Chúng tôi có ý kiến
Chăn dắt trẻ em: đừng xử lý tình thế
TT - Phần trả lời của hai luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên và Trương Xuân Tám (Tuổi Trẻ ngày 23-10) cho thấy luật pháp đủ khung nội dung để xử lý đối với nạn chăn dắt, lợi dụng, ép buộc trẻ em đi ăn xin. Thậm chí trong trường hợp kẻ chăn dắt trẻ ăn xin chính là cha mẹ các em thì luật pháp, ngoài chuyện đủ sức định tội, răn đe, có hình phạt, còn có thể tước quyền làm cha mẹ của trẻ.
Thế nhưng vì sao chuyện vào cuộc, giải quyết vấn đề này trở nên khó khăn đến vậy?
Trẻ bồng trẻ ăn xin giữa dòng xe cộ (ảnh chụp tại vòng xoay Lăng Cha Cả, Q.Tân Bình, TP.HCM sáng 23-10) - Ảnh: N.C.T. |
>> Vở diễn đày đọa trẻ thơ >> Xử lý nghiêm khắc đối tượng chăn dắt trẻ >> Sao chưa trị những kẻ ngược đãi trẻ em? >> Chăn dắt trẻ em: quyết dẹp là được>> Vẫn đày đọa trẻ thơ
Còn nhớ năm 2003, trước Sea Games 22, Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em đã mở chiến dịch tổ chức tập trung, phân loại và bàn giao trẻ em ăn xin về đúng gia đình hoặc các trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Chiến dịch này chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt lúc đó (Sea Games 22). Vào những dịp lễ lớn, những chiến dịch thế này vẫn được vận động nhưng cũng rơi vào tình trạng đối phó nhất thời.
Có thể thấy tình trạng bất cập trên xoay quanh hai vướng mắc:
1) Chưa có sự phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, truy tố kẻ phạm tội; chưa có những tổ chức bảo vệ trẻ em đủ mạnh, có tiếng nói để đưa ra những động thái, áp lực buộc các cơ quan an ninh, pháp luật phải xử lý đến cùng. TP.HCM cũng chỉ mới có những chủ trương mang tính “thời điểm”, chưa có những giải pháp cụ thể phối hợp có tính liên ngành để triệt bỏ tệ nạn này một cách quyết liệt. Sau truy quét là... thả nổi.
2) Vấn đề khó xử nhất, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các cơ quan chức năng đó là hiện nay hệ thống cơ sở nhân đạo, bảo trợ xã hội dành cho đối tượng này của thành phố có lẽ chưa đủ sức đứng ra chuyển tiếp và gánh vác trách nhiệm “hậu kỳ” của mình.
Thực tế đây là những trẻ em không có nơi nương tựa, chưa đủ nhận thức để lên tiếng tự bảo vệ mình, cuộc sống của các em chỉ biết đặt vào tay những kẻ chăn dắt. Nếu cứ theo luật mà xử, bỏ tù hay tước quyền làm cha mẹ đối với những kẻ chăn dắt thì phía sau đó câu chuyện lương tâm, trách nhiệm bảo trợ xã hội đối với các em sẽ được tiếp tục tiến hành thế nào? Hay là sau khi giải thoát khỏi những nanh vuốt này, chúng ta lại tạo cơ hội để các em rơi vào những nanh vuốt khác?
Và với sự non nớt, chưa tự bảo vệ được mình, có lẽ các em tiếp tục chọn lề đường, vỉa hè theo những kinh nghiệm cũ để được sinh tồn... Rồi đâu cũng lại vào đấy.
Từ hai vấn đề đó có thể thấy nếu cơ quan chức năng xử lý hiện trạng này như một giải pháp có tính tình thế nhất thời trước sức ép dư luận, chắc chắn sẽ không thể tìm ra một cái kết có hậu, một câu trả lời triệt để. Nên xử lý vấn đề ở tầm xa, chiến lược hơn.
Trước hết, Nhà nước muốn vào cuộc phải tạo được sự cộng hưởng trách nhiệm xã hội trong việc tố giác, trong việc dành ngân sách và có thể kêu gọi sự chung tay góp sức của cộng đồng, xây dựng những công trình nhân đạo để xử lý tốt những đoạn kết của vấn đề. Từ những kênh mang tính phúc lợi đó, cơ quan chức năng sẽ tạo ra được diễn đàn bảo vệ trẻ em, không chỉ dừng lại ở nạn chăn dắt nói trên.
Nếu không, điều đáng sợ không chỉ dừng lại ở những hình ảnh đáng thương chúng ta vẫn thấy, mà sẽ đến lúc mọi người xem cảnh trẻ em bị đánh đập, lột trần, buộc uống thuốc ngủ nằm lê la ngoài đường để ăn xin là chuyện bình thường.
Một khi số đông phai nhạt niềm tin, lạnh nhạt trước những giá trị ứng xử nhân đạo với tha nhân thì đó là những phát sinh đáng sợ nhất.
NGUYỄN NHÂN CHÍNH (Q.3, TP.HCM)
17 người ăn xin được đưa về Trung tâm Hỗ trợ xã hội * Kiến nghị xử lý hình sự đối tượng chăn dắt trẻ em TT - Ông Võ Thanh Quang, phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội - Sở Lao động - thương binh và xã hội TP, cho biết trong ngày 24-10, Trung tâm Hỗ trợ xã hội đã đi kiểm tra, rà soát và đưa về trung tâm 14 trường hợp người lớn và trẻ em lang thang ăn xin tại khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ (P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM). Ngoài ra, trung tâm còn đưa về ba trẻ lang thang ăn xin tại khu vực Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình). Về hướng giải quyết các trường hợp này, ông Quang thông tin “các trường hợp trên sẽ được ở tại trung tâm một thời gian, sau đó phân loại từng trường hợp. Nếu là người VN chưa tái phạm, được đưa vào các trung tâm hỗ trợ xã hội. Nếu còn gia đình thì cho phép gia đình bảo lãnh. Trường hợp đã tái phạm 2-3 lần sẽ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP chờ sau ba tháng mới giải quyết bảo lãnh cho về nhà. Nếu không còn thân nhân sẽ được ở lại các trung tâm. Trường hợp là người nước ngoài sẽ được trung tâm phối hợp với sở ngoại vụ lập hồ sơ, hỗ trợ kinh phí đưa về nước. * Tổng hợp của Sở Tư pháp TP.HCM về góp ý của các sở, ngành về điều chỉnh nội dung văn bản pháp luật xử lý các đối tượng chăn dắt trẻ em, tổ chức người ăn xin cho thấy tất cả đều kiến nghị xử lý hình sự với hành vi chăn dắt trẻ em. Hiện nay, các đối tượng chăn dắt chỉ bị xử lý các hành vi vi phạm về cư trú, dụ dỗ trẻ em đi lang thang, lợi dụng trẻ để trục lợi... Theo đó, mức phạt các hành vi này rất thấp, chưa đủ sức răn đe. Tùy vào mức độ vi phạm, Sở Tư pháp còn đề nghị bổ sung đối tượng chăn dắt vào danh sách đối tượng bị áp dụng đưa vào cơ sở giáo dục (nếu bị xử lý hành chính) nếu tái phạm. Trước đó, UBND TP chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành rà soát các quy định chưa phù hợp, chưa đủ sức răn đe, xử lý các đối tượng chăn dắt người khác đi xin ăn... để đề xuất UBND TP kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung và sửa đổi. Hiện Sở Tư pháp đang tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành. V.HƯƠNG - TR.CƯỜNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận