Nghệ sĩ Chí Tâm trong một lần quay chương trình Tiếng tơ đồng vào dịp tết - Ảnh: NVCC |
Liveshow Niềm đam mê chưa cạn của Chí Tâm tại TP.HCM có sự đỡ đầu của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Tuổi đã ngoài 60, sau gần 40 năm định cư tại hải ngoại, nghệ sĩ Chí Tâm dường như trẻ hoài, bởi khán giả cứ thích gọi ông là “anh Điệp” - vai diễn ghi dấu tên tuổi của ông khi thu đĩa Lan và Điệp cùng nghệ sĩ Thanh Kim Huệ vào khoảng năm 1973.
Nói về sự thành công của Lan và Điệp, Chí Tâm lắc đầu không lý giải được, bởi: “Nghe lại tôi thấy mình hát có những chỗ còn non, chưa tới, như bây giờ có thể tôi xử lý bằng cách hát khác.
Lúc thâu, tôi khoảng 21 tuổi, còn Thanh Kim Huệ chỉ chừng 17 tuổi. Trước và sau thời điểm đó, chúng tôi từng thâu tuồng Bao Công, Đường gươm Nguyên Bá... nhưng khán giả nhớ và mê nhất vẫn là Lan và Điệp”.
Âu cũng là cái duyên với vai diễn. Mà quả đúng là cái duyên. Bởi chất giọng trữ tình, ngọt ngào ấy đã đi qua bao thăng trầm của nghiệp hát, từ một cậu nhóc 6 tuổi mê hát của đất Trà Ôn, Vĩnh Long, rồi lên Sài Gòn tầm sư học đạo, trôi dạt qua các đoàn hát Tinh Hoa, Dạ Quang Châu, Kim Chung 5, Kim Chung 2...
Tuổi đã ngoài 60, sau gần 40 năm định cư tại hải ngoại, nghệ sĩ Chí Tâm "dường như trẻ hoài" |
Từ một giọng ca vô danh được các ông bầu cất nhắc lên hát chánh với các cô đào Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu... với hàng loạt vở tuồng Tâm sự loài chim biển, Máu nhuộm sân chùa, Kiệu hoa lạc lối về, Người phu khiêng kiệu cưới...
Rồi có thời gian khá dài gián đoạn với nghiệp hát nhưng gập ghềnh mấy nỗi, trở đi trở lại thì thấy mặt ông khán giả vẫn mừng rỡ, xuýt xoa: “Anh Điệp ơi, anh Điệp à!”.
Vậy mà có thời gian Chí Tâm dường như muốn quên luôn anh Điệp, cố giấu thật sâu nỗi nhớ ánh đèn sân khấu để chuyên tâm làm anh... culi vì cuộc mưu sinh nơi xứ người! Đó là chuyến đi đến Pháp định cư sau năm 1975.
Mấy năm trời ẩn mình dường như quá đủ, Chí Tâm kết hợp với vợ chồng nghệ sĩ Minh Tâm - Tài Lương (chị của nghệ sĩ Tài Linh) lập nên Đoàn cải lương Năm Châu. Gánh hát chừng 20 người ấy đã lấy đi rất nhiều tâm sức của người gầy dựng.
Gồng mình cùng anh em để giữ cho đoàn hoạt động được cả một năm trời ở một nhà hát gần 2.000 chỗ ngồi tại Paris, thỉnh thoảng lưu diễn vài nước đã là cả một vấn đề...
Cho đến năm 1989, đến Mỹ, Chí Tâm lần nữa thử sức một trang đời mới ở xứ người. “Anh Điệp” hát tân nhạc, mày mò trong phòng thu như một kỹ thuật viên thực thụ, hòa âm, sáng tác, mê mẩn tìm kiếm, sáng tạo các loại nhạc cụ theo “gu” riêng của mình.
Rồi Chí Tâm được mời làm chương trình Thanh âm trìu mến trên đài phát thanh. Làm phát thanh được chừng 4-5 năm, ông lại tiếp tục tham gia truyền hình với Tiếng tơ đồng - trò chuyện về đờn ca tài tử.
Làm chương trình đòi hỏi người thực hiện phải am tường, có kiến thức sâu rộng nhưng Chí Tâm giản dị cho rằng: “Tôi chỉ là người đọc sách giùm khán giả!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận