22/01/2018 15:19 GMT+7

Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ thời kỳ có thai

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh

Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý là điều kiện cần thiết giúp các bà mẹ sinh ra những em bé khỏe mạnh.

Chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ thời kỳ có thai - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: teechymantra.com

Mang thai và sinh đẻ là thiên chức của phụ nữ, bất kỳ người mẹ nào cũng  mong muốn con mình luôn được khỏe mạnh từ khi còn trong bào thai cho đến khi chào đời và cả sau này.

Để có thể sinh được trẻ khỏe mạnh, thông minh thì ngoài việc chăm sóc, khám quản lý thai định kỳ, người mẹ cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý vì dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

Dinh dưỡng tốt, không chỉ giúp người mẹ đáp ứng đầy đủ các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của cơ thể, mà còn đáp ứng những thay đổi sinh lý về chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân, tăng khối lượng tử cung do mang thai. Mức tăng cân trung bình của phụ nữ Châu Á trong thời kỳ mang thai là 10-12kg, trong đó 4kg là mỡ, tương đương 36.000kcal, đó là nguồn dự trữ để sản xuất sữa (theo tiêu chuẩn Quốc tế - FAO).

Một số nghiên cứu của bệnh viện Phụ sản Trung ương cho thấy cân nặng của mẹ trước khi có thai và sự tăng cân trong khi có thai ảnh hưởng rõ rệt đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Mẹ có cân nặng trước khi có thai dưới 40kg, cân nặng trước khi đẻ dưới 47 kg và tăng cân trong khi có thai dưới 5 kg có nguy cơ đẻ con nhẹ cân < 2.500 g, hiện nay tỷ lệ trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2.500g trong khoảng 10%, do vậy chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ trước và trong thời kỳ mang thai là rất cần thiết để hạn chế tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng sơ sinh dưới 2.500g, muốn vậy cần:

Tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi có thai: Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) mức năng lượng khuyến nghị hàng ngày là 2.200kcal. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng: Có thai 3 tháng giữa thai kỳ, khẩu phần ăn nên nhiều hơn sao cho năng lượng cung cấp tăng 360 kcal/ngày (1 bát cơm đầy và thức ăn hợp lý), 3 tháng cuối nên tăng 475kcal/ngày (2 miệng bát cơm và thức ăn hợp lý).

Tăng cường bổ sung dinh dưỡng thông qua đa dạng thực phẩm:  

- Bổ sung chất đạm và chất béo giúp xây dựng và phát triển cơ thể thai nhi: Ngoài cơm (và lương thực khác) ăn đủ no, bữa ăn cho bà mẹ có thai cần có thức ăn để bổ sung chất đạm và chất béo giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Chất đạm đặc biệt quan trọng ở 3 tháng đầu cho việc tạo hình và xây dựng các tổ chức nội tạng trong cơ thể như tim, gan, phổi và nhất là tế bào thần kinh. 

Nhu cầu cần tăng 10-15g/ngày cho 6 tháng đầu và 12- 18g/ngày cho 3 tháng cuối, chất đạm từ các thức ăn thực vật (đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng, lạc) hoặc từ thức ăn động vật (các loại thủy sản như tôm, cua, cá, ốc, thịt, trứng, sữa…)

- Chất khoáng và vitamin giúp thai nhi phát triển và đáp ứng nhu cầu cho người mẹ: Các chất khoáng và vi chất là các chất dinh dưỡng tuy chỉ cần một lượng nhỏ nhưng lại có vai trò quan trọng, đặc biệt là giai đoạn cơ thể có nhu cầu cao về các chất dinh dưỡng cho phát triển như thời kỳ có thai.

Canxi: Tham gia cấu tạo khung xương cho thai nhi. Canxi có nhiều trong tôm, cua, cá và sữa, đậu.

Sắt: Tham gia quá trình tạo máu, có nhiều trong thịt màu đỏ, cá, trứng sữa, các loại nhuyễn thể, ngũ cốc, đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm.

Kẽm: Tham gia vào phát triển chiều cao của trẻ từ trong bào thai và tăng miễn dịch cho trẻ. Nguồn cung cấp kẽm tốt nhất là thịt, cá, thủy hải sản, đặc biệt là nhuyễn thể như ốc, hến, trai, trùng trục hay nghêu sò...

Vitamin A: Có tác dụng sáng mắt, tăng đề kháng, tạo xương dài cho trẻ giúp trẻ có chiều cao tối đa theo tiềm năng. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị. 

Người phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ vitamin A trong suốt thời gian mang thai, sau khi sinh, người mẹ cần đủ vitamin A để cho sữa nuôi con. Nguồn cung cấp Vitamin A: Sữa, gan, trứng, các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ….

Vitamin D: Giúp hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi, phospho vào cơ thể, khi mang thai nếu cơ thể thiếu vitamin D dễ gây các hậu quả như trẻ còi xương ngay trong bụng mẹ.

Vitamin B1: Là yếu tố cần thiết để chuyển hóa glucid. Ngũ cốc và các loại hạt họ đậu là nguồn vitamin B1 tốt.

Acid folic: Tham gia tạo máu và hình thành ống thần kinh. Nếu thiếu acid folic trẻ sinh ra sẽ bị dị dạng ống thần kinh. Nguồn cung cấp acid folic có nhiều trong các trái cây, rau xanh, trứng nhưng trong khẩu phần thường không đủ. Vì vậy người mẹ cần được bổ sung khi mang thai.

Ngoài ra, một số các vitamin khác như vitamin C làm tăng sức đề kháng của cơ thể, hỗ trợ hấp thu sắt từ bữa ăn góp phần phòng chống thiếu máu do thiếu sắt.

Chăm sóc dinh dưỡng hợp lý là điều kiện cần thiết giúp các bà mẹ sinh ra những em bé khỏe mạnh, song song với việc chăm sóc dinh dưỡng hợp lý các bà mẹ nên đến khám quản lý thai tại các cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Quảng Ninh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên