28/06/2017 13:54 GMT+7

Chàng nhạc sĩ mù với bà mẹ lưu lạc

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ

TTO - Thung lũng Quy Hòa là nơi nhà thơ Hàn Mặc Tử “dừng chân” chữa bệnh gần 50 ngày rồi vĩnh viễn nằm lại. Giờ đây, cách căn phòng lưu niệm nơi Hàn Mặc Tử đã từng sống không xa là ngôi nhà của anh Phan Viết Sơn, người đàn ông lúc tỉnh lúc mê với cây đàn ghita trên tay...

Người nghệ sĩ mù bên cây đàn ghita - Ảnh: Đoàn Cường
Người nghệ sĩ mù bên cây đàn ghita - Ảnh: Đoàn Cường

Tháo chạy khỏi làng quê

Ngày tới Quy Hòa, từ xa đã nghe tiếng đàn trầm mặc của người nghệ sĩ mù Phan Viết Sơn (44 tuổi). Trên chiếc võng kẽo kẹt, bà Án (73 tuổi) - mẹ anh Sơn - nhìn đứa con vừa mù vừa mắc bệnh hoang tưởng nhớ về thuở bà phải bỏ làng đi biệt xứ.

Bà Án quê ở Nga Sơn (Thanh Hóa), năm 9 tuổi thì đột nhiên phát hiện mình mắc bệnh phong. “Lúc đó chỉ cần nghe đến bệnh cùi là khủng khiếp vô cùng. Tôi đi học trên đường làng thì lập tức ngày hôm sau không ai dám đi con đường đó nữa. Nhà trồng đám rau, nuôi con gà bán không ai dám mua”.

Rồi một hôm ở làng bên của bà Án, dân làng xử ông Thông mắc bệnh phong. Họ cho ông ấy uống rượu rồi bảo đi bệnh viện chữa bệnh. Ai ngờ họ khiêng ông ra khu gò mả của làng. Ở đó, người ta đào sẵn một cái hố và đổ vôi bột lên để chuẩn bị chôn sống ông Thông.

Khi họ thả ông xuống hố, ông vùng vẫy rồi may mắn có con dao nhỏ trong túi quần nên cắt dây võng thoát ra ngoài. “Kỳ thị người bệnh phong đến cỡ vậy thì sao mà sống nổi. Hai ngày sau, ổng thắt cổ chết, cả làng vẫn chưa hết hoang mang” - bà Án nhớ lại.

Sau cái chết của người đồng cảnh ngộ, bà Án tháo chạy khỏi làng tìm lên trại phong ở vùng xa Cẩm Thủy lúc 10 tuổi. Từ đó, chưa bao giờ bà Án được hưởng giây phút bình yên như một người bình thường.

Ở trại phong Cẩm Thủy, khi lớn lên bà Án gặp một người bệnh cùng quê và gá nghĩa phu thê. Khi mang thai đứa con đầu lòng là anh Sơn, ở trại họ bắt bà Án phải phá thai, nếu không đứa trẻ sẽ bị dị dạng. Bà không chịu và ôm con vào trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An).

Sơn lúc đẻ ra bụ bẫm, đẹp đẽ. Vợ chồng bà Án có với nhau thêm hai mặt con nữa. Cuộc sống trôi qua mỗi ngày vẫn vô cùng gian truân.

Dù chân tay co quắp, đau đớn vì bệnh tật, nhưng hằng ngày bà Án vẫn đi chặt củi về bán để nuôi con. Nhưng đói quá, gia đình bà khăn gói lên đường và mất bảy ngày mới vào đến Thủ Thiêm (Sài Gòn).

Ở Thủ Thiêm, hằng ngày bà Án phải lê lết trên khắp các con đường để xin ăn về nuôi ba đứa con. Trong một lần xin ăn bà Án bị bắt đưa về trại phong Bến Sắn.

“Cuộc sống cứ như đi trên sợi dây mành, đi cũng tối tăm mà ngã xuống cũng tăm tối” - bà Án nhớ lại.

Rồi bà bỏ Bến Sắn đưa con cái dạt về tận Sóc Trăng, ở đây thấy Sơn lanh lẹ, một ông thầy đã truyền cho Sơn ngón nghề đàn hát để sau này lớn lên có thể tự kiếm cơm.

Ít lâu sau đó, Sơn đi bán vé số về và kêu sao mắt con cứ có cát vậy. Bà Án đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng mắt Sơn dần mù hẳn. Thấy con mù nhưng vẫn ham đàn hát, bà Án lấy hết tiền tiết kiệm trong nhà mua cho Sơn cây đàn ghita.

Vậy là thi thoảng có đám cưới, người ta lại kêu anh đến đàn hát cho dăm bài mùi mẫn. Năm 1999, bà Án đưa con về Quy Hòa bởi nơi đây khí hậu mát mẻ với hi vọng Sơn sẽ đỡ bệnh. Nhưng không ngờ...

Bản thảo một ca khúc viết tay do anh Sơn sáng tác và nhờ hàng xóm chép lại - Ảnh: Đoàn Cường
Bản thảo một ca khúc viết tay do anh Sơn sáng tác và nhờ hàng xóm chép lại - Ảnh: Đoàn Cường


Chuyện tình buồn

Về Quy Hòa, Sơn vẫn theo nghiệp cầm ca. Không chỉ vậy, Sơn còn tự sáng tác bài hát để đi diễn ở các đám tiệc.

Bà Án nhớ có lần Sơn đi đánh đàn đám cưới suốt từ trưa đến 10h đêm mới về được người ta trả cho 250.000 đồng. Vừa về đến nhà, Sơn ôm đầu kêu đau. Rồi dần dần Sơn mắc bệnh tâm thần hoang tưởng.

Mãi sau này bà Án mới biết Sơn yêu con gái của một bệnh nhân phong ở Gia Lai. Hai người cũng thề non hẹn biển xây dựng hạnh phúc với nhau bên bờ biển Quy Hòa xinh đẹp. Cô gái mời Sơn lên thăm nhà ở Gia Lai.

“Nó mang cây đàn ghita vô Quy Nhơn bán lấy tiền ra bến xe mua vé lên Gia Lai. Mắt thì mù lòa mà nó quyết tâm lên thăm gia đình người yêu lắm. Có ai ngờ lên đến nơi, cô ta lảng tránh” - bà Án kể.

Từ đó, bệnh tâm thần của Sơn xuất hiện và ngày một trầm trọng hơn. Sơn bảo: “Thương cổ lắm, hai đứa dắt tay nhau đi dưới bờ biển Quy Hòa nè. Tui còn sáng tác bài hát tặng cổ, ngờ đâu...”.

Rồi Sơn lấy từ ngăn bàn ra tập vở học sinh với gần 10 bài hát mà anh đã sáng tác tặng “cô ấy”. Anh nói mắt mù lòa không biết chữ, anh kêu đứa nhỏ nhà kế bên ngồi cạnh, khi nghĩ ra câu gì nhờ nó chép lại, nhiều ca khúc của anh ra đời như vậy.

Có lẽ vị ngọt trong cuộc đời người nghệ sĩ mù này chính là cuộc hôn nhân cách đây mấy tháng với một phụ nữ hơn mình hai tuổi cũng bị mù.

Bà Án triết lý: “Hai đứa nó ghép lại với nhau cũng chưa có đường sáng mà đi. Thôi kệ, hai cái khổ ghép lại với nhau có khi lại đỡ khổ”.

Tạm biệt bà Án, chúng tôi bước đi khi bóng chiều tà đã phủ xám xịt ngoài hàng phi lao phía bờ biển. Tiếng sóng biển vẫn ào ào vỗ về, tiếng đàn ghita của người nghệ sĩ mù lòa vẫn réo rắt buồn rầu. Mong rằng sáng mai khi bình minh thức dậy, tiếng ghita kia sẽ vang lên những cung bậc mùa xuân...

Sơn bảo có lẽ mảnh đất Quy Hòa này gắn liền với đời thơ và tình yêu của thi sĩ Hàn Mặc Tử nên những ưu tư của ông như di căn vào người anh. Vẫn là mối tình day dứt, vẫn là bệnh tật và đớn đau, vậy mà khi ai đó bảo anh hát thì bài đầu tiên anh cất lên bao giờ cũng là ca khúc Hàn Mạc Tử mà Trần Thiện Thanh viết cho nhà thơ tài hoa bạc mệnh này.

“Tôi không mong mình nổi tiếng như tiền nhân, nhưng bây giờ giữa dông gió cuộc đời, trên mảnh đất này tôi thấy như dáng dấp nhà thơ lại hiện về ru tôi mộng mị” - anh Sơn thì thầm.

_______________________________________________

Kỳ tới: Ba người đàn ông trong bức tường than khóc

Xem các kỳ trước:

- Kỳ 1: 

Kỳ 2: 

- Kỳ 3: 

ĐOÀN CƯỜNG - TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên