Hội chứng chân không yên cũng tương tự như dạng “bệnh thời tiết”, bắp chân tê nhức, đi kèm cảm giác xương khớp mỏi mệt trước mỗi lần thời tiết thay đổi. Nhưng có một điều khác là, nếu bệnh thời tiết thường xuất hiện ở những người cao tuổi và ở thời điểm giao mùa hoặc thời tiết thay đổi, thì Hội chứng chân không yên xuất hiện ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào và bất cứ thời gian nào trong ngày, đặc biệt khi nằm ngủ.
Hội chứng chân không yên là gì?
Hội chứng chân không yên, hay bệnh chân bồn chồn, chân không nghỉ (Restless Legs Syndrome – RLS) được các bác sĩ mô tả lần đầu năm 1685, sau đó chính thức được chú ý và công bố vào năm 1960. Mặc dù đã được giới thiệu cách đây hàng trăm năm, đây vẫn là một rối loạn ít được nhận biết vì các biểu hiện sinh lý bệnh không rõ ràng, tỷ lệ mắc bệnh tương đối thấp, dẫn đến việc các bác sĩ chăm sóc sức khỏe ở nhiều thế kỷ trước chẩn đoán sai.
RLS được coi là một chứng rối loạn vận động thần kinh phổ biến, biểu hiện như một sự thôi thúc không thể cưỡng lại, bắt buộc phải di chuyển cơ thể để giảm bớt cảm giác khó chịu đó. Sự khó chịu này tập trung ở hai bắp chân mỗi khi nằm ngủ và đặc biệt thôi thúc vào ban đêm.
Hội chứng này ghi nhận ở mọi giới tính và lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ sau khi sinh và phụ nữ lớn tuổi.
Nguyên nhân của hội chứng chân không yên?
Cho đến nay, giới y khoa vẫn chưa xác định một cách chính xác và rõ ràng về nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên, nhưng nhiều ý kiến cho rằng có liên quan đến việc cơ thể thiếu sắt, mang thai, căng thẳng, stress.
Hội chứng này được ghi nhận là có khả năng di truyền với tỷ lệ cao, những người con gái sinh ra từ một bà mẹ mắc Hội chứng chân không yên thì cũng sẽ xuất hiện bệnh.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng sự mất cân bằng hóa chất dopamin của não có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Hóa chất này gửi thông điệp kiểm soát cử động cơ. Tuy nhiên, chưa khẳng định chính xác.
Biểu hiện của Hội chứng chân không yên?
Những người mắc hội chứng này mô tả rằng đó là: cảm giác khó chịu như có con gì bên trong đang bò khắp bắp chân, ngứa, buồn buồn và biểu hiện như một sự thôi thúc quá mức, buộc đôi chân liên tục phải cựa quậy, di chuyển.
Thông thường, cảm giác này tập trung ở hai bắp chân, một số ít sẽ thấy cảm giác mỏi lan lên tận hai đầu gối, xuống mắt cá chân.
Sự nhức mỏi khó chịu này thường xuất hiện khi ngồi quá lâu trên xe, trong rạp chiếu phim, phổ biến nhất là khi nằm ngủ. Ban đầu là cảm giác “tê tê” sau đó là những lần rung giật mạnh, khiến người mắc giật mình thức giấc. Những lần rung giật này có thể lặp lại liên tục, kéo dài cả đêm khiến người mắc không thể nào chìm vào giấc ngủ.
Ảnh hưởng của hội chứng chân không yên đến sức khỏe
Hội chứng chân không yên không được coi là bệnh nặng, nó cũng không gây nguy hiểm chết người nhưng lại được coi là kẻ giết người thầm lặng. Bởi nó đến không có dấu hiệu báo trước, không gây nên vết thương hay chảy máu nào. Nhưng có thể khiến cho người ta bức bối khó chịu và ức chế thần kinh trong thời gian dài.
Vì bứt rứt khó chịu cả đêm nên người mắc không thể ngủ ngon giấc. Mất ngủ cũng chính là lý do phổ biến nhất khiến bệnh nhân RLS tìm kiếm tư vấn ý tế. Tình trạng này càng kéo dài, các triệu chứng càng ảnh hưởng rộng đến các các vị trí khác của cơ thể ngoài chân, ví dụ như tay.
Hội chứng chân không yên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ở các mức độ khác nhau, tùy theo mức độ của các triệu chứng. Nhiều người vì không ngủ đủ giấc dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, tinh thần đi xuống, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và các mối quan hệ xã hội.
Sự gián đoạn về thời lượng và chất lượng giấc ngủ, sự tỉnh táo vào ban ngày có thể góp phần gây ra trầm cảm và lo lắng, có thể dẫn đến bệnh tim mạch và huyết áp cao.
Đối với trẻ em, hội chứng này thường được các bé mô tả là “đau, mỏi chân, muốn chạy”. Hội chứng này khiến trẻ ngủ không yên, tác động xấu đến giấc ngủ, tâm trạng và nhận thức. Lâu dần sẽ có những thay đổi về hành vi và ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, thiếu khả năng tập trung.
Làm thế nào để chữa trị?
Đáng buồn thay, câu trả lời là do khoa học chưa xác định được chính xác nguyên nhân nên không có cách nào dứt điểm hội chứng này. Các bác sĩ hiện nay vẫn chỉ đang áp dụng nhiều phương pháp và các loại thuốc điều trị chứng nhức mỏi cơ và thiếu ngủ để tạm thời làm suy giảm các biểu hiện.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyên rằng, nên giữ lối sống lành mạnh, thể dục thể thao và ăn uống đủ dinh dưỡng, đảm bảo cơ thể không bị thiếu hụt vi chất nào.
Trước khi ngủ có thể ngâm chân nước ấm hoặc matxa nhẹ nhàng hai bắp chân. Tránh các chất kích thích trước khi ngủ để dễ ngủ hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận