Phóng to |
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Khiển, vai trò, vị trí, chức năng của MTTQ trong điều kiện có Nhà nước cần được xác định một cách rành mạch hơn. Trong ảnh: một hoạt động của Ủy ban MTTQ TP.HCM - Ảnh: Minh Đức |
Có những vấn đề hội nghị đưa ra không phải là mới, nhưng do tính chất kéo dài nên để khắc phục được những hạn chế, yếu kém thì biện pháp đưa ra cần dựa trên việc tìm hiểu kỹ lưỡng các điều kiện khách quan, chủ quan trong nước và xu hướng quốc tế. Dưới đây là hai ví dụ:
“Hành chính hóa” Mặt trận
Một trong những câu hỏi mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra là vì sao việc đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa mạnh, tình trạng “hành chính hóa” chậm được khắc phục? Chúng ta biết rằng MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội là bộ phận của hệ thống chính trị, như vậy vấn đề trước hết liên quan đến cấu trúc thể chế chính trị hiện hành.
Một tổ chức nào đó nếu mang tính tập hợp quần chúng với những mục đích nhất định khi chưa có chính quyền được gọi là mặt trận. Tổ chức này mang chức năng xã hội cần thiết là tập hợp lực lượng một cách tự nguyện dựa trên mục tiêu là lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhưng khi giành được độc lập và dựng ra nhà nước dân chủ thì nhà nước đó là biểu tượng của quyền lực chính trị của người dân.
Từ khi có Nhà nước, có Đảng cầm quyền thì vai trò, vị trí, chức năng của Mặt trận trong điều kiện có Nhà nước cần được xác định một cách rành mạch hơn, tránh quy định chung chung. Ở đây, nếu không rõ ràng thì dễ đi vào tình trạng “hành chính hóa”. Hơn nữa, hiện nay “tính chất hành chính” của đội ngũ nhân lực trong các tổ chức chính trị - xã hội được thể hiện rõ tại quy định của Luật cán bộ, công chức hiện hành (điều 4 Luật cán bộ, công chức quy định: Công chức là... được tuyển dụng, bổ nhiệm vào... tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện). Bổ sung vào “tính hành chính” đó là quy định về nguồn vật chất bảo đảm cho hoạt động của MTTQ là do ngân sách nhà nước cấp theo quy định của pháp luật (điều 16, khoản 1 Luật MTTQ VN). Với các yếu tố trên, việc khắc phục tình trạng “hành chính hóa” hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là một vấn đề không dễ, càng không thể bằng cách “quán triệt, quyết tâm, đẩy lùi...”.
Chuyện tách, nhập
Một ví dụ khác, liên quan đến bộ máy, Tổng bí thư có nêu vấn đề tình trạng “tách ra, nhập vào”, “nhập vào, tách ra” vẫn lặp đi lặp lại. Với những vấn đề lớn liên quan đến hệ thống chính trị như Tổng bí thư nêu ra chắc chắn sẽ có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, có một góc tiếp cận là phải chăng điều này có căn nguyên về quan hệ giữa nhận thức thiết kế tổ chức và vấn đề lợi ích cá nhân?
Như chúng ta biết, việc thiết kế bộ máy nhà nước ở nước ta có hai giai đoạn gắn với hai quan điểm khác nhau. Giai đoạn một là thiết kế mô hình có sự sao chép từ Liên Xô cũ, theo đó số lượng các bộ, ngành khá nhiều. Giai đoạn hai là cải cách bằng việc tổ chức “bộ đa ngành”. Đây là mô hình của đa số các nước phát triển. Nhưng điều quan trọng là ở nước ta cách hiểu vị trí bộ trưởng khác căn bản với các nền dân chủ đi trước. Ở họ, bộ trưởng là chính trị gia. Là theo luật, hầu như không phải xây dựng văn bản quy phạm, ký các quyết định cụ thể. Ở nước ta Chính phủ mất rất nhiều thời gian làm nghị định, các bộ trưởng ký rất nhiều quyết định. Nếu có lợi ích trong các quyết định đó, chuyện nhập vào cho gọn sẽ bị “đấu tranh, lý lẽ” để tách là chuyện không có gì lạ. Điều này có quan hệ gì với đánh giá của Hội nghị trung ương 4 về tình trạng tham nhũng, chạy chức, chạy quyền không? Chắc chắn Đảng, Nhà nước cần làm rõ mới khắc phục được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận