TTCT - “Các em có hiểu không?” - vừa hỏi bằng câu tiếng Việt lơ lớ mới học, giáo sư Shingo Sato vừa tự tay cắt từng mẫu rập, chỉ bảo tường tận cách xếp, cách may cho các sinh viên đến với FACE (viết tắt từ Fashion, Art, Contemporary, Emotion) tại một buổi học đầu tháng 5 vừa qua. Phóng to Giáo sư Shingo Sato (bìa phải) hướng dẫn học viên cách cắt vải đúng tỉ lệ - Ảnh: Quang Định Là người đầu tiên sáng tạo và truyền bá kỹ thuật Transformational Reconstruction Cutting (TR Cutting - phá vỡ cấu trúc rập) danh tiếng trong ngành thời trang, giáo sư Shingo Sato được tờ The Financial Times gọi là “nhà thiết kế thời trang thay đổi ngành may mặc thế giới”. Hiểu nôm na, TR Cutting là kỹ thuật xóa bỏ các đường ben, đường ráp thông thường. Nó đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo và cả tư duy logic của người thực hiện vì một mẫu có thể phải thực hiện suốt từ 10g sáng đến 4g chiều. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề ở FACE (*). Vào “xưởng thời trang” “Sự đam mê học hỏi và thân thiện của các em khiến tôi cảm động vô cùng. Cảm giác vui vẻ đó thậm chí hơn cả ở Milan hay Paris vì ở đó sinh viên quá đầy đủ với rất nhiều lựa chọn, họ không thật sự trân trọng những bài giảng mới. So với những trang thiết bị hiện đại ở nước ngoài, ở FACE tất nhiên còn nhiều thiếu thốn. Tuy nhiên điều đó không làm cản trở việc tự học, tự nâng cao kỹ năng của các em”. Giáo sư Shingo Sato (người sáng lập Trường TR Cutting School tại Milan, Ý và đang giảng dạy tại các trường thời trang nổi tiếng thế giới như Central Saint Martins, Bunka Fashion, FIT...) Dưới sự hướng dẫn chuyên nghiệp của giáo sư Shingo, các học viên có thể thực hành cắt vẽ, xếp, may cả ngày không biết mệt, mặc cho phòng ốc nhỏ hẹp, thời tiết nóng hầm hập. Gần như các buổi học đều kéo dài quá thời gian quy định. Chia ra từng nhóm nhỏ chỉ khoảng 2-3 bạn, giáo sư liên tục di chuyển, xem xét từng đường kim mũi chỉ, cách đặt thước, cắt vải của các bạn, hướng dẫn chi tiết đến cả việc dùng bút bi (thay vì bút lông) để vẽ sắc nét hơn các góc nhọn, hay dùng băng keo để dán lại những góc vải có thể bị tưa… “Sau khi dạy xong, thầy còn ngồi ở xưởng đến tối để vẽ từng mẫu rập cho từng bạn. Hơn 20 mẫu, không cái nào giống cái nào” - Hoàng Yến, sinh viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, nói. Không chỉ có học viên của FACE, các buổi học của giáo sư Shingo thu hút cả giảng viên ngành thiết kế thời trang, những nhà thiết kế, stylist đã làm việc lâu năm. Từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ để tham gia lớp học này, nhà thiết kế Hoài Trần cho biết: “Tôi rất thích kỹ thuật TR Cutting của thầy. Tôi cũng biết nhiều trường thời trang danh tiếng ở Anh, Pháp, Mỹ rất khó khăn mới mời được thầy về. Khi biết tin thầy đến Việt Nam, tôi đã thu xếp để tham gia lớp học. Đúng là không uổng phí khi tôi được thầy trực tiếp sửa cho từng đường may, cách tạo khối… Hạnh phúc lắm, như chạm vào một giấc mơ vậy!”. Không chỉ có thầy Shingo, FACE còn tiếp đón nhiều giáo viên nổi tiếng khác như Julian Roberts của Trường thời trang Royal College of Art ở London (Anh) dạy về Subtraction Cutting (kỹ thuật phá bỏ cấu trúc rập trên một diện tích vải lớn, tạo ra nhiều mảng lồi lõm trên trang phục), nhà thiết kế người Pháp gốc Việt Linda Mai Phung dạy tư duy thời trang, họa sĩ nghệ thuật đương đại người Pháp gốc Việt Trúc-Anh dạy về minh họa thời trang (vẽ các mẫu vật như giày, túi xách, nón)… Mời được những người thầy danh tiếng như thế, FACE khiến nhiều người nghĩ rằng đây là một trường đào tạo có tiềm lực kinh tế mạnh. Nhưng đây chỉ là một “xưởng thời trang” rộng chưa đến 30m2. Phóng to Học viên chăm chút cho từng thiết kế - Ảnh: Quang Định “Tại sao các em không biết?” Từng đoạt giải cuộc thi Vietnam Collection Grand Prix năm 2009, sau hai năm học tập ở nước ngoài trở về, Ojo Coco rất trăn trở với những câu hỏi của các học viên về thời trang thế giới. “Có những kiến thức đã rất cũ đối với thế giới rồi, ví dụ kỹ thuật Drapping 3D (vẽ mẫu lên vải thô và mặc trực tiếp cho manơcanh, thay vì vẽ mẫu 2D trên giấy), vậy mà thậm chí các sinh viên năm thứ tư vẫn không hề được tiếp cận. Thấy các em ham muốn theo học những kỹ thuật hiện đại, tôi nghĩ cần tạo ra sự thay đổi nào đó” - Ojo nói. Nói là làm, Ojo bắt đầu với một nhóm sinh viên học về kỹ thuật mới ngay tại nhà mình, rồi chuyển dần qua căn phòng chung cư để ra dáng hình một lớp sinh hoạt về thời trang hơn. Bên cạnh kiến thức truyền đạt, cô cũng nỗ lực mời thêm nhiều nhà thiết kế, giảng viên thời trang “đắt giá” trên thế giới. “Khi mở FACE, điều vui nhất của tôi là có được sự ủng hộ, động viên của những người thầy, người bạn trong nghề. Với mong muốn giúp cho ngành thời trang Việt Nam khởi sắc hơn, mọi người đã không ngại xa xôi, chi phí ít ỏi, đến với FACE để giảng dạy rất nhiệt tình” - Ojo chia sẻ. Hiện FACE có 30-40 bạn sinh hoạt cố định. Suốt năm, căn phòng nhỏ này luôn nhộn nhịp sinh viên đến làm bài tập, trao đổi ý tưởng đề án thiết kế. Không mang vác nặng nề sách vở, ở đây họ buộc phải chạm trực tiếp vào vải, toát mồ hôi với những đường vẽ, cách tạo ben, nhấn nhá hình khối, nhỏ từng giọt sáp ong nhuộm vải… Phóng to Ảnh nhân vật cung cấp Những nhà thiết kế nhỏ tuổi nhất Bền bỉ suốt hai năm bằng những kiến thức mới và hiện đại, FACE trở thành chiếc nôi của khá nhiều nhà thiết kế đoạt giải hoặc lọt vào top 10, top 5 của các cuộc thi thời trang tại Việt Nam. Điều đặc biệt là kèm theo danh hiệu của nhà thiết kế đoạt giải luôn có dòng chữ “thí sinh nhỏ tuổi nhất”, thể hiện sức sống đang chảy mạnh tại ngôi nhà thời trang này. Ngô Hoàng Kha (sinh 1993) là một trường hợp. Đoạt giải nhì cuộc thi Her World Young Designer năm 2012 khi mới bước vào năm 2 Đại học Kiến trúc, mới đây Kha trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất lọt vào vòng chung kết Audi Star Creation 2013, cuộc so tài của 12 nhà thiết kế thời trang được chọn từ 355 bài dự thi của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á. Tay thành thạo cắt vải, thoăn thoắt làm các thao tác tạo mẫu TR Cutting, Kha nói: “Em coi xưởng làm việc như gia đình thứ hai của mình, nơi em có thể tự do sáng tạo và chia sẻ ý tưởng, kể cả điên rồ nhất”. Là người duy nhất trong gia đình theo đuổi công việc này, gần như Kha phải tự xoay xở toàn bộ chi phí học tập, thiết kế nên FACE trở thành nơi tiếp sức cho Kha rất nhiều. Một gương mặt nổi bật khác là Ngô Khánh Vân (sinh 1992), đoạt giải “Mẫu thiết kế nữ xuất sắc nhất” của cuộc thi thiết kế thời trang Rise Above 2012 với phần thưởng 100 triệu đồng cùng chuyến đi Paris. Vân cũng là người trẻ nhất trong số bốn thí sinh tranh tài tại đêm chung kết. Những ngày làm bộ sưu tập Blooming đoạt giải đối với Vân rất đáng nhớ khi gần như 24/24 giờ Vân có mặt tại FACE cùng các cộng sự, bạn bè. “Nếu không có mọi người hỗ trợ, phụ em thêu tay cả tám bộ trang phục với chất liệu, màu sắc vô cùng phức tạp thâu đêm suốt sáng, chắc không bao giờ em có thể đoạt được giải thưởng này” - Vân khẳng định. Ngoài ra, có thể kể đến những cái tên khác như Giang Tú và Xuân Nương (top 10 Rise Above 2012), Trang Nhung (giải Phong cách Youth Designer 2012), Thanh Giang (giải Khuyến khích Aquafina 2012)… Tất cả đều thuộc thế hệ 9X, người lớn tuổi nhất sinh năm 1991. Không chỉ là giải thưởng, món quà lớn nhất mà FACE mang đến cho các học viên còn là sự định hướng rõ ràng cho con đường theo đuổi. Nhà tạo mẫu Đông Nguyên, cựu sinh viên Đại học Kiến trúc, cho biết: “Thật ra trong ngành thời trang có rất nhiều nhánh khác nhau, từ chất liệu đến thiết kế, tạo hình… thậm chí là nhạc thời trang cho các buổi diễn trên sàn catwalk. Các bạn có thể thích một nhánh nào đó, nhưng nếu không có điều kiện thử thì mãi mãi sẽ thấy rất mơ hồ. Đến khi vào FACE, xắn tay vào làm, hầu hết các bạn mới biết chính xác mình thích và phù hợp với chuyên môn nào”. Một khi đã biết phải đi đường nào, tất nhiên cách đi và thời gian đi sẽ thuận lợi hơn với những gương mặt còn rất trẻ và căng tràn đam mê thời trang này. Phóng to Bộ sưu tập đoạt giải nhất cuộc thi Rise Above 2012 của Khánh Vân - Ảnh nhân vật cung cấp Trúc - Anh, họa sĩ nghệ thuật đương đại người Pháp gốc Việt, từng là giảng viên Trường Nghệ thuật quốc gia Bỉ, giảng viên môn minh họa thời trang tại FACE, nhận xét: “Tại các nước đang phát triển, vai trò của những tổ chức như FACE rất quan trọng trong việc kết nối sinh viên trong nước với ngành thời trang thế giới… Tôi nghĩ để một quốc gia thật sự phát triển về thời trang, các nhà thiết kế, dù là trẻ, cũng phải tạo ra được dấu ấn riêng về phong cách và cả cách cảm thụ cái đẹp, thay cho việc chỉ đi bắt chước các mẫu thời trang của Mỹ, Pháp, Nhật... Và các em ở FACE đang bước đầu thực hiện được điều đó”. ___________ (*): Được nhà thiết kế Ojo Coco thành lập từ cuối năm 2011 với vỏn vẹn 10 “học trò” là sinh viên ngành thiết kế thời trang Đại học Kiến trúc TP.HCM, FACE dần dần phát triển thành một CLB chuyên sâu về thời trang, đặt tại 18A Phan Văn Trị, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Với phương châm chia sẻ, hỗ trợ nhau trong nghề là chính, mức học phí của các khóa học ở đây chủ yếu chỉ để trang trải tiền điện, nước, trang thiết bị cắt may. Riêng các buổi giao lưu với những nhà thiết kế, giảng viên danh tiếng đều miễn phí. Trong hai ngày 1 và 2-6, từ 8g-11g30, FACE tổ chức ngày hội thông tin dành cho các bạn trẻ đam mê ngành thời trang đến tham quan và tìm hiểu các khóa học. Tags: Thiết kế thời trangĐOÀN BẢO CHÂUCuộc sống muôn màuGiáo sư Shingo SatoShingo SatoFACE
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
7 chiếc tiêm kích Su30-MK2 bay trên bầu trời Hà Nội NAM TRẦN 25/11/2024 Trưa 25-11, bảy chiếc tiêm kích Su30-MK2 cùng nhiều trực thăng Mi bay tập trên bầu trời quanh sân bay Gia Lâm, Long Biên, Hà Nội.
Đã tìm thấy hơn 400 bộ tiểu sành, hài cốt trên phố Tây Sơn, Hà Nội PHẠM TUẤN 25/11/2024 Cải tạo hệ thống thoát nước ở ngõ 167 Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện hơn 400 bộ tiểu sành dưới mặt đất.
Ông Trump sẽ dàn xếp chiến sự Ukraine, Israel ra sao? TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Để chứng minh mình là nhà lãnh đạo mong mỏi hòa bình và khác biệt chính quyền Biden, ông Trump đang tìm cách tạo ra một thế giới ổn định.