Trẻ càng nhẹ cân hoặc càng non tháng thì khả năng mắc bệnh của trẻ càng cao, trong đó có nguy cơ tử vong, di chứng não, chậm phát triển tâm thần, nhất là với trẻ dưới 28 tuần tuổi thai hoặc dưới 1.000gr.
Thế nào là sinh non?
Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, trẻ sinh non được định nghĩa khi sinh ra trước 37 tuần tuổi thai; trước 32 tuần tuổi thai được gọi là trẻ rất non và trước 28 tuần tuổi thai được gọi là trẻ cực non.
Đồng thời phân loại theo cân nặng, trẻ dưới 2.500gr là trẻ nhẹ cân; dưới 1.500gr là trẻ rất nhẹ cân và dưới 1.000gr được gọi là trẻ cực nhẹ cân.
Trẻ sinh non tháng thường hay có cơn ngưng thở do cơ chế kiểm soát nhịp thở chưa trưởng thành. Nếu trẻ ngưng thở nên kích thích trẻ thở bằng cách xoa vào lưng trẻ hay lòng bàn chân trong 10 giây, nếu trẻ vẫn không tự thở sau kích thích phải giúp thở trẻ bằng bóp bóng qua mặt nạ.
Trẻ rất dễ hạ thân nhiệt, do đó cần giữ ấm cho trẻ. Khi tắm cho trẻ có thể tắm từng phần, lau khô ủ ấm rồi tắm tiếp phần còn lại.
Các mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ bằng phương pháp kangaroo, đây là phương pháp da kề da và phải liên tục thực hiện cho đến khi trẻ đươc 2.500gr hay khi trẻ đủ 40 tuần tuổi từ lúc mang thai. Thân nhiệt trẻ sẽ ổn định và trẻ cũng được kích thích thở qua nhịp thở của bà mẹ hay người thân.
Trẻ rất dễ trào ngược dạ dày thực quản do dung tích dạ dày nhỏ, vị thế nằm ngang gây viêm phổi do hít sặc. Nên cho trẻ nằm đầu và thân cao, có thể nghiêng phải sau ăn.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý báu giúp trẻ dễ tiêu hóa do hệ tiêu hóa còn non nớt. Cho trẻ ăn thành nhiều cữ và tăng dần lượng sữa mỗi ngày.
Nếu trẻ bú kém có thể do cách cho bú không đúng hoặc trẻ bị bệnh. Trẻ không tăng cân cũng là vấn đề lưu ý cần phải khám lại ngay.
Trẻ dễ bị nhiễm khuẩn do hàng rào miễn dịch kém, sức đề kháng yếu. Khi thấy trẻ li bì, kém vận động, thở mệt, bú kém, nôn, bụng chướng, vàng da... cần theo dõi kỹ và đưa trẻ đến bệnh viện khám, điều trị kịp thời.
Tầm soát ROP (bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non, sự rối loạn phát triển của mạch máu võng mạc do ngưng tiến trình tạo mới mạch máu có thể gây mù) cho các trẻ non tháng có yếu tố nguy cơ.
Vào ngày thứ 4 sau sinh trẻ nên được siêu âm tim để tầm soát bệnh lý tim mạch.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây sinh non, do nhiễm trùng mẹ (chiếm 40%), mẹ viêm màng ối, vỡ ối non, nhau tiền đạo, nhau bong non, bệnh lý mẹ, mẹ hút thuốc, tiền căn sanh non, stress, yếu tố kinh tế, xã hội...
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ sinh non, các bà mẹ nên khám thai thường xuyên nhằm phát hiện, điều trị sớm các bệnh lý. Trong quá trình mang thai phải có chế độ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển tốt và bổ sung vitamin, khoáng chất như: sắt, canxi, axit folic...
Hạn chế làm việc nặng nhọc quá sức, không nên hút thuốc, uống bia, rượu và nên nghỉ ngơi trước sinh 1-2 tuần. Đồng thời nên đi khám bác sĩ định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường và có biện pháp xử lý.
Các mẹ không nên lo lắng nhiều trong quá trình chăm sóc con mình, bởi việc chăm sóc trẻ đòi hỏi phải có sự kiên trì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận