Minh Quân, sinh viên năm nhất khoa báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NVCC
Sử - địa: Không nên học thuộc lòng
Minh Quân cho biết với môn lịch sử, Quân thường vẽ ra sơ đồ theo hình dọc từng mốc sự kiện để có thể dễ dàng xâu chuỗi kiến thức lại với nhau, kết nối các bài riêng biệt thành một câu chuyện dài hoàn chỉnh.
Theo Minh Quân, trong đề sẽ luôn có những câu so sánh mở rộng đòi hỏi học sinh phải có khả năng lập luận và tư duy logic, nếu chỉ học thuộc toàn bộ sách giáo khoa mà không có sự kết nối sẽ rất khó để làm tốt.
"Ngoài vẽ sơ đồ, mình cũng thường vẽ hình ảnh, chẳng hạn như nếu nói đến chiến binh khăn rằn, mình sẽ vẽ ra hình ảnh người phụ nữ đang mang khăn rằn. Mình nghĩ đây là một "tip" khá hữu ích cho các bạn cũng không giỏi học thuộc lòng giống như mình để có thể dễ dàng nắm kiến thức hơn" - Quân chia sẻ.
Với môn địa lý, Minh Quân tiết lộ bản thân thuộc cả quyển Atlat để khi vào phòng thi không cần mất thời gian dò mục lục. Các phần khó liên quan đến địa lý kinh tế, địa lý dân cư thì bắt buộc phải học và giải đề rất nhiều để nhận diện các câu bẫy.
Giáo dục công dân là môn thi trong khối khoa học xã hội mà Minh Quân ôn thi "nhẹ nhàng" nhất. Chàng thủ khoa khối C chia sẻ chỉ cần nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa để làm bài thi môn này.
Minh Quân nhắn gửi: "Với các bạn không có điều kiện đi học thêm, hãy tận dụng mạng xã hội để tham gia các buổi livestream giải đề và có thêm kiến thức từ các thầy cô khác. Bản thân mình cũng lấy đề từ các nhóm giải đề trên Facebook để làm thêm. Tuy nhiên, cần chọn những bộ đề sát với đề thi mẫu đã được công bố và không có những câu gây tranh cãi".
Viết nhật ký trước ngày thi
Thí sinh làm thủ tục kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Vào những ngày gần thi, Minh Quân tập trung vào việc đọc lại những điều đã ghi chép từ những lần giải đề sai trong quyển sổ tay của mình với từng môn, thay vì ép bản thân tiếp tục nhồi kiến thức.
"5 ngày trước thi, mình in ra 3 bộ đề của 3 năm trước và canh thời gian làm như một lần thi thật, mình cũng kết hợp song song với việc đọc lại những điểm mình chưa rõ, chứ không học nhiều nữa để tránh việc bị rối đường dây kiến thức mình đã xây dựng" - Quân nói.
Minh Quân cũng cho rằng nhiều bạn thường có thói quen thức khuya để học bài, nhưng trong giai đoạn này, giấc ngủ cực kỳ quan trọng vì nếu không ngủ đủ thì sẽ không đủ tỉnh táo để làm tốt khi bước vào kỳ thi: "Những ngày gần thi, mình ăn uống rất lành mạnh và vẫn duy trì thói quen dậy từ 6h sáng để ăn sáng, rồi học bài đến chiều thay vì đợi đến tối mới ôn bài".
Quân bật mí: "Đêm cuối, mình ra quán nước rồi ngồi bình tâm viết nhật ký, mình viết ra những điều làm mình sợ để cảm giác như mình đã trải qua nó rồi và không sợ nữa, mình cũng viết ra cả những động lực và tự đặt mục tiêu về điểm số trong khả năng của mình".
Nghỉ ngơi đầy đủ
Chia sẻ về việc phân bổ thời gian trong phòng thi, Quân cho biết thay vì làm theo lời khuyên "câu dễ làm trước, câu khó làm sau", Quân chọn làm theo cách câu bản thân chắc chắn thì khoanh trước. Câu còn phân vân thì ghi ra giấy nháp để tránh sai sót, nếu đó là câu dễ nhưng bản thân chợt quên mất đáp án thì cũng sẽ bỏ qua thay vì ép mình cố nhớ.
"Mình mong các bạn sẽ nghỉ ngơi đầy đủ và đọc thật kỹ đề, vì đôi khi chỉ có một chữ thì đáp án cũng đã hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, hãy ăn sáng trước khi vào phòng thi và mang theo một chai nước, uống nước như uống áp lực của mình xuống, đáp án trên mạng có thể chưa phải là đáp án chính xác nhất, vì vậy đừng vội dò để khiến bản thân lo lắng như mình năm trước", Minh Quân nhắn nhủ.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra vào ngày 7 và 8-7-2022. Tuổi Trẻ sẽ cập nhật nhanh đề thi và gợi ý bài giải trên , cũng như hỗ trợ tra cứu nhanh điểm thi trên , mời bạn đọc đón xem.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận