Khi phát hiện bị chụp ảnh, hai đối tượng chăn dắt đã chở trẻ ăn xin rời khỏi hiện trường tại cây xăng ở Q.5. TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Nhiều đối tượng lạm dụng trẻ
Ông Trần Hồng Sơn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang - cho rằng lâu nay một số đối tượng, kể cả người thân, cha mẹ ruột lạm dụng trẻ em để đi ăn xin, bán vé số... khiến dư luận rất bức xúc.
Trên thực tế, cơ quan chức năng ở các địa phương đã tiếp nhận nhiều trường hợp người dân phản ảnh trẻ em bị ép dầm mưa để ăn xin, có trường hợp xin không đủ số tiền do người quản lý nuôi dưỡng giao mỗi ngày nên trẻ không dám về nhà...
Do việc xử lý hành chính hay hình sự chưa có quy định cụ thể nên công tác tuyên truyền, giáo dục vẫn được đặt lên hàng đầu.
"Sắp tới có quy định xử phạt là hoàn toàn cần thiết. Nhưng cái chính vẫn là ai, cơ quan nào xử phạt, cái này cần quy định rõ" - ông Sơn đề xuất.
Trước câu hỏi vì sao An Giang vẫn còn một vài nơi có trẻ em đi ăn xin, bán vé số mà chưa quản lý được, ông Phan Văn Tuấn - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang - cho rằng nhiều năm qua tỉnh An Giang đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này, tuy nhiên vẫn khó giải quyết dứt điểm.
Vài năm gần đây, số lượng người lang thang, đặc biệt là trẻ em đi ăn xin ở Hà Nội giảm hẳn. Tuy nhiên, vào các dịp học sinh nghỉ hè hoặc cận Tết Nguyên đán, vẫn bắt gặp một vài em bé lang thang bán hàng rong chèo kéo, van nài khách.
Năm 2017, các trung tâm bảo trợ xã hội của Hà Nội đã tiếp nhận 649 lượt người lang thang, xin tiền, trong đó có 57 lượt trẻ em.
Không ít cách giải quyết
Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho hay từ khoảng chục năm qua, Hà Nội đã thực hiện "chính sách riêng": thành lập hai đội trật tự xã hội lưu động trực thuộc hai trung tâm bảo trợ xã hội, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, đưa người lang thang ăn xin, kể cả người đi kèm... về trung tâm bảo trợ xã hội để chăm sóc, hỗ trợ và chuyển trả về gia đình, địa phương.
Ông Thái Đình Hoàng - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng - cho biết ở Đà Nẵng cả chục năm qua, việc quản lý các đối tượng lang thang ăn xin, các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện tương đối hiệu quả.
"Thường thì khi phát hiện việc lợi dụng đưa trẻ đi ăn xin, chúng tôi phân loại để kịp thời đưa đối tượng bảo trợ xã hội vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Còn đối với đối tượng có hành vi lợi dụng trên, chúng tôi sẽ có biện pháp răn đe, đồng thời chuyển cho cơ quan công an theo dõi và có các biện pháp xử lý theo quy định" - ông Hoàng nói.
Không chỉ phạt tiền
Bà Nguyễn Thị Hảo - trưởng Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang - cho biết hành vi ăn xin để trục lợi là việc làm đáng lên án, cần phải nghiêm trị, thậm chí nên xem đây là hành vi hủy hoại thân thể người khác vì những đối tượng này dùng thuốc ngủ cho trẻ uống để đi ăn xin.
Việc phạt 15 - 20 triệu đồng vẫn còn nhẹ, cần phải tăng nặng hoặc có hình phạt bổ sung như phạt tù, phạt lao động công ích...
Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc đối với những đối tượng dùng chính con, cha mẹ hoặc người thân của mình đi ăn xin...
THANH TÚ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận