25/01/2016 11:28 GMT+7

Chàng bí thư là “cây sáng kiến”

TT - Kỹ sư Lã Công Ba, chàng bí thư liên chi đoàn Xí nghiệp cao su Hóc Môn thuộc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam, được mọi người đặt biệt danh là “cây sáng kiến”, bởi các sáng kiến, cải tiến của anh làm lợi cho đơn vị cả tỉ đồng.

Kỹ sư Lã Công Ba (phải) cùng kiểm tra chất lượng sản phẩm với công nhân trong phân xưởng - Ảnh: K.Anh
Kỹ sư Lã Công Ba (phải) cùng kiểm tra chất lượng sản phẩm với công nhân trong phân xưởng - Ảnh: K.Anh

Luôn thôi thúc tìm tòi trong lao động, chàng kỹ sư ấy đã vinh dự hai lần nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi của Thành đoàn TP.HCM (năm 2013 và năm 2015) xét trao cho những công nhân, kỹ sư... có nhiều sáng kiến, hiến kế trong lao động sản xuất. Anh cũng từng được Trung ương Đoàn trao giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc.

Nếu chỉ làm tròn bổn phận thì mình rất khỏe nhưng lương tâm không cho phép mình làm thế

Kỹ sư LÃ CÔNG BA

Làm chủ công nghệ

Những ngày này, gặp anh chàng kỹ sư Lã Công Ba trong phân xưởng sản xuất lốp xe máy sẽ thấy anh đang đôn đáo hướng dẫn mọi người lắp ráp dàn máy mới được nhập về từ Hàn Quốc.

Với công nghệ mới, trước đây các chuyên gia của chính nơi sản xuất sẽ sang để chuyển giao công nghệ, nhưng gần đây anh cùng đồng nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, không cần đến chuyên gia nữa.

“Chúng tôi tự lắp ráp và sẽ tự vận hành, không phải dựa vào chuyên gia như trước đây. Nếu thuê chuyên gia của nước ngoài thường chi phí sẽ cao mà anh em kỹ sư cũng như công nhân lại không nắm bắt công nghệ nhanh bằng cách tự mày mò và làm chủ công nghệ. Tất cả đều được chúng tôi lĩnh hội từ nhà cung cấp và cả học từ mạng Internet” - anh Ba bày tỏ.

Về đầu quân cho Xí nghiệp cao su Hóc Môn khi vừa tốt nghiệp kỹ sư hóa Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Lã Công Ba được làm ở vị trí nhân viên phòng kỹ thuật.

Gần chục năm gắn bó với đơn vị, anh đã làm chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu gắn với hàng chục sáng kiến được triển khai góp phần vào việc đẩy mạnh hiệu quả trong sản xuất.

Tiếng là kỹ sư nhưng anh cũng không hơn gì những công nhân khác, cũng nhễ nhại mồ hôi, lăn xả trong phân xưởng. Không trực tiếp đứng máy nhưng bước chân của anh đặt lên khắp phân xưởng nơi anh phụ trách.

Anh bộc bạch: “Nếu chỉ làm tròn bổn phận thì mình rất khỏe nhưng lương tâm không cho phép mình làm thế. Mình phải theo dõi tất cả các khâu để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra...”.

Năm 2010, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãnh đạo đơn vị đặt hàng với phòng kỹ thuật phải nghiên cứu tìm cách góp phần giảm nguồn nguyên liệu đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bài toán khó đã được Công Ba cùng đồng nghiệp trăn trở suy tính rồi bằng những kiến thức đã học cũng như tham khảo thêm thông tin của lĩnh vực cao su trên thế giới, anh cùng đồng nghiệp đã tìm ra công thức pha chế và hàng loạt đơn pha chế nhằm giảm giá thành đã được ra lò.

Từ sáng kiến Đơn M34TK giảm giá thành với cách cải tiến đơn pha chế thay vì dùng silica đã được thay vào đó là chất kaolin đến sáng kiến Đơn T39E-CN sử dụng cao su tái sinh trong đơn pha chế cũng góp phần làm lợi cho công ty trị giá hơn 4 tỉ đồng.

Luôn thôi thúc bởi công việc

Được sự tín nhiệm của lãnh đạo đơn vị nên liên tiếp sau đó, hàng loạt sáng kiến khác của Công Ba ra đời. Theo anh, những sáng kiến ấy chính là sự đáp ứng từ đòi hỏi thực tiễn công việc.

“Để sáng kiến được triển khai ứng dụng, nhiều đêm tôi vò đầu suy nghĩ đối chiếu kết quả nghiên cứu thông qua những tài liệu tìm kiếm được trên mạng, từ các chuyên gia đầu ngành. Cũng phải nhiều phen thử tới thử lui mới thành công” - anh Ba cho biết.

Phụ trách từ phân xưởng sản xuất lốp xe đạp, qua phân xưởng lốp xe ôtô rồi đến phân xưởng lốp xe máy, ở đâu anh Ba cũng tìm tòi và “đẻ” ra những sáng kiến gắn với môi trường mình làm việc.

Chỉ với cải tiến khắc phục lỗi lốp xe đạp bị mềm, đỏ chỉ bên trong thân lốp, mỗi năm cũng thu lợi hơn 900 triệu đồng.

“Vừa khắc phục được lỗi, vừa tiết kiệm được cho mỗi lốp hơn 500 đồng nhưng mỗi năm chúng tôi sản xuất hơn 1,8 triệu chiếc lốp xe đạp thì con số thu về hơn 900 triệu đồng từ cải tiến này” - anh nhẩm tính.

“Những công trình thanh niên phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng sản phẩm mới thu hút mọi người tham gia. Đó cũng là lẽ sống còn của đơn vị chúng tôi” - anh Ba nói.

Nói về xu hướng hội nhập của giới trẻ hiện nay, anh Ba thẳng thắn chia sẻ: “Nguồn nhân lực của chúng ta còn yếu nhưng không vì thế mà bi quan. Nếu mỗi bạn trẻ đều ý thức vươn lên, tự tin nắm bắt khoa học công nghệ và rèn thêm cách làm việc nhóm chắc chắn chúng ta sẽ đáp ứng được những đòi hỏi của thời cuộc”.

Anh cũng “bật mí”, bản thân vẫn dành thời gian để học và trau dồi thêm kiến thức ngoại ngữ để sẵn sàng với cuộc hội nhập của khu vực cũng như của thế giới.

Lã Công Ba cũng luôn chia sẻ và dìu dắt những người trẻ đi sau. Vừa về làm việc ở phòng kỹ thuật, “lính mới” Đặng Ngọc Vinh cũng đã được anh tận tình hướng dẫn xử lý các tình huống trong công việc mà Vinh đảm nhận.

“Anh Ba nhiệt tình và luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trẻ, trong đó có tôi. Được làm việc với đàn anh như anh Ba, tôi học được nhiều ở sự tiên phong, gương mẫu của người thủ lĩnh và là một người đảng viên gần gũi” - Vinh chia sẻ.

Anh Nguyễn Kiên Cường - bí thư Đoàn thanh niên Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam - cho biết: “Kỹ sư Lã Công Ba là một điển hình đảng viên trẻ tiêu biểu trong lao động, có nhiều sáng kiến đóng góp cho đơn vị. Ngoài ra, anh còn là một bí thư Đoàn nhiệt huyết, năng nổ, gương mẫu. Chúng tôi từng nói làm công tác đoàn thể là phải biết hi sinh vì người khác và ở anh Lã Công Ba đã thể hiện rõ đức tính hi sinh của một cán bộ Đoàn”.

KIM ANH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên