Thật không hiểu nổi vì sao chi phí điều trị bệnh viêm họng hạt lên tới 15 triệu đồng mà bệnh nhân hoàn toàn là nông dân vẫn móc tiền ra trả? Không hiểu vì sao một chai dịch truyền giá niêm yết chỉ 8.800 đồng nhưng bán cho bệnh nhân những 300.000 đồng? Bất biết bệnh gì, cứ đến đây là được truyền dịch, chiếu tia hồng ngoại, xông họng bằng khí dung, thế mà cũng mất hàng chục triệu đồng. Có người tiền ăn chẳng có, đành cầm hơi ở gánh cháo rẻ tiền ngay cổng phòng khám. Tiền chữa bệnh không đủ thì để lại chứng minh nhân dân, thẻ ra vào cơ quan, thẻ đoàn viên, bằng lái xe...
Niềm tin nào khiến những người nghèo bỏ đồng tiền mồ hôi lặn lội ra Hà Nội chữa bệnh? Họ nói xem tivi, thấy quảng cáo liên tục ở đây “điều trị một lần có hiệu quả”. Nào ngờ đến mới thấy, điều trị phải nhiều lần, nhiều ngày, tốn nhiều tiền, hiệu quả thì... còn tùy.
Mới đây, một bệnh nhân sau khi đi chữa bệnh ở phòng khám Việt Hải tức anh ách vì đã trả cả đống tiền mà bệnh chưa khỏi, khiếu nại thì nhận được tờ giấy ghi “có vấn đề gì, phòng khám không chịu trách nhiệm”. Hàng trăm bệnh nhân đã ngậm đắng nuốt cay cầm những tờ giấy, từ hơn 10 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc tương tự như vậy ở Hà Nội, phải đến bệnh viện điều trị lại vì bệnh vẫn còn đấy hoặc đã biến chứng, chỉ tiền là... ra đi.
Phòng khám giữa Hà Nội, có giấy phép hoạt động, có giấy phép quảng cáo mà sai phạm hàng loạt, kéo dài, lặp đi lặp lại. Ai có trách nhiệm trong chuyện này? Đi hỏi thì người ta bảo là chả ai phải chịu trách nhiệm. Kiểm tra phòng khám sai phạm chưa? Thì kiểm tra rồi, phát hiện sai phạm rồi, nhưng phạt cho tồn tại. Vì sao không đóng cửa phòng khám sai phạm nhiều lần? Câu trả lời là mỗi lần sai phạm khác nhau! Còn quảng cáo thì ở trên tivi, đã là quảng cáo, nói về mình thì ai chả tự nói hay nói tốt, người nào tin thì đành chịu, bắt đền làm sao được. Và thế là phòng khám cứ tồn tại, sai phạm cứ tiếp diễn, người dân cứ bị lừa.
Dịch vụ y tế khác hẳn các dịch vụ khác, là dịch vụ có điều kiện, nội dung quảng cáo cần được cơ quan chức năng cho phép. Từ ngày 1-1-2011, Luật khám chữa bệnh có hiệu lực, nghiêm cấm hành vi quảng cáo gian dối, hành nghề quá phạm vi chuyên môn và yêu cầu rất cụ thể với bác sĩ người nước ngoài hành nghề ở VN. Nhưng người bệnh với hiểu biết của mình thật khó để phát hiện quảng cáo gian dối, phạm vi chuyên môn của phòng khám...
Họ trông cậy vào cơ quan chức năng. Nhưng dường như ở vấn đề phòng khám Trung Quốc, cơ quan chức năng sử dụng cung cách cũ để ứng xử với những sai phạm không mới, tạo điều kiện để các phòng khám tiếp tục sai phạm, một số người được lợi, chỉ có người bệnh là chịu thiệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận