28/09/2013 21:07 GMT+7

Chàng sinh viên say đắm bến Bình Đông xưa

ANH ĐÀO
ANH ĐÀO

TTO - Giữa thành phố hiện đại bậc nhất nước vẫn hiển hiện đâu đó không gian cổ xưa với lối kiến trúc của từ 200 năm về trước, chàng sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã không khỏi say đắm vẻ đẹp ấy mặc dù bến Bình Đông (Q.8) giờ đã không còn như xưa.

Lỡ yêu bến Bình Đông, Huỳnh Thanh Nhã - sinh viên Trường ĐH Kiến trúc - cứ băn khoăn mãi “làm sao giữ được cái hồn văn hóa bến Bình Đông” và đề tài nghiên cứu khoa học về bến Bình Đông vì thế đã ra đời.

Ys5zOmOu.jpgPhóng to
Thanh Nhã đi thực tế để ghi nhận lại những khoảnh khắc của cuộc sống - Ảnh: Hoài Phương

“Bỏ đi thì dễ, giữ được cho đời sau mới khó”

Bị cái hồn bến Bình Đông cuốn hút, Nhã từng hằng ngày ngắm cảnh vật nơi đây mà chưa từng thấy chán. Đó là một cảm giác làm cho người ta say khi được đắm mình trong không gian của những ngày xưa với những căn nhà liên kế, nhà kho cổ hàng trăm năm.

Trên con kênh Tàu Hủ, ngày xưa là nơi đô hội, nhộn nhịp bậc nhất khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn với những chiếc thuyền đậu kín cả dòng kênh. Bỏ qua những dãy nhà ổ chuột tồi tàn và dòng kênh ô nhiễm thì đó là một cuộc sống tất bật, hối hả lúc ban ngày và lung linh bí ẩn vào ban đêm.

Nhã đã thật sự giật mình khi nhìn tổng quan bến Bình Đông - một khu vực đóng vai trò quan trọng với Sài Gòn - Chợ Lớn hình thành cách đây 200 năm, đến nay vẫn lưu giữ những công trình kiến trúc cổ có giá trị cao về mặt kiến trúc, lịch sử và văn hóa đang có nguy cơ bị biến mất do quá trình đô thị hóa, những dự án xây dựng cầu đường.

Những giá trị cổ xưa ấy, nói theo lời của một vị giáo sư sử học, “bỏ đi thì dễ, giữ được cho đời sau mới khó”.

Chính vì vậy, Nhã đã muốn làm gì đó cho bến Bình Đông và bàn với hai người bạn tiến hành đăng ký thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn những nét đặc sắc về cảnh quan và kiến trúc truyền thống của bến Bình Đông, đưa ra định hướng phát triển phù hợp”.

Nhiều người cho rằng đây là đề tài của một tiến sĩ chứ không phải dành cho sinh viên, chính vì vậy nó đòi hỏi một sự lao động cực lực mà nếu không có tình yêu dành cho nó có lẽ đã bỏ cuộc.

Đi chụp hiện trạng cũng đã mất vài tháng trời. Rồi đi xin bản đồ quy hoạch để nắm bắt quy hoạch. Quan trọng nhất là phải hiểu về bến Bình Đông, nó đã từng như thế nào trong quá khứ qua các tài liệu về Sài Gòn - Chợ Lớn. Đọc các điển cứu bảo tồn trên thế giới, xâm nhập đời sống và hiện trạng kiến trúc ngày nay để nắm tâm tư của người dân và kiến trúc cổ còn sót lại để từ đó đưa ra bản thiết kế phương án quy hoạch kiến trúc thuyết phục nhất...

Tất cả khiến Nhã mất ăn mất ngủ.

Nếu mất đi bản sắc của chính mình...

Hai tháng liên tục, cả nhóm chỉ dành thời gian để viết bài nghiên cứu và trình bày ý tưởng quy hoạch - kiến trúc của mình. Việc mất nhiều thời gian đầu tư cho đề tài không phải khó nhất, mà khó nhất là việc trình bày ý tưởng để người khác có thể hiểu và chia sẻ cùng nhóm bởi ý tưởng bảo tồn không phải chưa có ai làm.

Trên thế giới, gần VN nhất là Singapore và Indonesia đã nghiên cứu và thực thi về vấn đề bảo tồn kiến trúc không gian xưa; làm thế nào để thật sự tỉnh táo và hiểu rõ tập tục sinh hoạt, nét văn hóa của chính khu vực cần bảo tồn để giữ gìn là vấn đề khá hóc búa.

“Có chí thì nên”- cả ba họp sức lại, mỗi người một thế mạnh triển khai thực hiện đề tài một cách nhịp nhàng trên tinh thần sáng tạo tối đa nhưng vẫn giữ được nền tảng từ cái cũ.

EncctBHC.jpg
Thanh Nhã luôn tìm tòi tài liệu phục vụ cho các đề tài nghiên cứu

Tết là những tháng ngày vất vả nhất vì vừa phải về nhà họp mặt gia đình vừa phải tiến hành phỏng vấn người dân, thương hồ lúc chợ hoa xuân diễn ra bởi tính chất trên bến - dưới thuyền của bến Bình Đông xưa hiện đã mai một vì chính quyền cấm tàu thuyền neo đậu buôn bán trên kênh. Muốn có cảnh này chỉ có thể tìm thấy vào ngày hội hoa xuân và gặp gỡ thương hồ - những người sống cuộc sống gạo chợ nước sông.

Làm một đề tài mà chẳng ai ủng hộ ngoại trừ cô giáo hướng dẫn quả là gian nan, nhưng vì muốn giữ lại cái hồn văn hóa của Sài Gòn xưa nên chẳng thấy mệt. Nói như Nhã thì đó cũng là vì đã lỡ yêu bến Bình Đông rồi và sợ rằng bến Bình Đông sẽ giống như bất kỳ nơi nào đó nếu như mất đi bản sắc của chính mình.

Tặng cho những ai có tâm huyết

Tham gia thi thiết kế ở nhiều cuộc thi, tuy không được giải thưởng cao nhưng tất cả thiết kế ấy Nhã đều trao tặng lại cho người thụ hưởng: người dân địa phương mà không có một vụ lợi nào.

Gần đây nhất, đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn những nét đặc sắc về cảnh quan và kiến trúc truyền thống của bến Bình Đông, đưa ra định hướng phát triển phù hợp” đoạt giải nhất cấp trường năm học 2012-2013, hiện đang dự giải Eureka của Trung tâm phát triển khoa học và khoa học Thành đoàn 2013. Đề tài này cũng sẽ được Nhã tặng lại cho những cá nhân hoặc đơn vị nào có tâm huyết phát triển bến Bình Đông.

Mời quý vị đón xem câu chuyện của Thanh Nhã trong chương trình Tiếp sức những ước mơ được phát vào lúc 19g45 thứ bảy 28-9-2013, trên kênh VTV9, đồng thời phát sóng trên trang Truyền hình báo Tuổi Trẻ .

Ngày hội Tiếp sức những ước mơ

Vào lúc 8g30 sáng 13-10-2013, báo Tuổi Trẻ phối hợp Vietcombank tổ chức ngày hội “Tiếp sức những ước mơ” tại hội trường 1, Nhà Văn hóa Thanh niên (số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1, TP.HCM). Ngày hội nhằm nhìn lại nửa chặng đường của chương trình Truyền hình Tiếp sức những ước mơ, giao lưu với những sinh viên từng nhận học bổng, tạo cầu nối để cộng đồng xã hội hiểu sâu hơn và chung tay góp sức hỗ trợ những nhà khoa học tương lai có điều kiện hoàn thành ước mơ, hoài bão của mình.

Tham gia chương trình còn có sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng... Sinh viên vào cửa tự do. Thông tin thêm về chương trình và nhận vé mời, liên hệ qua email [email protected] hoặc số điện thoại 0917 86 7171 ( gặp Hoài Phương).

--------------------------

* Tin bài liên quan:

ANH ĐÀO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên