Dịch giả Nguyễn Như Huy (bìa trái) trong buổi ra mắt sách - Ảnh: BẢO LONG |
Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với dịch giả, nghệ sĩ Nguyễn Như Huy trước buổi gặp gỡ với bạn đọc sáng nay tại TP.HCM của anh.
* Từng được New York Times bình chọn là một trong những cuốn sách viết về nghệ thuật hay nhất năm 2008, nhưng một cuốn sách về nghệ thuật, nhất là nghệ thuật đương đại, vẫn bị xem là kén người đọc. Lý do nào khiến anh chọn nó để giới thiệu ở Việt Nam?
- Thú thực là tôi luôn tin đây là cuốn sách không kén người đọc. Việc nó được dịch 15 thứ tiếng (bản tiếng Việt là thứ tiếng thứ 16) từ các nhà xuất bản đại chúng (không phải các bản tu thư đại học hay các nhà xuất bản chuyên môn về lý thuyết) cho thấy nó thỏa mãn nhu cầu có thật của đông đảo công chúng khắp thế giới.
Ngoài ra, tôi là người vừa hoạt động trong lĩnh vực lý thuyết vừa là nghệ sĩ thực hành, đồng thời vừa làm công việc giám tuyển cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. Nhìn một góc độ nào đó, tôi khá biết công chúng cần gì, đang thiếu gì và điều gì sẽ giúp họ.
Nhưng thách thức chính là: Làm sao thuyết phục các nhà xuất bản rằng họ sẽ thắng, lao động để tạo ra một ngôn ngữ dịch thuật gần gũi và truyền tải thông tin về sự hữu ích của cuốn sách đến cho mọi người, giúp họ biết rằng đây không phải là một thứ gì hũ nút hay màu mè rắc rối, mà là điều những người đang hoạt động trong “thế giới nghệ thuật” tại Việt Nam cần biết.
* Mới xuất bản 2 tuần, sách đã được tái bản. Theo anh, điều gì khiến Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật vượt ra khỏi định kiến kén người đọc ấy?
- Cuốn sách ra đời đúng thời điểm nghệ thuật Việt Nam có vẻ như đang bước vào thời kỳ nở rộ cả về thực hành lẫn thương mại. Thêm vào đó là cả sự bừng nở của khung cảnh nghệ thuật khu vực với các hội chợ nghệ thuật lẫn các triển lãm lưỡng niên thi nhau xuất hiện, mời gọi công chúng trong khu vực - có Việt Nam tham dự.
Chính bởi điều này, nhu cầu cho một sự hiểu biết tường tận về cơ chế bên trong của nghệ thuật đương đại thế giới xuất hiện và phần nào được Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật thỏa mãn.
Tôi đã nhận được nhiều tin nhắn bày tỏ sự đón nhận cuốn sách, từ nghệ sĩ (hiện đại lẫn đương đại, già và trẻ) đến người quan tâm nghệ thuật, từ nhà sưu tập nghệ thuật tới các người làm kinh doanh thuần túy.
Những điều này cho thấy dự đoán khá đúng của tôi về tính hữu dụng của cuốn sách cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam. Nói ngắn gọn, nó đã có ích. Đây là điều làm tôi rất hạnh phúc.
* Ngoài vấn đề thời điểm, theo anh, cách viết, cách tiếp cận nghệ thuật của Sarah ở cuốn này có gì đặc biệt khiến nó nhận được sự chia sẻ tương đối dễ dàng với bạn đọc?
- Quyển sách là một công trình nghiên cứu khoa học, song đối tượng nghiên cứu của nó lại là một thế giới, có thể nói phi khoa học nhất: thế giới nghệ thuật. Ngoài ra, Sarah Thornton đã chọn phương pháp nghiên cứu “nhân học thực địa”, mang lại cho độc giả cảm giác ở trong show truyền hình thực tế.
Ở đó, chúng ta được tác giả cho thấy, gặp gỡ và đối thoại với các nhân vật hàng đầu, các sự kiện tột đỉnh hay các bước ngoặt quan trọng cùng nghệ thuật thế giới. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh khác với các show truyền hình thực tế, Sarah không hề tìm cách giải trí chúng ta một cách nông cạn.
Trái lại, bà đưa chúng ta vào tâm điểm của các sự kiện nghệ thuật, gặp gỡ những con người ẩn mật nhất của thế giới nghệ thuật, tham dự các trao đổi riêng tư nhất là để chúng ta tỉnh ngộ, hay nói cách khác, giúp chúng ta không còn bị thế giới ấy làm lóa mắt ở các chiêu trò bên ngoài của nó.
Và rồi mục đích cuối cùng là gì? Đó chính là cách để chúng ta tìm lại tình yêu đích thực với nghệ thuật đích thực, với nghệ sĩ đích thực, với các tác phẩm đích thực, tức những gì chỉ là những phần trăm ít ỏi trong thế giới nghệ thuật nhưng thiếu nó, thế giới ấy không thể tồn tại.
Như vậy, đây không chỉ là một cuốn sách giải trí, nó còn là cuốn sách có tính khai sáng - đó là điều giúp nó có chỗ đứng trong công chúng ở các quốc gia khác nhau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận