Phóng to |
Bãi rác bên hông núi Dài ở huyện Tri Tôn (An Giang) - Ảnh: Thất Sơn |
Ông Trần Duy Ven, ở khóm An Hòa A, trị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, nhà cách bãi rác này khoảng 100m, cho biết khu vực này trước đây là vườn điều của người dân. Năm 2006, chính quyền địa phương mượn tạm để đổ rác trong khi chờ thi công bãi rác tập trung của thị trấn.
Tuy nhiên, sau khi xây xong bãi rác tập trung, lấy lý do đường ra bãi này nhỏ hẹp, xe chở rác chuyên dụng không ra vào được nên hằng ngày rác từ các chợ, khu dân cư của thị trấn Ba Chúc và một số xã xung quanh vẫn tập kết ra bãi rác “bất đắc dĩ” cặp theo núi Dài. Bãi rác này đã trở thành nỗi ám ảnh đối với hàng trăm hộ dân sống dưới chân núi Dài, bởi ngoài chịu đựng mùi hôi, sinh hoạt của người dân cũng bị đảo lộn do ruồi nhặng bám quanh suốt ngày.
Ở khu vực núi Tượng, ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, nhiều người dân mang rác đến đổ cặp chân núi khi vừa tờ mờ sáng. Bãi rác này ngày càng lớn và ô nhiễm nặng. Cách đó khoảng 4km, chân núi Trọi, xã An Bình, huyện Thoại Sơn cũng biến thành bãi rác.
Ngoài những khu vực nêu trên, còn hơn chục ngọn núi lớn nhỏ ở An Giang bị trưng dụng thành nơi tập kết rác của người dân hoặc những người thu gom rác thuê. Có nhiều bãi rác nằm lộ thiên dưới chân núi Cô Tô, núi Nước, đồi Tà Pạ (huyện Tri Tôn), núi Phú Cường, núi Két, núi Dài Năm Giếng (huyện Tịnh Biên)... Những ngọn núi trở thành khu du lịch nổi tiếng như: núi Cấm (huyện Tịnh Biên), núi Sam (thị xã Châu Đốc), núi Sập (huyện Thoại Sơn)... cũng bị rác bao vây dưới chân núi.
Theo Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đã có kế hoạch xây dựng bãi rác tập trung nhưng tiến độ triển khai rất chậm. Hiện nay tỉ lệ các xã, thị trấn có bãi rác tập trung chưa tới 20% nên các chân núi, bãi đất trống, ao hồ... biến thành bãi rác là khó tránh khỏi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận