Toàn cảnh đoạn lòng kênh Vĩnh Tế có đá ngầm phải chặn dòng chảy để xử lý - Ảnh: BỬU ĐẤU
Ngày 20-5, Tuổi Trẻ Online đã quay lại khu vực kênh Vĩnh Tế, đoạn xã Nhơn Hưng và An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang - nơi đã được đơn vị thi công chặn dòng chảy để thi công phá đá ngầm (chủ yếu đá bàn).
Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Trung là đơn vị thi công đã huy động 5 máy múc đất, đá để đắp lên hai bên bờ kênh Vĩnh Tế.
Trước khi chặn dòng chảy, chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị làm kênh dẫn dòng (thay thế đoạn kênh bị chặn lại) có chiều dài hơn 2km, chiều ngang từ 17 - 22m và có độ sâu 2m để các ghe, tàu qua lại thuận tiện trong suốt quá trình thi công.
Đoạn đầu kênh Vĩnh Tế bị chặn dòng chảy ở xã An Phú, huyện Tịnh Biên được đơn vị thi công cho nạo vét rồi đắp đất, đá lên bờ - Ảnh: BỬU ĐẤU
"Chúng tôi thi công kênh Vĩnh Tế đoạn này có độ sâu thêm 3,5m, ngang 35m và chiều dài gần 1,8km. Các anh em đang cố gắng thi công xử lý đá ngầm phải xong trước mùa lũ năm 2021, nếu không, nước lũ lên sẽ rất khó làm", đại diện Công ty Thành Trung nói.
Trao đổi qua điện thoại với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Du - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang - cho biết đơn vị là chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo tuyến kênh Vĩnh Tế thuộc hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án sẽ nạo vét toàn tuyến kênh có chiều dài 46km từ TP Châu Đốc đến xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Giai đoạn đầu sẽ nạo vét 30km từ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên đến xã Vĩnh Gia huyện Tri Tôn.
Tổng kinh phí thực hiện trên 200 tỉ đồng. Sau khi nạo vét kênh Vĩnh Tế sẽ có độ sâu hơn 7,5m, ngang 35m, đảm bảo cho ghe, tàu lưu thông thuận tiện.
"Hiện nay tôi đã chỉ đạo các đơn vị thi công tuyến kênh Vĩnh Tế phải khẩn trương xử lý đoạn có đá ngầm trước tiên. Đoạn này được xác định là quan trọng của dự án. Vì nhiều năm nay các ghe, tàu có tải trọng lớn không vào được do vướng đá ngầm.
Kế hoạch ban đầu phải đưa đất, bùn sau khi nạo vét đi nơi khác thì hiện tại tôi yêu cầu đắp ven theo kênh Vĩnh Tế để sau này sử dụng vào việc san lắp các công trình giao thông khác. Do giá cát tăng và khan hiếm mà đất dưới lòng kênh Vĩnh Tế có thể tái sử dụng được" - ông Du nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận