽ làm chỗ dựa cho con, nếu thương con mà cho con về chấp nhận bỏ cuộc thì sẽ mất con ngay", chị Thuần nói.

"Thời điểm chăm con khổ nhất là lúc Đức yếu đi, việc đi lại, vệ sinh cũng khó khăn hơn. Thời gian đầu mẹ chưa quen sử dụng các dụng cụ y tế, nhưng dần rồi quen hơn, 10 tháng ở cùng con trong bệnh viện, mẹ cũng có kinh nghiệm hơn để giúp con được điều trị tốt nhất".

Chàng trai 18 tuổi nặng 25kg và hơn 300 ngày giành sự sống - Ảnh 8.

Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, chi phí của những ca ghép như thế này phải lên đến 1,5 tỉ đồng. Gia đình Đức ở Thanh Miện, Hải Dương, rất nghèo, không thể cáng được con số khổng lồ ấy.

Viện phí cho ca ghép này là đóng góp của rất nhiều nhà hảo tâm. Gia đình chỉ mới đóng khoảng 12 triệu đồng, nhưng bệnh viện đã trả lại khi Đức ra viện, như một phần quà tặng mong em chóng bình phục.

Việt Nam thực hiện ca ghép thận đầu tiên năm 1992. Sau 27 năm tiến hành kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện thành công 3.200 ca ghép thận, 105 ca ghép gan, 27 ca ghép tim, 1 ca ghép tim và thận, 1 ca ghép tim và phổi, trong đó riêng Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thực hiện 756 ca ghép tạng, phần lớn các ca ghép tim và 2 trong số 4 ca ghép phổi.


LAN ANH - MAI THƯƠNG
MAI THƯƠNG - BV Việt Đức cung cấp
KIỀU NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên