Người dân đóng thuế tại TP.HCM - Ảnh: TT
Tại phiên thảo luận chiều 1-11, các đại biểu đề nghị việc xử lý nợ thuế phải đúng luật pháp và nghị quyết Quốc hội, đảm bảo công khai, minh bạch và được người dân giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp lợi dụng, trục lợi và chây ỳ không nộp thuế.
Theo dự thảo nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN), đối tượng xử lý nợ thuế là người nộp thuế có tiền nợ thuế (bao gồm cả tiền phạt, tiền chậm nộp) phát sinh trước ngày 1-7-2020 nhưng không có khả năng nộp NSNN.
Có 7 nhóm đối tượng được xử lý nợ thuế, trong đó có những đối tượng như người nộp thuế là người đã chết; người bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ; người nộp thuế đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc bị người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản…
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Lâm (tỉnh Bắc Giang) đồng tình với dự thảo nghị quyết xoá nợ thuế và cho rằng đây là chính sách nhân văn, không làm phát sinh các khoản nợ ảo.
Tuy nhiên, đại biểu Lâm cho rằng nếu việc khoanh, xoá nợ không đúng quy định thì phải hủy bỏ, nhằm răn đe, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm, lợi dụng chính sách. Bên cạnh đó, đại biểu Lâm còn đề xuất không tiếp tục truy thu các khoản nợ đã xóa thuế đối với những trường hợp người nộp thuế bị thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn… để khuyến khích doanh nghiệp.
Tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31-8-2019 lên đến 88.253 tỉ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31-12-2018. Trong đó, tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỉ đồng, chiếm gần một nửa tổng tiền nợ thuế.
Báo cáo của Chính phủ
Còn đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng đối với việc xảy ra nợ thuế, cần phải bổ sung trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các cơ quan giám sát về thuế. Bên cạnh đó, để việc xử lý nợ thuế phải đúng luật pháp, nghị quyết Quốc hội, đại biểu Tiến đề nghị phải đảm bảo công khai, minh bạch và được người dân giám sát.
Những biện pháp này, theo đại biểu Tiến, là để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp lợi dụng, trục lợi và chây ỳ không nộp thuế.
Tương tự, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng phải đảm bảo tính ràng buộc, tránh tình trạng khoanh nợ, xóa nợ tràn lan. Ông Bình đề xuất cần phải lập hội đồng tư vấn, kiểm toán về việc khoanh nợ, xóa nợ thuế và hội đồng này cần phải có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp bởi đây là tổ chức sẽ biết được đâu là doanh nghiệp ảo.
Ông Bình cũng đặt vấn đề cần làm rõ với trường hợp người đã chết nhưng có người thừa kế, doanh nghiệp vẫn hoạt động thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế.
Trước các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nghị quyết này là quy định pháp luật, cơ sở pháp lý để xử lý nợ, không phải ban hành nghị quyết để xóa ngay nợ. Theo ông Dũng, phải phải căn cứ vào từng đối tượng, từng hồ sơ, đáp ứng các điều kiện, hồ sơ, thủ tục mới được xử lý nợ.
Ông Dũng cho hay hiện nay cơ quan thuế theo dõi từng đối tượng cụ thể trong diện được xóa nợ, khoanh nợ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận