07/11/2022 09:08 GMT+7

Chặn 'nguồn cơn' khiếu nại, khiếu kiện đất đai - Kỳ 1: Kẻ khóc, người cười quanh việc thu hồi đất

BẢO NGỌC - TIẾN LONG - QUANG THẾ - TRẦN MAI
BẢO NGỌC - TIẾN LONG - QUANG THẾ - TRẦN MAI

TTO - Đất đai thường chiếm khoảng 70% số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phức tạp. Nguồn cơn mâu thuẫn từ đâu và cần chặn đứng bằng những giải pháp nào trong lần sửa đổi Luật đất đai mà dự thảo vừa được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV?

Chặn nguồn cơn khiếu nại, khiếu kiện đất đai - Kỳ 1: Kẻ khóc, người cười quanh việc thu hồi đất - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) chưa bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới vì cho rằng giá đền bù quá thấp - Ảnh: QUANG THẾ

Luật đất đai hiện hành quy định Nhà nước ngoài việc có quyền thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, còn có quyền thu hồi đất để "phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng". Chính từ phạm vi khá rộng này đã nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập về thu hồi đất, trong đó không loại trừ việc có doanh nghiệp "dựa hơi" Nhà nước để thu hồi đất giá rẻ, thay vì thương lượng theo cơ chế thị trường.

Khó thu hồi đất vì giá đền bù thấp

Tại thôn Hoàng Mai 2, Hoàng Mai 3 (gần đây được đổi thành tổ dân phố Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2), thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, những cánh đồng lúa hai vụ của hàng ngàn hộ dân hai thôn đang được san lấp để xây dựng khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ. Phần lớn các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đã bàn giao đất lúa cho nhà đầu tư xây dựng khu đô thị mới nhưng vẫn còn hơn 200 hộ dân chưa bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Ông Đỗ Xuân Khoa (46 tuổi, tổ dân phố Hoàng Mai 2, thị trấn Nếnh), một hộ dân thuộc diện thu hồi đất của dự án, cho biết chính quyền địa phương mới tổ chức họp với dân mấy cuộc để lấy ý kiến người dân với giá đền bù 217.000 đồng/m2, gia đình nào bàn giao đất sớm sẽ được nhận thêm tiền hỗ trợ khoảng 40.000 đồng/m2, cộng với một vài khoản hỗ trợ tự nguyện của nhà đầu tư. Với mỗi sào đất lúa (360m2), người dân nhận được khoảng 120 triệu đồng. Với số tiền đền bù này, người dân chưa biết làm gì để sinh sống khi không còn ruộng.

Gia đình ông Lý Văn Ký (52 tuổi, tổ dân phố Hoàng Mai 3) có 720m2 đất ở cánh đồng sau làng, đang cày cấy bình thường, đến năm 2018 chính quyền địa phương phát loa thông báo thu hồi đất làm khu đô thị. Chính quyền tổ chức họp nhiều lần nhưng cả nhà đầu tư và người dân đều không thống nhất được giá đền bù thỏa đáng. "Họ nói giá đền bù được áp theo khung giá nhà nước nhưng chúng tôi không đồng ý vì chưa thu hồi đất dự án xong họ đã rao bán trên mạng từ 5 - 6 tỉ đồng một lô đất hơn 100m2", ông Ký nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Luận, chủ tịch UBND thị trấn Nếnh, cho biết khu đô thị mới Đình Trám - Sen Hồ có diện tích đất thu hồi trên địa bàn thị trấn khoảng 76ha, đến nay đã bàn giao cho chủ đầu tư 42ha. Theo ông Luận, qua các lần khảo sát giá đưa vào đề án giá trình UBND tỉnh Bắc Giang, chính quyền thị trấn đã nhiều lần đề xuất tăng đơn giá đền bù với đất nông nghiệp, tăng mức hỗ trợ người dân mất đất. 

Tuy nhiên, theo luật phải căn cứ vào trung bình chung của toàn tỉnh Bắc Giang để xây dựng khung giá đền bù đất đai. Giá bồi thường khi thu hồi đất quá thấp nên cán bộ thị trấn nhiều lần xuống tuyên truyền nhưng vẫn chưa tạo được đồng thuận của người dân.

Nói về mức giá bồi thường gần 120 triệu đồng/sào tại thị trấn Nếnh, ông Luận khẳng định đây là mức giá cao hơn giá Nhà nước bồi thường trên địa bàn do chủ đầu tư chấp nhận hỗ trợ thêm, trong đó có cả tiền đào tạo nghề cho người dân sau thu hồi đất. Theo khung giá được HĐND tỉnh Bắc Giang thông qua, một sào đất nông nghiệp chỉ có giá đền bù khoảng 96 triệu đồng.

Chặn nguồn cơn khiếu nại, khiếu kiện đất đai - Kỳ 1: Kẻ khóc, người cười quanh việc thu hồi đất - Ảnh 2.

Dữ liệu: Tiến Long - Đồ họa: N.KH.

Khiếu nại, khiếu kiện đất đai tăng nóng

Những năm qua, hàng trăm, hàng ngàn dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn... mọc lên trên cả nước, kéo theo đó cũng là hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn câu chuyện kẻ khóc người cười xoay quanh việc thu hồi đất. Con số khoảng 70% khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, nhất là việc bồi thường khi thu hồi đất đúng cả ở góc độ thống kê toàn quốc và riêng ở các địa phương...

Theo báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1-7-2016 đến 1-7-2021, số vụ khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6% và số lượt đoàn đông người tăng 9,2%. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lĩnh vực hành chính, đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phát sinh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án, chiếm trên 69,5%. 

"Qua làm việc với các cơ quan, đoàn giám sát dự báo tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến việc thu hồi đất tiếp tục là một điểm nóng, nhất là ở các địa phương đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội và tập trung ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, có nhiều dự án phải thu hồi, bồi thường đất", báo cáo nêu.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng giải pháp căn cơ là cần khẩn trương, tập trung hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa nghị quyết trung ương 5 (khóa XIII) sớm trình Quốc hội xem xét. 

Quá trình sửa đổi cần tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, doanh nghiệp để các quy định ban hành phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng đồng thời phải bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân liên quan đến đất đai. Có như vậy mới khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện phức tạp trong lĩnh vực này.

Chặn nguồn cơn khiếu nại, khiếu kiện đất đai - Kỳ 1: Kẻ khóc, người cười quanh việc thu hồi đất - Ảnh 3.

Người dân ở thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang) lo lắng mất kế sinh nhai sau khi “bờ xôi ruộng mật” nhường đất cho khu đô thị - Ảnh: QUANG THẾ

Lo cho sinh kế hậu thu hồi đất

Nuoi 8(Read-Only)

Ông Nuôi và gia đình ở trong ngôi nhà dựng tạm trên thửa đất do mẹ ông kê khai, mảnh đất này đã bị cưỡng chế, gia đình mỗi người một nơi - Ảnh: Gia đình cung cấp

Việc không được chủ động thương lượng sòng phẳng mua bán với chủ đầu tư cũng làm nhiều người dân bị thu hồi đất khó khăn trong xoay xở tìm đường ổn định cuộc sống. Gia đình ông Nguyễn Nuôi (phường Trương Quang Trọng, TP Quảng Ngãi) đang tứ tán, mỗi người một nơi sau khi mảnh đất của ông bị cưỡng chế thu hồi để thực hiện dự án khu dân cư Sơn Tịnh.

Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án với diện tích hơn 100ha. Chủ đầu tư thực hiện dự án đã thu hồi toàn bộ đất lúa của gia đình ông Nuôi với mức giá 75 triệu đồng/sào (500m2), còn phần đất ở và mảnh vườn không ai đả động đến. Mãi đến năm 2016, thông báo thu hồi đất được chuyển đến nhà lần đầu tiên với mức đền bù hai lô đất khoảng 700 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Minh Vy (34 tuổi, con ông Nuôi) cho hay khoản tiền đền bù không đủ để xây lại hai ngôi nhà và nếu có nhà cũng không biết làm gì nuôi sống tám người trong hai gia đình.

* PGS.TS Đỗ Anh Tuân (giảng viên Đại học Lâm nghiệp):

Cần tiêu chí rõ ràng dự án Nhà nước đứng ra thu hồi đất

DoAnhTuan 1(Read-Only)

Việc thu hồi đất cần căn cứ vào mục đích sử dụng đất, thu hồi vì mục đích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội tầm quốc gia, dự án có tầm quan trọng với vùng thì nên thực hiện. Còn những dự án thuần túy về kinh doanh nhà cửa, đất đai thì cần thỏa thuận theo cơ chế thị trường. Cần có tiêu chí rõ ràng về dự án phát triển kinh tế - xã hội ở quy mô nào, tác động ra sao mới được thu hồi đất của dân. Phải có tiêu chí phân loại dự án rõ ràng để tránh xung đột giữa các bên trong thu hồi đất.

Để giảm được bức xúc, khiếu kiện của người dân khi thu hồi đất cần làm tốt ba việc. Thứ nhất đất đai phải được định giá sát với thị trường. Thứ hai cần ban hành tiêu chí xác định loại dự án, điều kiện để dự án được thu hồi đất. Thứ ba xây dựng được cơ chế đền bù, thuế bảo đảm lợi ích ba bên Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

* TS Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):

Luật mới cần quy định rõ dự án phải thương lượng bồi thường

TS DuPhuocTan 1(Read-Only)

Thực tế có những dự án bị lẫn lộn giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu chỉnh trang đô thị. Khi chủ đầu tư đề xuất dự án trên một khu đất còn nhà xưởng ngổn ngang, khu dân cư lụp xụp với ý định sẽ xây dựng lại cho bộ mặt đô thị đẹp hơn. Tuy nhiên, thực chất đó là một dự án kinh doanh với việc chủ đầu tư giải tỏa trắng toàn bộ cư dân, hình thành nên một khu thương mại, dịch vụ với những tiện nghi sang trọng. Trong hoàn cảnh đó, muốn xem đó là dự án kinh doanh hay dự án chỉnh trang đô thị, Nhà nước thu hồi đất hay để chủ đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng gần như phụ thuộc vào ý chí của cơ quan chức năng chứ không hề có những tiêu chí nào để phân biệt. Vì vậy, cùng một dự án nhưng chính quyền cho là dự án chỉnh trang đô thị và ra quyết định thu hồi đất. Còn người dân cho rằng chủ đầu tư thu hồi đất để xây trung tâm thương mại dịch vụ, nhà hàng khách sạn... để kinh doanh nên yêu cầu chủ đầu tư phải thương lượng bồi thường.

Luật đất đai mới cần quy định rõ những tiêu chí cụ thể để phân biệt loại dự án Nhà nước thu hồi đất và loại dự án chủ đầu tư phải tự thương lượng bồi thường. Ví dụ như dự án đô thị thì phải được Quốc hội thông qua, hay dự án chỉnh trang đô thị phải quy mô diện tích lớn, hoặc dự án chỉnh trang đô thị trong đó diện tích đất để tái định cư và thực hiện các công trình công cộng chiếm hơn nửa diện tích dự án... thì Nhà nước mới thu hồi đất.

Nhập nhằng dự án thương mại và công cộng?

QD_SongSaiGon_Quan4_5 1(Read-Only)

Dự án cảng Nhà Rồng - Khánh Hội là một trong các dự án thu hồi đất qua các nghị quyết của HĐND TP.HCM từ năm 2016 đến nay do Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều dự án mục đích thương mại nhưng vẫn nằm trong danh mục dự án do Nhà nước thu hồi đất, làm cho người dân thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.

Hằng năm, HĐND TP.HCM sẽ ban hành các nghị quyết thông qua danh mục các dự án do Nhà nước thu hồi đất. Theo phản ảnh của người dân, có nhiều dự án thương mại "rặt" nhưng không hiểu sao vẫn được đưa vào danh mục Nhà nước thu hồi đất.

Ông Đ.N. là chủ của một căn nhà trên đường Đồng Khởi bị vướng vào dự án xây dựng cao ốc thương mại của khu vực này. Từ năm 2014, chủ đầu tư cao ốc lấy cớ có văn bản của UBND TP về việc thu hồi đất, đề nghị ông đồng ý bán nhà với giá họ đưa ra.

Ông Đ.N. không đồng ý thì nhận thêm liên tiếp những thông báo về thu hồi đất từ chính quyền. Ông liên hệ đến các cơ quan nhà nước hỏi về dự án thì được giải thích rằng đây là dự án Nhà nước thu hồi đất, nếu ông không đồng ý bán nhà cho chủ đầu tư thì chính quyền sẽ thu hồi đất và bồi thường cho ông với giá do Nhà nước phê duyệt.

Ông Đ.N. cho biết lúc đó ông kịch liệt phản đối việc này vì theo quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với dự án vì mục đích an ninh quốc phòng, công cộng. Còn dự án này rõ ràng là một cao ốc thương mại.

"Nhà tôi lúc đó đang cho thuê mỗi tháng gần trăm triệu đồng, giá trị đất mặt tiền đường Đồng Khởi nhiều năm trước đã được tính bằng đơn vị lượng vàng/mét vuông. Tôi cũng rất ngạc nhiên vì sao dự án thương mại này lại được đưa vào danh sách Nhà nước thu hồi đất", ông Đ.N. nhận định. Cuối cùng, dự án đã được trả lại đúng bản chất là dự án thương mại và chủ đầu tư tiếp tục thương lượng với dân.

Tại các kỳ họp HĐND cấp tỉnh hằng năm sẽ thông qua danh mục các dự án được Nhà nước thu hồi đất với các dự án vì mục tiêu công cộng, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia... Tuy nhiên, nhìn lại danh mục các dự án Nhà nước thu hồi đất qua nghị quyết của HĐND TP vẫn thấy có nhiều dự án thương mại xuất hiện.

Dự án tứ giác Nguyễn Cư Trinh được đưa vào nghị quyết thu hồi đất năm 2016 chia ra thành nhiều khu vực như khu thương mại dịch vụ, khu bệnh viện, khu bố trí lại trường học, đất tái định cư, đất giao thông... do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Năm 2017, UBND quận 1 đã ban hành thông báo thu hồi đất.

Tuy nhiên, do vướng thủ tục pháp lý liên quan đến đất công nên UBND quận 1 chưa thể phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và đến nay cũng chưa có quyết định thu hồi đất. Hiện UBND TP đang giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, tham mưu UBND TP thu hồi chủ trương đầu tư và đề xuất hướng xử lý. Đến nay, UBND TP chưa có ý kiến gì về dự án.

Trong danh mục dự án thu hồi đất qua các nghị quyết của HĐND TP.HCM từ năm 2016 đến nay do Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp còn có nhiều dự án thương mại như dự án cảng Nhà Rồng - Khánh Hội của Công ty TNHH đầu tư phát triển đô thị Hòn Ngọc Viễn Đông, dự án 346 Bến Vân Đồn.

D.NGỌC HÀ

Nên để người dân và doanh nghiệp tự thương lượng khi thu hồi đất Nên để người dân và doanh nghiệp tự thương lượng khi thu hồi đất

TTO - Đó là ý kiến của đa số bạn đọc phản hồi Tuổi Trẻ Online trong ngày 3-11 sau khi đọc bài 'Tại sao Nhà nước phải thu hồi đất, không để dân - doanh nghiệp tự thương lượng?'.

BẢO NGỌC - TIẾN LONG - QUANG THẾ - TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên