19/09/2017 09:48 GMT+7

Chàng thư sinh nói cả ngày không hết chuyện con trùn

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Từ công việc hiện tại đến dự định tương lai của Vương "trùn quế" đều gắn với loài giun nhỏ xíu, đỏ hỏn mà anh tin là có thể đem lại "cuộc cách mạng cho nông nghiệp".

Chàng thư sinh nói cả ngày không hết chuyện con trùn - Ảnh 1.

Vương "trùn quế" đang kiểm tra mẻ trùn tại một trại nuôi trùn ở Củ Chi - Ảnh: VŨ THỦY

Vương "trùn quế" là biệt danh của Lê Minh Vương (25 tuổi, quê Bình Thuận) - một anh chàng có vẻ ngoài thư sinh, suốt ngày quanh quẩn trong những trang trại đầy phân bò và những con trùn đỏ.

Con trùn quá sức kỳ diệu!

Trong một trại trùn ở Củ Chi, Vương đang lụi hụi kiểm tra hai dãy chuồng chạy dài dưới tán cao su. Xới một vốc đất mùn và phân bò khô đưa gần lên mũi ngửi chẳng chút e ngại, Vương giải thích về những con trùn đỏ bé tí đang xoắn vào nhau thành búi trong lòng bàn tay mình:

"Phân bò khi trùn ăn và thải ra sẽ không có mùi. Nếu còn mùi là trùn ăn chưa kỹ, mẻ trùn chưa đạt. Trùn sẽ tập trung ăn ở những chỗ có tưới phân bò, những chỗ khác chỉ có phân trùn. Người ta thu hoạch cả trùn và phân trùn để làm phân bón trồng trọt và thức ăn chăn nuôi".

Chuyện về trùn của Vương cứ dài mãi: trùn có thể ăn rác hữu cơ, phân gia súc, bùn thải… rồi biến đổi thành thức ăn hữu cơ sạch nuôi tôm, cá, để trồng trọt. Trùn quế sạch còn có thể là thực phẩm bổ dưỡng cho con người, bào chế thành dược phẩm, mỹ phẩm vì có nhiều loại axit amin, vitamin, enzyme quý…

Vương dường như không dứt ra được vì những lợi ích mà trùn quế mang lại cho nông nghiệp "có nói cả ngày cũng không hết".

Chàng thư sinh nói cả ngày không hết chuyện con trùn - Ảnh 2.

Những bó trùn ngoe nguẩy trong tay Vương - Ảnh: VŨ THỦY

Đang làm ở một bộ phận nghiên cứu về trùn quế ở một công ty chuyên phân phối các chế phẩm phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công việc của Vương là cả ngày loanh quanh trong những trại trùn ở Củ Chi, kiểm tra, thu mua về phòng thí nghiệm để nghiên cứu tạo ra những sản phẩm mới. 

"Tìm hiểu mới thấy con trùn quá sức kỳ diệu, càng biết càng thích. Nó sẽ là cứu tinh cho môi trường, cho nông nghiệp", Vương khẳng định.

Học đại học để ra bốc phân

Hiện Vương đang nghiên cứu sản xuất dịch trùn cho chăn nuôi, phân trùn cho lúa, sản xuất trùn quế từ nguồn thức ăn là hoa thanh long - loại hoa nông dân thường cắt bỏ, làm "trà trùn" để kích thích lúa nảy mẩm nhanh, làm viên nén từ phân trùn để làm giá thể trồng hoa lan, sản phẩm thủy phân từ trùn quế để phun cho cây trồng tăng khả năng kháng bệnh…

"Học đại học 4 năm đâu nghĩ có lúc suốt ngày bốc phân như thế này", Vương hài hước nói về công việc của mình. "Nhưng tôi sẽ theo con trùn quế dài dài".

Chàng thư sinh nói cả ngày không hết chuyện con trùn - Ảnh 3.

Vương đưa nhiều bạn trẻ đến tham quan trang trại để cùng lan tỏa "giấc mơ trùn quế" - Ảnh: VŨ THỦY

Vương bảo vẫn đang đi từng bước nhỏ trên con đường của mình, ấp ủ cho một thời điểm "đủ độ chín để bung" - đó là xây dựng những quy trình sản xuất trùn quế với giá thành thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vì "giá trùn quế giờ còn đắt quá, nông dân chưa tiếp cận được".

Tất cả những gì nhặt nhạnh được từ những ngày lăn lội trong các trại trùn, những nghiên cứu, thực nghiệm… được Vương viết thành những cẩm nang nhỏ, in thành sách tặng miễn phí cho mọi người.

Gần như mọi dự án tương lai của Vương đều gắn với trùn: nuôi trùn quế từ phế thải, bùn cặn hầm biogas, phân heo, phân bò, phân tôm… vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa làm sạch môi trường, đồng thời nghiên cứu sản xuất các chế phẩm từ phân trùn, thịt trùn… để tối ưu hóa lợi ích từ trùn.

Tôi đang cố gắng làm một ngọn lửa nho nhỏ, đủ sức thì đốt một đống rơm, lan mạnh hơn nữa thì đốt một cánh đồng.

Lê Minh Vương

Tour trùn quế

Sáng cuối tuần, chiếc xe 45 chỗ đưa mọi người tới thăm một trại mà theo Vương là "nuôi trùn có tâm". Các ngày trong tuần của Vương trôi qua lặng lẽ trong những trại trùn, phòng thí nghiệm ở Củ Chi nhưng những ngày cuối tuần lại rất sôi nổi với các tour tham quan trại trùn mà anh tự đứng ra tổ chức.

Võ Văn Phương (28 tuổi) từ Cà Mau lặn lội lên Sài Gòn tham gia tour, nói ở quê mình người dân nuôi tôm nhiều, phân tôm và bùn ao tôm gây ô nhiễm môi trường. Phương muốn bàn với Vương khả năng nuôi trùn từ nguồn phân, bùn này.

Cô Lưu (61 tuổi) thì đến từ Bảo Lộc (Lâm Đồng). Cô muốn học cách nuôi trùn quế để tận dụng phân từ đàn bò 10 con của gia đình và dùng phân trùn bón cho vườn cà phê.

Vương dẫn các cô chú, các bạn đi thăm trại trùn, giải thích cặn kẽ cách làm chuồng, chăm sóc, cho ăn, thu hoạch...

Chàng thư sinh nói cả ngày không hết chuyện con trùn - Ảnh 6.

Một bạn trẻ tham gia tour của Vương trực tiếp tìm hiểu cách phủ bạt, dẫn ống tưới nhỏ giọt cho vườn cà tím - Ảnh: VŨ THỦY

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên