09/02/2018 16:33 GMT+7

Chăm sóc trẻ những ngày xuân

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh

Những ngày tết là thời gian các bé được nghỉ học, vui chơi. Do thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, đi lại nên các bé cũng dễ mắc một số bệnh.

Chăm sóc trẻ những ngày xuân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: mirror.co.uk

Tết đến mà con bị sốt vào giữa đêm 30 hay mùng 1 thì thật là không may. Vì vậy, nhiều gia đình kiêng cữ gặp bác sĩ vào đầu năm vì sợ bệnh cả năm. Biết được những nguy cơ trẻ có thể gặp nhiều hơn vào ngày tết để chuẩn bị đối phó, âu cũng là một cách để biểu lộ tình thương yêu con của bậc làm cha mẹ.

Những ngày tết là thời gian các bé được nghỉ học, vui chơi thoải mái. Tuy nhiên do thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, đi lại nên các bé cũng dễ mắc một số bệnh lý như:

Rối loạn tiêu hóa

Là bệnh thường gặp nhất vào ngày tết. Đôi khi bé bị rối loạn tiêu hóa như nôn ói hay tiêu chảy, có thể do nhiễm siêu vi hoặc do thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc do bé ăn nhiều chất ngọt quá, nhất là nước ngọt và bánh mứt.

Tuyệt đối không nên ép bé ăn nhiều khi bé đang bệnh, chỉ cần cho bé uống thật nhiều nước. Nước trong phân lỏng mất bao nhiêu thì bé phải được bù bấy nhiêu cộng thêm nhu cầu hằng ngày.

Nếu bé có sốt thì lau mát và uống thuốc hạ sốt. Nếu cứ ăn vào ói ra hết và tiêu lỏng nhiều lần quá thì nên đưa bé đi khám.

Cách phòng ngừa tốt nhất là tạo cho các bé dù nhỏ cỡ nào cũng có thói quen rửa tay trước khi ăn và chúng ta cho các cháu ăn những thức ăn mới nấu chín, không ăn thức ăn đã được chế biến lâu, hoặc thức ăn có nhiều phẩm màu bắt mắt mà không rõ nguồn gốc như: kẹo mứt có nhiều chất tẩy trắng hoặc pha màu hóa học…

Hóc dị vật đường thở và đường tiêu hóa

Thông thường trẻ nhỏ hay bỏ mọi thứ bỏ vào miệng, lớn một chút thì lại nhét vào lỗ tai hay vào lỗ mũi, mà ngày tết thì đầy những hạt dưa, hạt bí, kẹo mứt có màu sắc hấp dẫn trẻ, do đó nên chú ý để xa tầm tay trẻ.

Ở phòng khám, chúng tôi đã từng gặp nhiều trẻ bỏ hạt đậu phộng vào lỗ tai, lỗ mũi; có trẻ ngạt thở do nuốt quả chôm chôm, đồng xu… Có trẻ ho dai dẳng hàng tháng trời khi soi phế quản thì ra là hạt đậu phộng hoặc có bé bị sặc hạt dưa hấu…

Viêm hô hấp, suyễn

Viêm hô hấp là bệnh cũng hay gặp do bé đi chơi chỗ đông người dễ nhiễm bệnh, hoặc say nóng, say nắng, say gió.

Một số trẻ có tiền căn suyễn có thể dễ bị khởi phát do khói nhang, khói thuốc lá hoặc một số trẻ lại dị ứng với đậu phộng hoặc đồ biển…

Để yên tâm hơn khi đi chơi xa trong ngày tết, các bậc phụ huynh nhớ mang theo thuốc hạ sốt paracetamol, oresol (nước biển khô) đề phòng khi trẻ tiêu chảy và một ít thuốc ho dạng cây cỏ thiên nhiên, nước muối sinh lý nhỏ mũi, nhỏ mắt và lọ thuốc sát trùng ngoài da.

Đôi khi trẻ con không bị bệnh, nhưng do thức khuya hoặc thay đổi sinh hoạt, các bé sẽ quấy khóc, khó ngủ hơn. Chúng ta cũng nên tập cho con thích nghi một chút với môi trường xung quanh và những thay đổi trong cuộc sống.

Cũng đừng quên cho trẻ mặc đồ thoáng mát đề phòng rôm sẩy, ra nắng nên đội nón vải cho bé và dĩ nhiên là mũ bảo hiểm cho trẻ lớn nếu đi mô tô và chớ quên cái khẩu trang cản bụi.

Nhiễm siêu vi

Sau tết, ngoài những bệnh về đường tiêu hóa, khi các em đi xa về, do thay đổi về thời tiết, khí hậu, đi đường, nhiều trẻ dễ bị nhiễm siêu vi hơn. Đối với trẻ có bệnh lý đặc biệt cần theo dõi định kỳ như tim bẩm sinh, hội chứng thận hư… phải luôn tuân thủ lịch tái khám và qui trình dùng thuốc đầy đủ, không được vì lý do này hay lý do khác làm chậm trễ việc điều trị cho trẻ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên