TTCT - Tại sao giải pháp cho việc thiếu bác sĩ không thể đơn giản chỉ là tăng cả số lượng lẫn thời gian đào tạo thầy thuốc? Ảnh: aamc.orgTừ Á đến Âu, tình trạng dân số già đi khiến nhu cầu về bác sĩ, y tá và điều dưỡng tăng mạnh. Tuy nhiên, học phí đắt đỏ, chỉ tiêu tuyển sinh và bác sĩ nội trú ít, điều kiện làm việc khắc nghiệt và lương bổng hạn chế ở nhiều nơi đã khiến việc giải bài toán thiếu nhân lực của ngành y rối như tơ vò.Thiếu bác sĩ dẫn đến những hậu quả cay đắng mà đại dịch COVID-19 đã một lần cảnh báo chúng ta. Tại sao giải pháp không thể đơn giản chỉ là tăng cả số lượng lẫn thời gian đào tạo thầy thuốc?Hàn Quốc: bác sĩ nổi giậnHàng trăm bác sĩ tập sự và nội trú ở nhiều bệnh viện lớn ở Hàn Quốc đã đình công trong tuần từ 19-2 vừa rồi để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y thêm 65% của chính phủ. Một quan chức Bộ Y tế cho biết Hàn Quốc có hơn 6.000 bác sĩ tập sự và hơn một nửa số này đã nộp đơn nghỉ việc dù các bệnh viện không chấp nhận đơn thôi việc của họ, theo Hãng thông tấn Yonhap.Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc cho biết họ sẽ "phản đối đến cùng" nếu chính phủ vẫn thúc đẩy kế hoạch tăng chỉ tiêu của trường y. Theo chính phủ, dân số đang già đi nhanh chóng đã nhấn mạnh tính cấp thiết của việc phải có thêm y bác sĩ ở Hàn Quốc. Nhưng những người biểu tình nói rằng Hàn Quốc không thiếu bác sĩ trong toàn ngành. Thiếu bác sĩ chỉ xảy ra ở một số chuyên khoa như cấp cứu và ở khu vực nông thôn. Họ cho rằng chính phủ đang phớt lờ nguyên nhân cơ bản khiến không bác sĩ thực tập nào muốn làm ở khoa cấp cứu: môi trường làm việc khắc nghiệt và lương thấp. Họ cũng cho rằng tăng tuyển sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế.Khảo sát của Hiệp hội bác sĩ nội trú Hàn Quốc cho thấy các bác sĩ trẻ thường xuyên phải làm nhiều ca, kéo dài tổng cộng hơn 24 giờ. Nhiều người phải làm việc hơn 80 giờ/tuần. "Hệ thống y tế ở Hàn Quốc đầy vấn đề. Tôi không thấy tương lai nào cho mình trong 5-10 năm tới ở khoa cấp cứu" - Park Dan, người đứng đầu Hiệp hội bác sĩ nội trú Hàn Quốc, cho biết. Park nghỉ việc ở khoa cấp cứu Bệnh viện Severance ở Seoul từ ngày 19-2. Ông cho rằng với chính sách bảo hiểm và thanh toán hiện nay, chỉ có các bác sĩ thẩm mỹ là có cuộc sống đàng hoàng.Các bác sĩ hô khẩu hiệu trong một cuộc biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nhằm tăng tuyển sinh vào trường y ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 3 tháng 3 năm 2024. Ảnh: REUTERSPhần lớn người Hàn Quốc ủng hộ việc tăng chỉ tiêu trường y vốn hầu như không thay đổi kể từ năm 2006. Hàn Quốc có tỉ lệ 2,6 bác sĩ/1.000 dân, thấp hơn nhiều với mức trung bình 3,7 ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Kế hoạch của chính phủ là tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào trường y lên khoảng 5.000 sinh viên mỗi năm từ mức 3.000 sinh viên hiện nay. Nếu không, đến năm 2035, Hàn Quốc sẽ thiếu khoảng 10.000 bác sĩ so với nhu cầu.Đây không phải là lần đầu trong những năm gần đây Chính phủ Hàn Quốc hối thúc việc đào tạo thêm sinh viên ngành y. Năm 2020, chính quyền của Tổng thống Moon Jae In đề xuất tăng số lượng tuyển sinh vào trường y lên 4.000 trong 10 năm. Dù mỗi năm chỉ thêm 400 chỉ tiêu, kế hoạch này đã phải gác lại do vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng y tế với một chiến dịch đình công kéo dài khoảng một tháng.Đến đầu tuần qua, các cuộc đình công đã khiến hoạt động của hệ thống bệnh viện ở Hàn Quốc bị ảnh hưởng, nhiều cuộc phẫu thuật phải dời ngày, người bệnh bị mắc kẹt trong cuộc thương lượng giữa chính quyền và các bác sĩ trẻ. Nhiều người dân Hàn Quốc cho rằng các bác sĩ trẻ đang bảo vệ lợi ích của họ một cách ích kỷ do lo sợ cạnh tranh nghề nghiệp tăng sẽ làm giảm thu nhập và địa vị xã hội của họ.Mỹ: nút thắt cổ chaiThiếu nhân viên y tế cũng là căn bệnh trầm kha ở nền kinh tế hàng đầu thế giới - nước Mỹ. Trang Medschool Insiders dẫn cảnh báo của Hiệp hội các trường y Mỹ rằng nước này đang thiếu khoảng 20.000 bác sĩ. Nếu không có lộ trình khắc phục, Mỹ sẽ thiếu từ 38.000 - 124.000 bác sĩ vào năm 2034 tùy vào các biến động khác như nhân khẩu học, kinh tế và những đột phá của ngành y. Có 5 lý do khiến Mỹ có ít bác sĩ: thời gian đào tạo dài, chi phí học ngành y cao, chỉ tiêu bác sĩ nội trú hạn chế, ít bác sĩ nước ngoài và nhu cầu bác sĩ tăng do dân số già.Để trở thành bác sĩ ở Mỹ, sinh viên phải hoàn thành 4 năm đại học, sau đó là 4 năm đào tạo y khoa và từ 3 - 7 năm làm bác sĩ nội trú. Trong khi đó, nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ… không yêu cầu bằng cử nhân đầu tiên. Tại các nước này, sinh viên học 5 - 6 năm chuyên môn y khoa và làm bác sĩ nội trú từ 3 - 8 năm tùy quy định hoặc chuyên môn người đó lựa chọn.Tính sơ, để trở thành bác sĩ thực thụ sau khi tốt nghiệp trung học ở Mỹ, nhanh nhất là 11 năm, trong khi ở các nước châu Âu là 9 năm. Tuyển sinh vào trường Y ở Mỹ cũng rất cạnh tranh. Số liệu cho thấy chỉ khoảng 36% thí sinh nộp đơn vào các trường đại học Y ở Mỹ trúng tuyển.Y bác sĩ ở Mỹ đúng là được trả lương trung bình cao hơn so với các đồng nghiệp của họ ở châu Âu - khoảng 242.000 USD/năm với bác sĩ gia đình và 344.000/năm với bác sĩ chuyên khoa nhưng học phí cũng cao hơn đáng kể và không phải ai cũng đủ can đảm vay số tiền khổng lồ này. Trên cơ sở chi phí của năm 2022, học phí trung bình của các trường y ở Mỹ là khoảng 55.000 USD/năm, thậm chí hơn 70.000 USD/năm. Sinh viên y khoa thường tốt nghiệp với khoản nợ học phí 242.000 USD, một số người có thể nợ đến hơn 400.000 USD nếu vay cả học phí và sinh hoạt phí.Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân mắc COVID-19 ở Mỹ, tháng 1 năm 2022. Ảnh: REUTERSNhưng có lẽ yếu tố lớn nhất hạn chế khả năng tăng số lượng bác sĩ của Mỹ là chỉ tiêu bác sĩ nội trú mỗi năm bị giới hạn. Để trở thành một bác sĩ thực thụ ở Mỹ, sinh viên phải làm bác sĩ nội trú từ 3 - 7 năm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, số lượng sinh viên y tốt nghiệp mỗi năm nhiều hơn số vị trí bác sĩ nội trú các bệnh viện có thể đáp ứng. Năm 2022, có khoảng 6.400 (15%) sinh viên y đăng ký tìm vị trí bác sĩ nội trú nhưng không có nơi nhận. Những sinh viên bơ vơ này sẽ phải tạm làm nghiên cứu hoặc làm công việc khác, trong khi tiếp tục nộp hồ sơ.Với Mỹ, có một giải pháp đơn giản là tăng chỉ tiêu bác sĩ nội trú nhưng điều này lại vướng các quy định về tài chính không dễ thay đổi. Tiền cho chương trình bác sĩ nội trú phần lớn đến từ bảo hiểm Medicare. Medicare trả tiền đào tạo bác sĩ nội trú cho bệnh viện dựa vào tỉ lệ phần trăm của chi phí chăm sóc và số lượng bệnh nhân có bảo hiểm Medicare của bệnh viện.Do ràng buộc này, các bệnh viện có giá dịch vụ cao, thường ở thành phố lớn, sẽ nhận được nhiều tiền hơn bệnh viện ở nông thôn - vốn ưu tiên chăm sóc cơ bản. Theo thời gian, các bệnh viện ở nông thôn nhận được ít tiền hơn và có ít bác sĩ nội trú hơn.Mỹ đã mở rộng việc đào tạo và tăng số sinh viên ngành y tốt nghiệp hằng năm nhưng thắt cổ chai về số lượng bác sĩ nội trú đang khiến nhiều sinh viên y bơ vơ. Giải quyết vấn đề này cần nguồn tài trợ lớn từ liên bang cho các bệnh viện và câu hỏi đầu tiên luôn là tiền đâu.Anh: cũng chuyện tiền đâuTiền cũng là vấn đề khiến các trường y ở Anh không thể tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y mặc dù dịch vụ y tế quốc gia (NHS) của nước này cho biết họ thiếu y bác sĩ trầm trọng nhiều năm nay.Ở Anh, sinh viên trong nước chỉ phải đóng một khoản học phí nhỏ - khoảng 10.000 bảng/năm để học ngành y, thấp hơn khoảng 4,5 lần so với mức học phí đối với sinh viên quốc tế, khoản còn lại được tài trợ từ ngân sách. Muốn tăng chỉ tiêu đào tạo sinh viên y trong nước, các trường phải chờ ngân sách hoặc từ các nguồn tài trợ khác.Giữa năm 2023, Thứ trưởng Y tế Andrew Stephenson và Thứ trưởng giáo dục Robert Halfon hứa hẹn sẽ tăng gấp đôi số lượng nhân viên y tế vào năm 2031, bằng cách tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường y, từ 7.500 hiện nay lên 15.000 suất, ưu tiên các trường ở những khu vực bị thiếu nhân lực y tế trầm trọng.Thực tế không như mơ. Mới thứ hai rồi (25-2), tờ The Observer tiết lộ những trao đổi bị rò rỉ của lãnh đạo hai bộ trên cho thấy ngân sách chỉ có thể (không chắc chắn) tài trợ 350 chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường y trong năm tài chính 2025-2026. Lãnh đạo các trường y bức xúc vì "mừng hụt" đồng thời cũng chỉ ra với tốc độ "chậm như sên" này, Anh sẽ mất đi rất nhiều chi phí cơ hội - sẽ mất hơn 21 năm để hoàn tất mục tiêu tăng gấp đôi số lượng sinh viên ngành y của chính phủ. Tiết lộ của The Observer đến trong bối cảnh các bác sĩ nội trú ở Anh vừa bắt đầu đợt đình công mới nhất để yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc.Rất nhiều bác sĩ trẻ ở Anh muốn ra nước ngoài làm việc trong khi các bác sĩ giàu kinh nghiệm nghỉ hưu hoặc chuyển sang làm tư. Số bác sĩ nghỉ hưu sớm tăng gấp ba lần trong 13 năm qua ở Anh. Nếu cứ để bác sĩ cả trẻ lẫn già đều rời đi, ngành y tế sẽ không thể đáp ứng nhu cầu của dân số và áp lực sẽ càng đè nặng lên đội ngũ hiện tại. Số liệu hồi tháng 9-2023 của NHS cho thấy có 121.070 vị trí tại bệnh viện hoặc phòng khám còn trống. Đến năm 2030, cứ 4 vị trí bác sĩ chăm sóc cơ bản thì 1 vị trí trống. Tháng 7-2023, Chính phủ New Zealand thông báo sẽ tài trợ thêm cho 50 sinh viên y khoa từ năm học tới (2024), giúp nâng số lượng tuyển sinh ngành y trong nước lên 589 suất mỗi năm. Tuy nhiên, Hiệp hội bác sĩ nội trú New Zealand ước tính cần 300 sinh viên ngành y tốt nghiệp mỗi năm để dịch vụ y tế nước này theo kịp đà tăng dân số, già hóa dân số và thay thế các bác sĩ đã nghỉ hưu. 50 suất tài trợ là con số nhỏ, nhưng quy ra tiền thì không phải ít: chi phí đào tạo một bác sĩ ở xứ kiwi là 62.000 đô la New Zealand/sinh viên/năm, trong đó sinh viên trả khoảng 25%, phần còn lại là chính phủ hỗ trợ, theo trang Stuff. Tags: Bác sĩDân số giàBác sĩ nội trúThiếu bác sĩ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.