30/04/2013 07:45 GMT+7

Chậm tái cơ cấu do phải "xin nhiều ý kiến"

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) vừa có báo cáo đánh giá một năm thực hiện tái cơ cấu (TCC), trong đó nêu toàn bộ những hoạt động chính của Chính phủ, các bộ ngành...

Đáng lưu ý, bộ này công nhận các giải pháp có hiệu lực chưa nhiều và nguyên nhân một phần vì vấn đề “phức tạp” và phải được nhiều cấp chấp thuận...

fUA87AR2.jpgPhóng to
Dự kiến tháng 6-2013, Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex) sẽ hoàn tất việc cổ phần hóa công ty “mẹ”. Trong ảnh: sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty CP may Việt Tiến - thành viên của Vinatex đã cổ phần hóa từ năm 2008 - Ảnh: T.V.N.

Theo đánh giá của Bộ KH-ĐT, sau một năm thực hiện TCC, diễn biến kinh tế VN có một số chỉ tiêu cải thiện nhưng vẫn còn hàng loạt vấn đề trước mắt “hết sức gay gắt” như tồn kho, nợ xấu ngân hàng, sức cầu xã hội suy giảm...

Khắc phục một phần “bệnh dàn trải”

Liệt kê hàng loạt quyết định, văn bản đã và đang được triển khai như quyết định phê duyệt đề án hoàn thiện quản trị doanh nghiệp theo thông lệ thị trường, quyết định phê duyệt đề án TCC doanh nghiệp nhà nước (DNNN)... Bộ KH-ĐT nêu giải pháp căn bản giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính và khuyến khích đầu tư phát triển cũng đã được trình Quốc hội, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, sửa Luật đất đai...

Về kết quả một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết tồn kho, Bộ KH-ĐT cho biết trong lĩnh vực bất động sản, cơ quan chức năng đã bước đầu chuyển đổi mục đích sử dụng cho “hàng chục” dự án chung cư ở các thành phố lớn. Về TCC DNNN, Thủ tướng đã phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015 của tất cả bộ, ngành, địa phương, của các tập đoàn... Thực tế trong một năm qua, cả nước đã sắp xếp được 27 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 16, sáp nhập 5, bán 3 và chuyển thành công ty TNHH một thành viên 3 doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, Bộ KH-ĐT nêu hướng sẽ có thêm các thể chế để tạo thêm sức ép và đòn bẩy để các DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường. Cụ thể, nghị định về công bố thông tin với tập đoàn, tổng công ty; nghị định về giám sát và đánh giá kết quả hoạt động của DNNN, kể cả việc lập cơ quan chuyên trách để thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp cũng đang được nghiên cứu, soạn thảo.

Về TCC đầu tư công, các tổ chức tín dụng, Bộ KH-ĐT chỉ nêu một số kết quả như đang triển khai TCC chín ngân hàng yếu kém, đang cơ cấu lại nợ, thực hiện phân loại, đánh giá nợ xấu theo chuẩn mới phù hợp thông lệ quốc tế, yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng nhờ đó tốc độ tăng nợ xấu đã giảm xuống mức thấp. Đầu tư nhà nước đến nay cũng đã được cắt giảm cả về vốn và số dự án, vốn đã tập trung hơn, khắc phục được một bước tình trạng đầu tư dàn trải...

Không gian chính sách hạn hẹp

Cần hỗ trợ ngành cà phê, lúa gạo...

Việc TCC thời gian tới trong việc phân bố lại ngành sản xuất, Bộ KH-ĐT cho rằng cần tập trung xây dựng chương trình hỗ trợ và nâng cấp chuỗi sản phẩm VN có lợi thế cạnh tranh như cà phê, cao su, lúa gạo, cá da trơn, tôm, rau quả nhiệt đới, các loại máy móc phục vụ nông nghiệp...

Mặc dù vậy, Bộ KH-ĐT cũng thừa nhận TCC chưa đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của dư luận xã hội. Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng sở dĩ giải pháp hiệu lực và được triển khai trên thực tế chưa nhiều, chưa đáp ứng mong đợi là do TCC nói chung, nhất là TCC DNNN hay xử lý nợ xấu đều là vấn đề phức tạp, phải được thảo luận và chấp thuận ở nhiều cấp, nhiều cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, việc giải quyết các vấn đề phức tạp thời gian qua phải tiến hành thận trọng và từng bước trong một không gian chính sách... rất hạn hẹp. Để giải thích rõ hơn, Bộ KH-ĐT nêu ví dụ ngay việc xử lý nợ xấu, VN yêu cầu không được tăng chi tiêu ngân sách, không được lấy ngân sách để xử lý nợ xấu. Điều này theo Bộ KH-ĐT là “không giống như xử lý nợ xấu ở các nước khác”!

Sau khi nêu bất cập, Bộ KH-ĐT đã đưa bốn kiến nghị để đẩy nhanh TCC, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, trước khi đưa giải pháp, Bộ KH-ĐT cho rằng kinh nghiệm quốc tế cho thấy TCC thường phải tiến hành trong nhiều năm! Indonesia được đưa ra làm ví dụ và khẳng định nước này đã phải mất hơn 10 năm để chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đã xác định danh mục hơn 50 giải pháp cụ thể mà các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải triển khai trong ba năm 2013-2015. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, Bộ KH-ĐT đề nghị tập trung nguồn lực và năng lực vào bốn giải pháp chính, trong đó nhấn mạnh về TCC DNNN, cần tập trung ban hành một số văn bản mang tính bắt buộc thực hiện, như nghị định về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần... Bên cạnh đó, sẽ chọn một số tập đoàn, tổng công ty thực hiện TCC với sự theo dõi chặt chẽ và đánh giá thường xuyên, TCC toàn diện, từ thoái vốn đầu tư ngoài ngành, thoái vốn ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ đến bố trí lại nhân sự quản lý cao cấp và cuối cùng là cổ phần hóa cả công ty mẹ của tập đoàn, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong hoặc ngoài nước.

Về TCC ngân hàng thương mại, trước nghi ngờ của một số chuyên gia về thực chất số nợ xấu, Bộ KH-ĐT lần này cũng kiến nghị phải xác định chính xác nợ xấu “theo chuẩn quốc tế phổ biến”. Việc xử lý nợ xấu cũng “không phải chỉ làm sạch báo cáo tài chính của các tổ chức tín dụng mà phải giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp con nợ, chuyển được tài sản thế chấp thành vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh”.

* TS Lưu Bích Hồ (nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH-ĐT):

Nên có ban chỉ đạo

Đề án TCC nền kinh tế rất phức tạp và nhạy cảm. Vì vậy, tôi cho rằng để chỉ đạo thực hiện, nên lập ban chỉ đạo có tính liên tịch, có Chính phủ, Đảng, Quốc hội chứ để mình Chính phủ, Bộ KH-ĐT làm đầu mối thì không dễ. Nếu bên Đảng, Quốc hội vào cuộc thì sẽ thuận lợi hơn. Cứ lấy kinh nghiệm Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh là đại diện Đảng, lại đứng đầu HĐND là nhánh lập pháp địa phương, ông ấy quyết liệt đã làm được nhiều việc.

TCC đầu tư công hiện mới giải quyết được một bước bệnh dàn trải, nghĩa là mới ở bước đầu tiên. Vấn đề quan trọng là làm sao để đầu tư công vào được các dự án giúp TCC nền kinh tế, bớt được những dự án không hiệu quả và giảm được thất thoát. Bởi nếu bớt được thất thoát, VN sẽ có thêm được một nguồn lực không nhỏ, dù có thể thất thoát trong đầu tư không đến 30% như dư luận nói...

Về TCC DNNN, tôi đề nghị không nên chia ra quá nhiều loại hình DNNN để TCC như hiện nay (mức Nhà nước chiếm 100% vốn, mức chiếm 75%, rồi 65-75%)... mà nên chia ra ít hơn và cứ DNNN có dưới 75% vốn thì Nhà nước đẩy mạnh cổ phần hóa, mục đích cuối cùng là giảm số DNNN để tăng quản lý, tăng hiệu quả...

* Ông Nguyễn Đình Cung(viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Doanh nghiệp khó tự cứu mình

Các biện pháp TCC, hỗ trợ thị trường cần tư duy mới, rộng hơn. Chẳng hạn câu chuyện hỗ trợ doanh nghiệp, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ dù giảm thuế hay gì cũng chỉ như cho họ vài gàu nước, khó có thể cứu được. Tình hình hiện nay bản thân rất nhiều doanh nghiệp khó khăn không thể tự cứu mình nữa, vì vậy cần thúc đẩy để doanh nghiệp có thể thay chủ, hay bán bớt tài sản...

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên