Bốn đội chiến thắng cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Israel 2014” do đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cùng Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức vừa được mời lên đường đến “quốc gia khởi nghiệp” vào tháng 12-2014.
Minh Thảo (đứng) trình bày ý tưởng của mình tại đại học Tel Aviv - Ảnh: Trần Nguyên |
1. Quả thật, đường còn thật là dài
Đi làm việc với những cộng đồng khởi nghiệp thế giới là như chuyện trèo cây cao. Nếu không có những mối quan hệ làm điểm tựa thì khó mà leo đến đích được |
OREN SIMANIAN (người sáng lập Trung tâm khởi nghiệp của đại học Tel Aviv) |
Nguyễn Minh Thảo, 33 tuổi, từng thất bại nhiều lần và sau đó tương đối thành công ở Hà Nội với một công ty gia công phần mềm, đã quyết định gác bỏ mọi thứ vào Sài Gòn lập nghiệp với dự án “Úm ba la”. Anh cùng hai cộng sự một ở VN, một ở Mỹ phát triển một ứng dụng nhắn tin đa phương tiện dài 12 giây, tồn tại trong 12 giờ và chỉ biến mất khi người nhận trả lời tin nhắn. Anh nhận được nhiều lời ngợi khen trước khi đụng độ một chuyên gia thứ thiệt: ông Oren Simanian - người sáng lập Trung tâm khởi nghiệp của đại học Tel Aviv.
Gọi là “ông” nhưng thật ra Oren và Thảo bằng tuổi nhau. Nhưng Oren lại đang là một ngôi sao trong làng đầu tư ở Israel và rất có tiếng nói trong lĩnh vực khởi nghiệp. Oren nghe Thảo giới thiệu mô hình và bắt đầu “tấn công”: “Anh có muốn mình tạo ra công ty 1 tỉ USD với sản phẩm này?”.
“Chắc chắn có”. “Vậy anh đang tìm kiếm nguồn đầu tư bao nhiêu tiền?”. “500.000 USD”. “Tôi nghĩ một nhà đầu tư khôn ngoan sẽ không đưa cho anh số tiền này đâu.
Vì mấy lý do sau đây: anh có bao nhiêu người dùng hiện giờ, có đủ lớn để đong đếm giá trị của sản phẩm chưa? Anh có một đội ngũ đủ giỏi cho việc tiếp thị, quản lý và vận hành khối lượng người dùng như mong muốn chưa?
Và làm thế nào để vượt trội quá nhiều đối thủ cạnh tranh thật sự mạnh trong cùng loại sản phẩm này? Chỉ bao nhiêu đó câu hỏi thôi mà chưa có câu trả lời thỏa đáng thì nhà đầu tư sẽ tính ra ngay được chỉ số rủi ro khi đưa 500.000 USD cho anh rồi”.
Oren tiếp tục: “Anh hãy viết ra trong vòng một phút danh sách 10 người quen trong mạng lưới quan hệ của mình có thể nói được tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Đức, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Quốc và tiếng Hungary đi. Nếu chưa có danh sách này thì cần phải bắt đầu xây dựng để có thể kết nối với cả thế giới”.
Oren nhìn Thảo và mỉm cười: “Nhưng điều thú vị là sản phẩm “Úm ba la” rất... thú vị. Nên nếu tôi làm, tôi sẽ sang Mỹ hoặc một quốc gia tiềm năng nào đó, tham gia một vườn ươm doanh nghiệp để có thể hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, tìm kiếm thêm những đối tác đủ mạnh để bù đắp những khoảng trống của một công ty khởi nghiệp hoàn hảo”.
Thảo bảo đang trong quá trình nộp hồ sơ sang Mỹ, Oren hỏi nộp kiểu gì và lại mỉm cười: “Đừng nộp hồ sơ khi chưa nói chuyện với những nhân vật quyết định quy trình này. Cứ tìm đi, sẽ thấy có vài mối quan hệ dẫn đến cuộc trao đổi với họ.
Đi làm việc với những cộng đồng khởi nghiệp thế giới là như chuyện trèo cây cao. Nếu không có những mối quan hệ làm điểm tựa thì khó mà leo đến đích được”.
Cuộc chạm trán kết thúc. Và Minh Thảo có vẻ thỏa mãn với kết quả của cuộc “tấn công” này. Những điều thẳng thắn mà Oren chia sẻ có lẽ tốt hơn những khen ngợi mà anh hay nhận được xung quanh mình. Quả thật, đường còn thật là dài.
2. Một phút cho đối thủ cạnh tranh
Đừng cắm đầu vào việc sáng tạo ra cái mới theo ý thích của mình, hãy nghiên cứu thủ, xem những tiêu chuẩn đang được chấp nhận bởi thị trường để có một nền tảng bắt đầu... |
MOSHE SARFATY (ông chủ của quỹ đầu tư mạo hiểm mang tên Krypton) |
Cuộc “tấn công” thứ hai là của Moshe Sarfaty - ông chủ của quỹ đầu tư mạo hiểm mang tên Krypton của Israel - với Nguyễn Hải Triều. Moshe từ một cậu trai làng ở tỉnh lẻ của Israel, học đại học Yale (Mỹ) rồi làm việc cho nhiều ngân hàng, quỹ đầu tư lớn trước khi về Israel lập nghiệp.
Hải Triều không phải là người non tay mà đã có bề dày thành tích điều hành doanh nghiệp phần mềm quốc tế trước khi chọn ra riêng với dịch vụ tổng hợp và phân tích dữ liệu thương hiệu thông qua mạng xã hội mang tên Younet Media.
Thách thức được miêu tả như sau: “Giả định bạn đang phát triển một sản phẩm cạnh tranh với Công ty Lumosity chuyên về trò chơi phát triển trí tuệ và đang yêu cầu tôi đầu tư 1 triệu USD vào công ty của bạn. Vậy với một phút, tùy ý sử dụng internet hoặc điện thoại, hãy tính toán và trả lời tôi về công ty khởi nghiệp mà mình sẽ xây dựng như thế nào sau hai năm về quy mô công ty, thiết kế trang web, chi phí marketing và doanh thu...?”.
Một phút trôi qua và Hải Triều bắt đầu cuộc đánh vật với những dữ liệu có sẵn trong đầu khi mà anh không thể truy cập được Internet vì tốc độ mạng quá chậm. Anh chỉ còn cách dự đoán và đưa ra vài thông số theo cảm nhận cá nhân, dù đánh giá theo kinh nghiệm khá tốt về nguồn lực, chi phí marketing.
Moshe cười: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta không được phép đưa ra những dữ liệu mang tính cảm nhận cá nhân. Tất cả khi nói về tiềm năng, đối thủ thì phải là thông tin có nguồn gốc.
Thử xem nào, chúng ta sẽ mất 10 giây vào trang Linked-In để biết số lượng nhân viên của Lumosity, mất thêm 10 giây nữa để Google ra hình dạng trang web của họ, thêm 10 giây để biết họ đang chi tiền cho quảng cáo ra sao và thu lợi nhuận thế nào, cũng chừng đó thời gian để biết rằng số người dùng hiện tại và con số họ đang được đầu tư.
Chỉ chừng đó thời gian hoặc gấp đôi, chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn và khoa học về thị trường, về đối thủ cạnh tranh. Đừng cắm đầu vào việc sáng tạo cái mới theo ý thích của mình, hãy nghiên cứu đối thủ, xem những tiêu chuẩn đang được chấp nhận bởi thị trường để có một nền tảng bắt đầu...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận