02/11/2017 10:03 GMT+7

Chấn chỉnh Cà Mau do không có thông tin liên lạc với 9 tàu

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Dù áp thấp nhiệt đới đã suy yếu, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng vẫn chấn chỉnh việc không có thông tin liên lạc với 9 tàu thuyền hoạt động gần bờ ở Cà Mau khi áp thấp nhiệt đới hướng vào tỉnh này.

Chấn chỉnh Cà Mau do không có thông tin liên lạc với 9 tàu - Ảnh 1.

Đại tá Trần Trung Kiên - trưởng Phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng - cho biết đã có điện chấn chỉnh Cà Mau do không liên lạc được với 9 tàu thuyền gần bờ khi áp thấp nhiệt đới vào - Ảnh: XUÂN LONG

Sáng 2-11, ngay trong phiên họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đại tá Trần Trung Kiên - trưởng Phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng - cho biết: "Cơn áp thấp nhiệt đới hướng vào Cà Mau đã suy giảm thành vùng áp thấp, tức đã an tâm hơn trong ứng phó, nhưng cũng phải kiểm điểm lại việc kêu gọi tàu thuyền khi đối phó với áp thấp nhiệt đới vừa qua".

Với cơn áp thấp nhiệt đới hướng vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Hiên cho biết trong kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, trên đường di chuyển cũng đã có thiệt hại.

Khi nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới, một tàu của Quảng Nam có 36 ngư dân đã di chuyển vào vùng neo đậu ở Song Tử Tây. Khi vào cửa âu cảng thì bị sóng đánh chìm, các lực lượng chỉ cứu được 34 người, trong đó có một người bị thương, còn 2 người đã chết. 

Một tàu khác của Kiên Giang lại nằm đúng hướng đi của áp thấp nhiệt đới. Tàu này có 5 người bị sóng đánh chìm, nhưng may là được tàu hàng của nước ngoài cứu vớt, đã bàn giao cho lực lượng Hải Quân an toàn.

Tuy nhiên, đáng lưu ý nhất là việc quản lý các tàu thuyền hoạt động ở khu vực ven bờ, đặc biệt là chuyện ở Cà Mau vừa qua.

"Đến hôm qua 1-11 và cả sáng nay, vẫn có 9 tàu của Cà Mau không liên lạc được. Mặc dù hiện nay áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành vùng áp thấp, nhưng qua đó cho thấy việc quản lý tàu thuyền hoạt động ven bờ cần phải rút kinh nghiệm. Sáng nay chúng tôi đã có điện chỉ đạo phải chấn chỉnh việc này" - đại tá Kiên nhấn mạnh.

Áp thấp lại hướng vào miền Nam sau đúng 20 năm bão Linda Thư Thủ tướng: Hai thập kỷ sau cơn bão Linda, nỗi đau vẫn còn Bài học đau đớn từ bão Linda

Ông Kiên cho rằng với các tỉnh phía Bắc, việc quản lý tàu thuyền và kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, nắm bắt thông tin các tàu thuyền hoạt động được làm thường xuyên hơn, tốt hơn. 

Riêng với các tỉnh phía Nam, nơi có ít áp thấp nhiệt đới, bão mà cơn áp thấp nhiệt đới vừa qua mới là cơn đầu tiên, dù Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương phải vào cuộc rất quyết liệt, nhưng địa phương chưa chủ động các biện pháp.

"Trung ương đã chỉ đạo phải vào cuộc quyết liệt, rút kinh nghiệm từ cơn bão Linda, nhưng tình trạng tàu thuyền không liên lạc được vẫn còn. 

Hôm qua các đồng chí hỏi bây giờ làm thế nào, bây giờ không liên lạc được thì còn cách nào, chúng tôi nghĩ trung ương đã chỉ đạo địa phương phải vào cuộc rất quyết liệt, chúng tôi cũng chỉ đạo các đồn biên phòng cho anh em xuống các gia đình chủ tàu nắm lại thông tin...

Nhưng nếu chỉ một mình lực lượng biên phòng vào cuộc, địa phương không vào cuộc, các xã có tàu thuyền không quản lý tới hộ gia đình để nắm hình thức liên lạc thì việc không có thông tin sẽ còn tiếp diễn. 

Vì vậy, qua cơn áp thấp đầu tiên vào phía Nam như vậy, rất cần phải rút kinh nghiệm, phải tiếp tục chỉ đạo cho các địa phương, lực lượng vào cuộc quyết liệt hơn" - ông Kiên nói.

Theo ông Hoàng Đức Cường - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương - cho đến sáng nay cơn áp thấp nhiệt đới hướng vào Cà Mau đã suy yếu thành vùng áp thấp, tiếp tục di chuyển về phía Tây và tiếp tục suy yếu thêm.

"Hoàn lưu từ cơn áp thấp này cũng gây ra mưa lớn ở khu vực Nam bộ, nhiều điểm mưa tới 100mm nhưng lượng mưa cũng sẽ giảm nhanh trong ngày 2-11" - ông Cường cho biết.



XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên