Chậm trễ đầu tư công: Chỉ quyết tâm là không đủ

KHÁNH LINH 31/08/2022 06:20 GMT+7

TTCT - Vấn đề gốc rễ để giải ngân đầu tư công đúng tiến độ và hiệu quả là một khung pháp lý và bộ thủ tục kiểm soát - từ đánh giá, lựa chọn, thẩm định độc lập, bố trí vốn, thực hiện, kiểm soát, vận hành và hậu kiểm.


Chậm trễ đầu tư công: Chỉ quyết tâm là không đủ - Ảnh 1.

Ảnh: Fraser Institute

Con số chưa đến 35% giá trị đầu tư công được giải ngân sau nửa năm, trong đó có những số liệu nghe vừa buồn, vừa buồn cười như 50% bộ, cơ quan trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 10%, hay như Tập đoàn Điện lực, Viện Khoa học xã hội Việt Nam... có tỉ lệ giải ngân là... 0% (Tiền Phong 16-7). Câu chuyện có tiền không tiêu được này, vừa là một vấn đề rất cũ, lại vừa có những tình tiết mới.

Có nhiều lý do khách quan: giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng đột biến do tên rơi đạn lạc bên trời Âu, giá nhiên liệu xăng dầu leo dốc xấp xỉ 30% trong vòng một quý. Với ngành xây dựng cơ sở hạ tầng - vốn được bố trí vốn đầu tư công nhiều nhất và được kỳ vọng giải ngân nhanh và hiệu quả nhất, chi phí đầu vào tăng 10-30% trong hoàn cảnh lợi nhuận lý thuyết là dưới 10%, việc không thi công là chọn lựa hợp lý nhất, vì càng làm càng lỗ thì không làm sẽ tốt hơn.

Cho dù Chính phủ có đốc thúc kêu gọi thế nào, không thay đổi đơn giá, điều chỉnh lại hợp đồng để bù lỗ, thì nhà thầu vẫn khó nhúc nhích. 

Còn để điều chỉnh giá theo kịp giá thị trường, cơ chế hiện tại khó để nhà thầu cảm thấy hài lòng, thời gian chờ điều chỉnh quá dài, không sát với biến động thị trường, đó là chưa kể các sở ngành địa phương bây giờ hầu hết trong tình trạng "thà không làm gì chứ đừng làm sai".

Nói ví dụ việc mua sắm thiết bị công nghệ cho các dự án công. Một model máy móc thiết bị xuất xứ châu Âu đã được chốt trong hợp đồng, vì lý do cuộc chiến Ukraine, nhà sản xuất không có khả năng cung cấp loại thiết bị đấy và chỉ có loại tương đương. Việc phê duyệt loại tương đương là rất khó cho vị giám đốc sở chủ quản - cho dù lý do hoàn toàn chính đáng.

Vì vậy, lý do chủ quan cũng có thể biến thành... khách quan, như cách giải thích của bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Kế hoạch đầu tư trung hạn đến tháng 7 mới được Quốc hội phê duyệt, ngân sách giải ngân có độ trễ thì thời tiết lại bước vào mùa mưa. 

Thêm nữa, thói quen của các đơn vị giải ngân đầu tư công là 6 tháng đầu năm đủng đỉnh, 6 tháng cuối năm mới bắt đầu tăng tốc, nên năm nay như thế vẫn là... bình thường.

Việc tăng tốc đầu tư công như động lực tăng trưởng chính của kỳ trung hạn 3-5 năm đã được Chính phủ hoạch định từ năm ngoái. Ngay từ đầu năm, người đứng đầu Chính phủ cũng đã lên tiếng cảnh báo nguy cơ nền kinh tế không hấp thụ được nguồn vốn đang chờ sẵn. 

Để rồi hơn nửa năm trôi qua, Quốc hội lên tiếng về sự chậm trễ, cơ quan hành pháp tức tốc lập ra các cơ chế giám sát đôn đốc giải ngân, đứng đầu là các thành viên quan trọng của Chính phủ.

Để giải tỏa mặt bằng cho đại công trình sân bay Long Thành, có hẳn một phó thủ tướng, để mở rộng đường băng Tân Sơn Nhất, đích thân Thủ tướng phải ra tay. 

Một định nghĩa về thế nào là khoáng sản trong Luật khoáng sản cũng được sửa đổi để nhà thầu cung cấp đất cát san lấp mặt bằng cho đường cao tốc quốc gia có thể cho xe đến ủi một quả đồi mà không sợ bị bắt vì tội khai thác khoáng sản trái phép. 

Không thể đòi hỏi sự quyết liệt nào hơn nữa từ các cấp điều hành. Dù thế, câu chuyện trễ nải của giải ngân đầu tư công không chỉ là chuyện của ý chí và quyết tâm ngắn hạn.

Báo cáo thực trạng về quản lý đầu tư công ở Việt Nam và các khuyến nghị cải tiến của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2018 theo đơn đặt hàng của Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu quan điểm: Chính phủ Việt Nam không thiếu các bộ luật tiệm cận chuẩn mực quốc tế về đầu tư công, cũng như không thiếu các nỗ lực gỡ bỏ các khó khăn. 

Tuy nhiên các nỗ lực đấy vẫn mang tính "dọn dẹp các phân mảnh trở ngại" để giải quyết khó khăn trước mắt hơn là giải quyết tận gốc vấn đề.

Các vấn đề gốc rễ mà WB chỉ ra là một khung pháp lý và bộ thủ tục kiểm soát hiệu quả từ đánh giá, lựa chọn, thẩm định độc lập, bố trí vốn, thực hiện, kiểm soát, vận hành và hậu kiểm. Theo WB, khung pháp lý này cần mạnh mẽ và chuyên nghiệp. 

Cụ thể, Bộ Kế hoạch và đầu tư hiện không có một công cụ tập trung để kiểm soát, đánh giá tính hiệu quả và tiến độ của các dự án đầu tư công.

Việc ưu tiên các dự án đầu tư công có hiệu quả kinh tế - xã hội thực sự phụ thuộc vào năng lực thẩm định của chuyên gia. Trong lĩnh vực này, vai trò thẩm định độc lập ở Việt Nam đang là vấn đề cần cải tiến nhất khi mà việc đề xuất dự án vẫn còn xu hướng từ dưới đưa lên.

Luật ngân sách nhà nước ban hành năm 2015 và Luật đầu tư công ban hành năm 2019 làm cơ sở cho phân kỳ đầu tư trung và dài hạn thay vì hằng năm như trước đây là những cải cách lớn để quản trị đầu tư công tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, nhưng các văn bản dưới luật lại không tạo ra được hướng dẫn thống nhất mang tính chiến lược cho hoạt động thi hành. 

Quá trình thẩm định còn mơ hồ và thiếu thực tế, trong khi quy định về quản lý và kiểm soát ngân sách lại quá chi tiết và không mang tính định hướng chính sách, làm giảm khả năng tự vận hành của cấp địa phương hay cấp ngành.■

Những nghiên cứu tình huống

WB còn đưa ra khuyến cáo để quá trình quản trị dự án công nhanh chóng được cải tiến trong khi chờ bộ máy quan liêu vận hành theo các bộ luật tiên tiến. Đó là việc sử dụng điển hình thực tế để tham chiếu cho các dự án có hoàn cảnh, môi trường tương tự. Nếu nhìn vào quá khứ gần, chúng ta có thể thấy những nghiên cứu tình huống rất hữu ích.

Một ví dụ gần đây là việc chọn nhà thầu xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Ninh tầm nhìn đến năm 2050 - hãng tư vấn chiến lược McKinsey của Mỹ, thay vì các đơn vị quy hoạch trung ương ở Hà Nội như cách làm thường thấy lâu nay. Kết quả của bản quy hoạch lập năm 2012 này là sau 10 năm, Quảng Ninh từ một địa phương kinh tế "nâu đen" - màu của than đá - trở thành một đô thị phát triển xanh - bằng du lịch và dịch vụ.

Có tư duy thuê một công ty đắt xắt ra miếng như thế làm quy hoạch, không có gì ngạc nhiên khi Quảng Ninh xây được một sân bay bề thế như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay đầu tiên được xây mới hoàn toàn ở Việt Nam sau năm 1975 và được một công ty tư nhân đầu tư xây dựng chỉ trong vòng hơn 2 năm.

Nếu có một ví dụ so sánh theo hướng ngược lại, thì đó là Biên Hòa (Đồng Nai), đô thị đi đầu công nghiệp hóa trong những năm mở cửa. Sau 30 năm, nó đã trở thành một đô thị bụi bặm và lộn xộn, dù đây là địa phương có hầu hết những thế mạnh về tự nhiên, nhân lực và xuất phát điểm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận