Chuyện buôn bán giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên như phản ánh trong bài viết trên Tuổi Trẻ ngày 1-12-2014, cũng như vấn nạn thông tin cá nhân bị mua bán tràn lan mà Tuổi Trẻ từng phản ánh đã tồn tại một cách nhức nhối nhiều năm qua.
Ai cũng biết nguồn cung cho các loại giấy tờ này phần lớn đến từ những tên tội phạm cướp giật, còn nguồn cầu đa số xuất phát từ những người có ý đồ bất chính, sử dụng giấy tờ giả nhằm một mục đích không được tốt đẹp nào đó.
Xóa bỏ tình trạng buôn bán này không khó thực hiện, vấn đề là thực hiện rốt ráo đến đâu và có các biện pháp đồng bộ thế nào. Trong khi nguồn cung khó lòng chặn triệt để, trừ khi tội phạm cướp giật, móc túi hoàn toàn sạch bóng (mà điều này gần như không thể!) thì việc chặn nguồn cầu là điều có tính khả thi hơn.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng, cụ thể là các nhà làm luật và ngành công an, cần có các biện pháp chế tài chặt chẽ hơn, phạt nặng các cá nhân sử dụng các loại giấy tờ tùy thân giả.
Những người tham gia buôn bán các loại giấy tờ tùy thân cũng cần bị xử phạt ở mức cao hơn, tiến dần đến việc nghiêm cấm và xem việc buôn bán này là vi phạm pháp luật, chứ với mức phạt 1-2 triệu đồng như hiện nay chẳng khác nào “gãi ngứa”. Một khi nguồn cầu bị giảm hoặc bị chặn, nguồn cung cũng dần tự biến mất.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để đơn giản hóa các thủ tục khai báo giấy tờ bị mất, làm lại giấy tờ mới, bởi với các quy định hiện hành, người bị mất giấy tờ thường phải tốn thời gian chạy tới chạy lui để trình báo, chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết mới có thể làm lại giấy tờ đã mất mà trong thời gian đó, không ai rõ giấy tờ bị lấy cắp đi đâu về đâu và có thể đã bị kẻ xấu lợi dụng ra sao.
Ngoài ra, cần tận dụng hệ thống lưu trữ thông tin sẵn có trên máy tính, tận dụng sức mạnh của Internet để nhanh chóng tạm dừng hoặc thông báo giấy tờ đã mất, giống như hệ thống báo mất thẻ mà các ngân hàng đang áp dụng, hẳn sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục và hạn chế tình trạng làm giả giấy tờ tùy thân.
Một vấn đề nữa là chính bản thân mỗi người cũng cần có ý thức cao hơn trong việc giữ gìn thông tin cá nhân của mình, tránh để kẻ gian có cơ hội lợi dụng làm chuyện không hay. Với sự bùng nổ và bình dân hóa mạng xã hội như hiện nay, không ít người hễ có cái gì cũng đem lên Facebook để “khoe”.
Như tuần rồi, một người bạn của tôi đã không ngần ngại chụp ảnh trang chính hộ chiếu lẫn thị thực (visa) của một quốc gia mà bạn ấy vừa xin được. Khi tôi gửi tin nhắn, nhắc đừng đưa những thông tin cá nhân với đầy đủ ngày tháng năm sinh, giới tính, họ tên, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số visa lên nơi công cộng, cậu lại hỏi tôi một cách ngây thơ: “Làm sao người ta làm giả được chứng minh nhân dân hay hộ chiếu với bấy nhiêu thông tin chứ?”.
Một số công ty tư vấn du học hay một số trang web thời gian qua vô tư chụp ảnh chứng minh nhân dân, hộ chiếu của một số người rồi tự tiện đưa lên Internet cũng là điều không nên làm.
Chặn đi nguồn cầu, thực hiện đơn giản thủ tục làm lại giấy tờ đã mất và cùng hành động để nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân thiết nghĩ là những việc làm cần thiết để ngăn chặn tình trạng mua bán giấy tờ tùy thân đang phổ biến như mua bán mớ thịt cọng rau ngoài chợ hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận