Không thế chấp, không cài app, không gọi điện cho người thân... là những lời quảng cáo ngọt lịm để hệ thống telesale của các công ty tài chính dụ con mồi. Thế nhưng chỉ sau hơn một tháng kể từ khi vay được tiền, hàng loạt người thân khốn khổ vì những cuộc gọi đòi nợ, tờ rơi và hình ảnh bêu riếu trên mạng xã hội.
Không nợ nần gì cũng bị dọa giết
Chuẩn bị đến ngày cưới, cô công nhân Nông Thị Đào (đã được đổi tên) đang làm việc cho một công ty lắp ráp điện tử ở Bắc Giang nhận được cuộc điện thoại từ số lạ: "Nếu muốn đám cưới suôn sẻ thì về bảo mẹ mày trả tiền đúng hẹn. Có chuyện gì đừng trách tao!" - bên kia gằn giọng.
Đào chưa từng vay nợ bao giờ. Từ khi học xong THPT, cô đi làm công nhân để có thêm chút tiền phụ giúp bố mẹ nuôi em. "Tôi không biết làm thế nào họ lại có số của tôi, lại còn biết cả tôi sắp làm đám cưới" - Đào thảng thốt kể lại.
Kể từ sau cuộc gọi đó, ngày nào cô công nhân cũng nhận hàng chục cuộc gọi từ số lạ. Vừa nhấc máy phía bên kia đã xả ra một tràng những lời lẽ thô tục, dọa nạt.
Đào phát hoảng không nghe máy thì cả ngày lại có gần trăm tin nhắn SMS và cả tin nhắn Zalo yêu cầu trả tiền... thay cho mẹ cô ở nhà. Không những vậy, cô còn bị những người này đưa ảnh lên nhóm chung của nhà máy, thóa mạ là cả nhà cô lừa đảo.
"Lúc thì họ bảo họ là bên thu hồi nợ của công ty F., lúc họ tự xưng là của bên H., lúc lại tự xưng là người của công ty M.. Không chỉ tôi mà cả bố tôi, chồng chưa cưới của tôi cũng bị gọi điện hăm dọa" - Đào nghẹn ngào nói.
Cô phải xin lỗi công ty vì liên tục bị những người đòi nợ làm phiền. May mắn cho cô là quản lý và anh chị em trong phân xưởng thông cảm được. Nhiều người cũng gặp cảnh tương tự.
Cô công nhân gọi điện về cho mẹ, mẹ cô giọng vẫn còn run thông báo đã vay mượn tiền của người thân, bán cả một mảnh nương để trả nợ. Số tiền mẹ cô đã vay 30 triệu đồng, trả cả gốc, cả lãi hơn 41 triệu đồng. Thế nhưng không hiểu sao hằng ngày vẫn có người gọi điện đòi tiền. Họ đưa ra hợp đồng của hai công ty tài chính khác, có ảnh chân dung mẹ cô kèm chứng minh nhân dân.
"Họ đến tận nhà tôi ở quê, tự đưa ra hai thông báo thu hồi nợ chẳng rõ thật - giả thế nào. Một thông báo của công ty tài chính F., cả gốc, lãi hơn 41 triệu đồng. Một tờ của công ty tài chính H. với số tiền hơn 38 triệu đồng. Họ nói 'nếu bà không trả nợ sẽ không đảm bảo được tính mạng người thân của gia đình đâu nhé'!" - Đào thuật lại rồi quay đi gạt nước mắt.
Thế nhưng hơn một tháng sau khi có người đến tận nhà ở quê dọa giết, Đào lại nhận được tin nhắn qua Zalo của một người có nick Liên Nguyễn yêu cầu phải trả thêm cho mẹ cô khoản vay hơn 24 triệu đồng của công ty M.
Từ món vay ban đầu 33 triệu đồng của mẹ cô ở quê, người thân của Đào liên tục nhận được cuộc gọi, tin nhắn đòi tiền của ba công ty tài chính. Tổng cả gốc, lãi lên hơn 102 triệu đồng. Số lãi vẫn tăng dần từng ngày.
Bà Mai vay của công ty này nhưng lại có thêm công ty khác đòi nợ - Ảnh: V.TUẤN
Vay một, nợ ba, trả mãi không hết
Quê nhà Nông Thị Đào ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang). Bà Hoàng Thị Mai (đã được đổi tên), mẹ của Đào, thấy người lạ đến là trốn ra sau vườn. Biết không phải nhân viên thu hồi nợ, bà mới dám về nhà.
Bà Mai giọng run run kể lại trong thời gian mất việc vì giãn cách xã hội (tháng 8-2021), bà nhận được tin nhắn với nội dung "đủ điều kiện vay số tiền 50 triệu đồng của công ty tài chính F.". Vài hôm sau, có người quen liên hệ, hứa sẽ giúp bà vay được tiền ngân hàng để trang trải khó khăn chồng chất vì thất nghiệp.
Người này đưa bà Mai đến một tiệm spa bên cạnh chợ Phan Thiết, TP Tuyên Quang. Từ đây, bà Mai được nhóm người làm ở tiệm spa đưa về "văn phòng cho vay". Đây là một căn nhà nằm sâu trong ngõ thuộc phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang, không có biển hiệu.
"Họ nói chỉ có người nào nhận được tin nhắn vay tiền mới đủ tiều kiện vay, rồi chụp ảnh chứng minh nhân dân, đăng ký xe máy của tôi" - bà Mai kể.
Trưa hôm ấy, một người tên Yến - chủ tiệm spa - đưa bà Mai đến một ngân hàng ký chứng từ rồi rút 30 triệu đồng tiền mặt. Nhưng số tiền này bà Yến giữ và yêu cầu bà Mai lấy hóa đơn tiền điện của nhà bà Mai mới được cầm tiền.
Đến chiều, một người phụ nữ tên Oanh, cùng nhóm người ở tiệm spa đưa bà Mai đến gặp nhân viên của F. tại một cửa hàng bán điện thoại di động. Oanh dặn bà Mai phải nói "vay tiền để làm spa". Nhân viên ở đây lấy điện thoại của bà Mai chụp ảnh, lấy thông tin cá nhân rồi thì thầm với bà Oanh chuyện gì không rõ.
Chiều muộn hôm ấy, bà Mai lại được đưa đến một cửa hàng điện thoại di động khác, nhân viên ở đây đưa cho bà Mai một mớ giấy tờ, họ giục bà Mai ký rồi đưa bà Mai ra một cây ATM rút tiền. Oanh rút tiền không được nên đưa bà Mai trở lại ngôi nhà trong ngõ của nhóm người "văn phòng cho vay".
Tại đây, người tự xưng là "quản lý" tên Kiên đưa cho bà Mai số tiền 30 triệu đồng nhưng bà Mai phải để lại sim điện thoại và giấy chứng minh nhân dân. Cầm số tiền trong tay, bà Mai vừa mừng vừa run vì chưa bao giờ thấy vay tiền ngân hàng đơn giản đến thế. Bà hào phóng rút lại 1 triệu đồng đưa cho "quản lý" để anh em "uống nước" rồi ra về.
Tháng 3-2022, nhân viên thu nợ đầu tiên đến nhà bà Mai. Gia đình bà Mai đã trả đủ số tiền hơn 41 triệu đồng cả gốc, lãi để tất toán hợp đồng sau đó hai tuần.
"Tôi đã tất toán, có đầy đủ chứng từ, tổng đài F. cũng xác nhận khoản vay đã tất toán. Thế nhưng không hiểu sao lại có thêm người tự xưng của mấy công ty nữa tiếp tục đòi nợ. Họ in ảnh gia đình tôi, rải tờ rơi nói tôi lừa đảo khắp xóm. Gọi điện dọa giết, dọa đâm xe con gái tôi ở Bắc Giang, dọa phá đám cưới..." - bà Mai thảng thốt.
Cô Đào làm công nhân may, tự dưng bị đòi nợ - Ảnh: VŨ TUẤN
Hai lần tự tử cũng không xong!
Cách nhà bà Mai hai đoạn bờ rào, cô Đặng Th.H. mới qua cơn nguy kịch vì treo cổ tự vẫn vì bị đòi nợ. Bác sĩ Quàng Văn Hải - Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang - cho hay lúc tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tiên lượng rất xấu, đã hôn mê, nhiều khả năng chết não.
"Chúng tôi nhận ngay ra bệnh nhân này vì trước đây bệnh nhân cũng đã cắt cổ tay tự vẫn, bị trầm cảm vì liên tục bị dọa đòi nợ. Lần này, chúng tôi cũng cố gắng, may sao không có hậu quả đáng tiếc xảy ra" - ông Hải nói.
Người nhà chị H. nuốt nước mắt kể lại, từ ngày còn đi học, chị có vay 3 triệu đồng trên một app cho vay. Đến nay, tổng số tiền gia đình bán đất, bán vườn đi để trả đã lên tới hơn 700 triệu đồng. Thế nhưng ngày nào người thân, gia đình cũng bị gọi điện, nhắn tin chửi bới, dọa giết, ghép ảnh bêu riếu trên mạng xã hội, không ai được yên.
"Bố cháu đã mất, cháu ở với ông nội. Tôi đã gần 80 tuổi rồi mà người ta dọa làm cho tôi đột quỵ. Mấy đứa cháu cũng bị dọa đâm xe máy, chúng tôi không được yên" - ông nội chị H. nghẹn giọng cho hay.
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở TP Vinh, cứ vài phút lại bị cuộc điện thoại đòi nợ dù giáo viên trường không ai vay nợ. Kẻ "thu hồi nợ" còn đăng ảnh giáo viên lên mạng vu khống là ổ mại dâm.
Kỳ tới: Một phụ huynh vay tiền, cả trường bị “khủng bố”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận