17/06/2020 09:10 GMT+7

Chàng khiếm thị đa năng

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Từ một người khiếm thị, chàng trai trẻ này đã vươn lên giành học bổng toàn phần ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học quốc tế ở TP.HCM và sáng lập nên các cộng đồng hỗ trợ người khiếm thị.

Chàng khiếm thị đa năng - Ảnh 1.

Nguyễn Minh Hải nấu ăn trong bếp - Ảnh: BÌNH MINH

Đó là Nguyễn Minh Hải, chàng trai 24 tuổi khiếm thị nhưng có tình yêu đặc biệt dành cho nấu ăn. Gần đây, Hải bắt đầu làm các video hướng dẫn người khiếm thị vào bếp.

Tôi muốn làm thêm nhiều việc cho cộng đồng, bởi tôi mong muốn các dự án của mình có thể thay đổi nhận thức của mọi người về người khiếm thị.

NGUYỄN MINH HẢI

Còn sự sống, còn hi vọng

Minh Hải sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt. Từ nhỏ, đôi mắt của Hải đã kém hơn mọi người, nhưng anh chỉ thật sự mất thị lực sau một ca phẫu thuật võng mạc vào năm 14 tuổi. Hải nói khi cảm nhận được đôi mắt mờ dần rồi hoàn toàn không thấy gì, anh chỉ biết khóc. Khóc rất nhiều.

"Ba tôi dẫn ra nhà thờ cầu nguyện, còn tôi chỉ miên man với suy nghĩ trở thành người khiếm thị rồi thì cuộc đời về sau sẽ thế nào" - Hải nhớ lại.

Tại nhà thờ, Hải và ba tình cờ gặp một cô gái mắc bệnh ung thư. Dù bệnh nặng nhưng cô gái này vẫn thể hiện sự lạc quan, vui vẻ tươi cười với mọi người xung quanh.

"Ba nói với tôi có những người thậm chí tính mạng còn khó lòng giữ được, thế mà họ vẫn lạc quan. Con chỉ mất đi đôi mắt nhưng vẫn còn sự sống, đó chính là còn cơ hội để cố gắng" - Hải kể. 

Từ câu nói đó của ba, Hải hiểu rằng trở thành người khiếm thị tuy rất khó khăn nhưng anh không xem đó là bất hạnh, mà chỉ là một thử thách để bản thân nỗ lực hơn.

Thời gian đầu, Hải bị nhiều vết thương "thấu xương" do không quen với việc mất thị lực. Tuy nhiên, vết thương trên cơ thể không khó khăn bằng những trở ngại tâm lý mà Hải phải học cách vượt qua. 

Không muốn bị người khác thương hại, Hải luôn chủ động làm mọi việc mình có thể làm, sống lạc quan và cố gắng cầu thị, nỗ lực vươn lên bằng chính sức mình.

Từ một trung tâm cho người mù trên Lâm Đồng, Hải liên hệ xin học ở mái ấm Thiên Ân (Q.Tân Phú, TP.HCM). Ở đây, anh gặp rất nhiều người cùng hoàn cảnh nhưng không khuất phục số phận, mà vươn lên đạt nhiều thành công trong học tập và cuộc sống.

"Tôi xem mái ấm như gia đình thứ hai của mình, bởi qua bảy năm được ở đây cuộc sống của tôi thay đổi rất nhiều. Tôi bắt đầu đặt mục tiêu, mơ ước được đi học đại học như các anh, chị khiếm thị khác" - Hải nói. 

Bên cạnh đó, Hải cũng luôn học hỏi tinh thần thép, sự quyết tâm và lối sống tích cực của cha mình trong mọi hoàn cảnh.

Sống cùng với những người bạn khiếm thị tại một căn nhà nhỏ ở Q.Tân Phú, Hải trồng một vườn rau trên sân thượng. Hải nói anh đã quen một mình vác bao đất nặng hàng chục ký trên vai, leo lên chiếc thang tre chông chênh dẫn lối ra mảnh vườn xanh để chăm bón cây mà không hề gặp trở ngại.

Chàng trai đa năng

"Thằng bé này học hết lớp 5 chắc chỉ đi bán vé số", "Em chỉ nên học đến cấp II thôi, đừng đi học nữa không có ích gì đâu"... là những câu nói mà Hải luôn nghe được khi còn bé. Khuyết tật khiến nhiều người nghĩ rằng cuộc đời Hải cũng như chính đôi mắt cậu, sẽ không bao giờ có ánh sáng.

"Một lần tôi vô phòng học vào giờ thuyết trình, đèn tắt nên tôi bị vấp vì không thấy rõ đường đi. Lúc ấy thầy giáo đã cho tôi một cái tát vào mặt và bảo rằng tôi bị mù" - Hải nhớ lại. Nỗi buồn khi ấy dường như đã trở thành động lực để anh nỗ lực hơn nữa.

Lớp 10, Hải đặt mục tiêu xin học bổng tại một trường đại học quốc tế ở TP.HCM. Nhiều người cho rằng Hải "điên rồ", bởi giành học bổng ở ngôi trường này vốn không hề dễ dàng ngay cả đối với những người không bị khuyết tật. 

Vậy nhưng bằng cách dành mọi thời gian để đầu tư cho hồ sơ cá nhân, Hải khiến những người từng không tin tưởng mình bất ngờ khi trở thành một trong những gương mặt được nhận học bổng toàn phần vào năm 2017.

"Một hồ sơ xin học bổng đẹp không phải chỉ toàn thành tích, mà phải có sự kết nối giữa mục tiêu và các việc làm của bạn trong một hành trình xuyên suốt" - Hải nhấn mạnh.

Ngoài việc học, Hải còn là người sáng lập nhiều dự án dành cho người khiếm thị. Năm 2015, Hải lập ra website kết nối người khiếm thị với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. 

Tuy nhiên sau một năm hoạt động, dự án thất bại do nhiều người khiếm thị thiếu kỹ năng, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Không nản lòng, Hải học hỏi từ những thiếu sót, sau đó tiếp tục lập ra Incovi, kênh truyền thông mang cuộc sống của người khiếm thị ra cộng đồng vào năm 2019. 

Trong dự án "Bí mật từ bóng tối", Hải giúp các bạn trẻ tham gia học cách làm người khiếm thị trong vòng một tiếng với các hoạt động như bịt mắt tô son, pha nước chanh hoặc sử dụng điện thoại di động...

Đến nay, Hải đã mang dự án miễn phí này đến nhiều trường đại học, trung học trong TP.HCM, thu hút gần 1.000 bạn trẻ tham gia trải nghiệm. Bên cạnh đó, Hải cũng tổ chức lớp học trang điểm dành cho phụ nữ khiếm thị.

Gần đây, chàng trai đa năng này lại tìm thêm cho mình niềm vui mới từ việc bếp núc. Nguồn cảm hứng lớn nhất mà nấu ăn mang lại cho Hải chính là niềm vui của những thực khách. Nấu ăn đối với một chàng trai khiếm thị là những khó khăn được nhân lên gấp bội.

Một lần cùng nhóm bạn thực hiện dự án Incovi lên kế hoạch ăn uống, Hải "đánh liều" gợi ý được nấu cho các bạn thay vì ra quán ăn. Hai món lẩu gà lá giang và thịt bò cuộn nấm kim châm được đánh dấu là bước thành công của Hải khi các bạn ăn đều khen ngon.

"Điều quan trọng nhất của người khiếm thị khi học nấu ăn là phải luyện được cảm nhận, ví dụ như ngửi mùi hoặc dùng đũa để kiểm tra thức ăn còn sống hay đã chín. Phải dám bước vào bếp và kiên nhẫn trải qua từng bước để thành thạo dần" - Hải cho biết.

Sau hai lần tổ chức thành công, Hải dự định tiếp tục mở lớp học miễn phí mang tên "Vào bếp là chuyện nhỏ" dành cho người khiếm thị.

Lớp học kéo dài 8-9 tuần giúp các bạn khiếm thị học kỹ năng cơ bản của nấu ăn, vào bếp an toàn như cách bật bếp, gọt rau củ; nấu các món đa dạng như món hấp, kho, xào, chiên và canh. Trong buổi thi cuối khóa, học viên thực tập nấu một bữa ăn trọn vẹn cho gia đình.

Chàng trai khiếm thị làm website chống xâm hại tình dục Chàng trai khiếm thị làm website chống xâm hại tình dục

TTO - Lộc khiếm thị, nhưng trái tim anh đủ thổn thức để đớn đau trước những vụ xâm hại tình dục trẻ em. Dự án 'Em cần bảo vệ' ra đời từ sự tâm huyết đó.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên