Đó là nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) trong báo cáo 2 tháng đầu năm 2024.
Theo HUBA, trước tình hình khó khăn về vốn, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 02 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đồng thời ngân hàng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất vay theo nghị định 31.
Tuy nhiên, tình hình vay vốn của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Cụ thể, dù ngân hàng có nhiều vốn cho vay nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận nguồn vốn do không đảm bảo yêu cầu về thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay.
Trong đó, việc định giá tài sản đất nông nghiệp rất thấp, tài sản đất thuê hàng năm cũng không thế chấp được, các tài sản khác bị định giá xuống khi lạm phát gia tăng… Khảo sát của HUBA cho thấy có tới 41% doanh nghiệp đã không còn tài sản thế chấp đủ pháp lý để vay vốn.
HUBA kiến nghị ngân hàng nên xem xét tăng tỉ lệ thế chấp các tài sản này, thực hiện mở rộng cho vay theo hợp đồng, với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai…
Với tình hình thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp không vay vì không có hợp đồng hoặc doanh nghiệp vay vốn không chỉ cho nhu cầu đầu tư mới mà còn là để thanh toán các khoản vay cũ đã đến hạn.
HUBA cho rằng chính sách gia hạn nợ cần đi kèm với chính sách ân hạn nợ. Tức doanh nghiệp gia hạn nợ được phép hoàn trả khoản vốn vay gia hạn tại năm cuối cùng của kỳ hạn vay, thay cho việc phải trả ngay khi hết gia hạn, làm gấp lên 2 lần số tiền phải trả trong năm tiếp theo, gây khó khăn kép cho doanh nghiệp như thời gian vừa qua.
UBND TP.HCM cũng từng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách thay thế việc hỗ trợ 2%/năm lãi suất ngân hàng bằng các hình thức khác thiết thực hơn.
Nhiều ngành có dấu hiệu phục hồi
HUBA cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp TP trong hai tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi ở một số ngành như công nghệ, cơ khí, đồ gia dụng… Tuy nhiên, một số ngành còn khó khăn như dệt may, da giày, sản phẩm gỗ.
Để khắc phục khó khăn, một số doanh nghiệp có xu hướng chuyển qua khai thác thị trường mới nhiều tiềm năng như Campuchia, Thái Lan và các nước Đông Nam Á.
Đáng chú ý, ngành chế biến lương thực thực phẩm hoạt động tốt, gia tăng thị trường Trung Quốc và các thị trường mới khai thác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận