Nhiều bạn đọc đến đường sách dừng chân tham dự buổi giao lưu với nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn - Ảnh: L.Điền |
Những chấn thương tâm lý hiện đại cũng là tên tập sách của nhà phê bình Vương Trí Nhàn vừa được Nhã Nam và NXB Hội nhà văn tái bản.
“Những năm gần đây, tôi nhìn những đôi giày nơi chân các bạn trẻ và thấy nó nhiều màu sắc hơn”, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhà bắt đầu bằng nhận định về đời sống thị dân của chúng ta đang khởi sắc. Và rằng chúng ta đang sống ở thời kỳ hiện đại hóa, theo với nhịp sống của thế giới.
Nhưng ngay lập tức, ông cảnh báo: "hiện đại hóa làm xảy ra nhiều bi hài kịch về tâm lý con người".
Vương Trí Nhàn có kinh nghiệm để nói về vấn đề này. Bằng cách tiếp cận thông qua các tác phẩm văn học, khảo cứu tinh thần của các nhà văn từ tiền chiến (trước 1945) đến nay, ông chỉ ra những khiếm khuyết của đời sống xã hội hôm nay.
|
Có thể gọi đây là những trăn trở, tập trung phần lớn vào đời sống thị dân, và cũng bởi câu chuyện đặt ra giữa trung tâm Sài Gòn với phần lớn người tham dự cũng đang sống một đời sống thị dân.
Có vẻ, điều thuyết phục của Vương Trí Nhàn không nằm ở chỗ ông đưa ra các lời khuyên. Tuyệt nhiên không. Ông kể về cách làm việc của mình, rằng ông từng thấy Nguyễn Công Hoan thâm thúy ra sao, Ngô Tất Tố lợi hại như thế nào, tạp văn của Lỗ Tấn, những bài viết ngắn của Phan Khôi có tác dụng đến đâu… Hay như ông có cách tiếp cận thú vị là khảo cứu về đời sống xã hội Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử “hậu chiến”.
Một đất nước dày đặc các cuộc chiến, nên cách nghiên cứu này là cần thiết. Hậu chiến thời Lý, thời Trần, đến hậu chiến thời Lê, hậu chiến thời Quang Trung rồi hậu chiến thời Nguyễn, cho đến nay chúng ta cũng còn đang trong bối cảnh hậu chiến hiện đại… Ông nghiên cứu và kỳ vọng sẽ nắm bắt được những quy luật, những nguyên nhân dẫn đến các “chấn thương tâm lý” của dân tộc mình.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn và TS Nguyễn Thị Hậu giao lưu về đề tài Những chấn thương tâm lý hiện đại - Ảnh: L.Điền |
Không những thế, ông tìm hiểu cả những gì khiếm khuyết của người Việt mà “các cụ đi trước” từng chỉ ra trong các trước tác.
“Cả người Pháp nữa, khi đến Đông Dương, họ nghiên cứu và viết về những thói hư tật xấu của chúng ta nhiều lắm, tôi biết ở Hà Nội từng có dịch rồi, nhưng chỉ để trong trường đại học mà chưa in ra để phổ biến cho đại chúng”.
Và như vậy, bạn đọc thấy một Vương Trí Nhàn quảng bác và nặng lòng với người dân Việt. Ông trăn trở bằng những việc làm cụ thể, có thể ít nhiều mang hơi hướng bi quan, nhưng cứ đọc những bài viết của ông, chắc chắn người đọc hôm nay sẽ nhận thấy một phần “thương tật” của mình trong ấy.
Và rồi nếu có dịp trăn trở về những gì Vương Trí Nhàn nêu ra, hẳn sẽ có ai đó bắt tay vào kêu gọi cộng đồng làm việc gì đó có ích - trước mắt là có tác dụng trị liệu những vết thương có tính cố hữu của người dân mình, để chúng ta có một cộng đồng trong tương lai ít “bệnh tật” hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận